Do lo ngại nguồn cung khan hiếm, giá đường ghi nhận đà tăng kéo dài. Nhờ đó, các doanh nghiệp ngành mía đường đang trải qua một mùa vụ 2022-2023 ngọt ngào.
Lãi cao kỷ lục, cổ phiếu lập đỉnh
Mới nhất, CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS) công bố BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm nay với các kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tính riêng quý II/2023, Đường Quảng Ngãi báo lãi ròng gần 712 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Đường Quảng Ngãi ghi nhận 5.282 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.028 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng gần 32% và tăng 90% so với cùng kỳ. Như vậy, doanh nghiệp đường này đã hoàn thành 100% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm nay.
Cổ phiếu mía đường thăng hoa cùng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. |
Trước đó, CTCP Mía đường Sơn La (SLS) vừa công bố BCTC quý IV niên độ 2022 – 2023 (từ 1/4/2023 đến 30/6/2023) với 550 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 152% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 225 tỷ đồng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ.
Luỹ kế cả niên độ, Mía đường Sơn La ghi nhận 1.676 tỷ đồng doanh thu, 523 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 93%, 178% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay của công ty.
Không kém cạnh, trong BCTC hợp nhất quý IV niên độ tài chính 2022-2023 (từ ngày 31/3-30/6/2023) vừa công bố, Đường Kon Tum (KTS) ghi nhận doanh thu hơn 288 tỷ đồng, gấp 6 lần cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế tăng gấp 7 lần lên gần 24 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất trong vòng 25 quý trở lại đây của doanh nghiệp (kể từ quý III/2017).
Theo kết quả kinh doanh, Đường Kon Tum thường xuyên duy trì lợi nhuận dưới 4 tỷ đồng mỗi quý, song từ quý III niên độ tài chính 2022-2023, doanh nghiệp này chứng kiến lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sản lượng đường tiêu thụ tăng cao. Đến quý IV niên độ này lợi nhuận của doanh nghiệp đã đạt đỉnh mới trong lịch sử hoạt động.
Lũy kế cả niên độ 2022-2023, doanh thu thuần ghi nhận 547,7 tỷ đồng, lãi trước thuế gần 40 tỷ và sau thuế 38 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với các niên độ trước.
Niên độ 2022-2023, đơn vị này lên kế hoạch thu về hơn 405 tỷ đồng tổng doanh thu, cao gấp 2-3 lần niên độ trước nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm 38%, xuống hơn 6,5 tỷ đồng. Kết thúc năm tài chính, Đường Kon Tum không những hoàn thành mà còn vượt kế hoạch lợi nhuận hơn 6 lần.
Trên sàn chứng khoán, chốt phiên ngày 27/7, cổ phiếu QNS dừng ở mức 52.800 đồng/cp. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu QNS đã tăng khoảng 56%. Đáng chú ý, ngay khi báo cáo kết quả kinh doanh quý II, cổ phiếu này đã tăng lên 53.400 đồng/cp – vùng giá cao nhất kể từ khi chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM vào cuối năm 2016 đến nay.
Trong khi đó, cổ phiếu SLS đang trở thành hiện tượng khi liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Ngày 21/7, cổ phiếu SLS tăng trần lên mức 205.700 đồng/cp – thiết lập đỉnh lịch sử kể từ khi niêm yết, kỷ lục cũ được thiết lập hồi tháng 4/2023 với 162.500 đồng/cp. Mức giá này đã đưa cổ phiếu SLS vào trong top cổ phiếu đắt nhất toàn thị trường. Hiện cổ phiếu này đang dừng ở mức 211.900 đồng/cp.
Còn cổ phiếu KTS đã từng là cổ phiếu tăng mạnh nhất trên sàn HNX trong tháng 4 vừa qua với giá trị 71% trong vòng 1 tháng. Chốt phiên 27/7, cổ phiếu này tăng lên mức 35.500 đồng/cp.
Dư địa lớn cho giá đường
Nhìn chung kết quả kinh doanh cũng như giá cổ phiếu “thăng hoa” diễn ra trong bối cảnh giá đường tăng cao. Trước lo ngại về nguồn cung khan hiếm đè nặng lên an ninh lương thực toàn cầu, giá đường đã tăng vọt lên mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Theo dữ liệu từ Trading Economics, giá đường thô thế giới ghi nhận nhịp tăng mạnh từ giữa tháng 3 lên mức hơn 25 USD/lbs tính đến thời điểm 21/7 (giờ Mỹ).
Thậm chí, trong đà tăng đó có thời điểm giá đường còn đạt xấp xỉ 27 USD/lbs vào cuối tháng 4, mức cao nhất kể từ năm 2012. Dù điều chỉnh nhẹ sau đó, giá đường vẫn neo gần đỉnh cùng mức tăng gần 30% trong chưa đầy 4 tháng. Thêm vào đó, tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại làm giảm áp lực cạnh tranh từ đường nhập khẩu giá rẻ.
Giới phân tích nhân định, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục gặp thuận lợi trong nửa cuối năm nay khi giá đường trong nước bắt đầu tăng lên theo giá đường thế giới.
Giá đường tinh luyện dự báo sẽ duy trì quanh mức 20.000 đồng/kg kể từ quý II/2023. Trong khi đó, giá đường thế giới hiện đang ở mức cao nhất 11 năm trở lại đây do tình trạng thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ Thái Lan đang tạo trợ lực lớn cho các doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Theo tính toán của Tiên Phong Securities, với việc bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như trên, giá đường từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam dự kiến sẽ ở trên mức 22.000 đồng/kg sau khi bị đánh thuế đầy đủ. Qua đó, tạo dư địa khá lớn cho giá đường Việt Nam tiếp tục tăng lên.
Theo ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong 3 niên vụ gần đây (sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại) thì sản lượng mía đã tăng. Nhất là niên vụ 2022-2023 khi sản lượng tăng mạnh so với kế hoạch.
"Trong điều kiện tự nhiên như Việt Nam, các nước trong khối ASEAN không có nước nào tăng như mình cả, chỉ giữ ở mức tương đương, thậm chí còn thấp hơn. Điều này cho thấy khi mình được tạo điều kiện công bằng thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại thì năng lực của ngành vẫn còn rất lớn", ông Lộc nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Lộc vẫn đưa ra lưu ý, quãng đường sắp tới vẫn còn rất gian nan. Bên cạnh việc nâng cao năng lực, ngành vẫn sẽ còn phải cạnh tranh với đường nhập lậu, và đặc biệt là đường lỏng (siro ngô) tràn vào Việt Nam với số lượng lớn.
Theo số liệu sơ bộ từ VSSA, lượng đường lỏng nhập về Việt Nam trong năm 2022 đã tăng gấp đôi so với các năm trước đó. Điều này sẽ tác động không nhỏ đến mía đường, nhất là khi mặt hàng này các công ty sản xuất nước giải khát sử dụng.
“Các doanh nghiệp vẫn cần bám sát những thông tin thị trường để có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp”, đại diện VSSA lưu ý.
Hải Giang