Trước đó, trong năm 2022, thị giá cổ phiếu ITA trong năm 2022 cũng ghi nhận mức giảm sâu. So với mức giá đạt được trong đầu năm 2022 (14.000 đồng/cp), hiện thị giá ITA đã mất gần 68%.
Đà giảm này được cho là Tân Tạo bị ảnh hưởng quanh lùm xùm việc bà Đặng Thị Hoàng Yến (còn gọi là Maya Dangelas), Chủ tịch HĐQT công ty đã tạm ứng một khoản tiền ban đầu đến hơn 1.900 tỷ đồng cho việc đầu tư dự án tại Mỹ trong năm 2022. Sau đó, Tân Tạo đính chính lại chỉ còn hơn 630 tỷ đồng do hạch toán sai. Từ những vấn đề này, Tân Tạo bị buộc phải giải trình liên tục với cơ quan quản lý về chứng khoán.
So với mức giá đạt được trong đầu năm 2022 (14.000 đồng/cp), hiện thị giá ITA đã mất gần 68%. (Ảnh: Int) |
Trở lại hiện tại, cổ phiếu ITA bỗng dưng quay đầu giảm sàn khi đang trong chuỗi tăng giá 6 phiên liên tiếp khi doanh nghiệp này vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 và lũy kế năm 2022 với các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận đều rơi về đáy lịch sử.
Cụ thể, trong quý IV/2022, Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần âm trên 2.033 tỷ đồng (các khoản giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng). Thậm chí giá vốn hàng bán âm đến 1.610 tỷ đồng, giảm 1.247% so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 97% từ 17 tỷ xuống chỉ còn hơn 600 triệu. Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đồng loạt giảm trên 150%. Trừ đi các chi phí, Tân Tạo lỗ ròng kỷ lục 330 tỷ đồng.
Luỹ kế cả năm 2022, Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần âm kỷ lục hơn 1.576 tỷ đồng (các khoản giảm trừ doanh thu trên 2.150 tỷ đồng). Lỗ ròng hơn 179 tỷ đồng, lỗ trước thuế 218 tỷ đồng.
Đưa ra giải trình về kết quả sụt giảm mạnh, Tân Tạo cho biết nguyên nhân chủ yếu là do bị thu hồi dự án Nhiệt điện Kiên Lương của công ty con là công ty CP Phát triển Năng lượng Tân Tạo, buộc doanh nghiệp phải thanh lý hợp đồng thuê đất dài hạn xây dựng Trung tâm Điện lực Kiên Lương, dẫn đến giảm trừ doanh thu hơn 2.142 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2022 có xét đến 2023, “dự án Kiên Lương 1 bị loại bỏ không nằm trong danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành năm 2016-2030”.
Ngày 13/6/2016, Tổng cục Năng Lượng - Bộ Công Thương đã có văn bản thông báo “Dự án Kiên Lương 1 không có trong danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030. Vì vậy, Tổng cục Năng lượng không có cơ sở để tiếp tục triển khai”.
Dự án Kiên Lương 1 bị Thủ tướng Chính phủ loại khỏi danh sách các dự án sẽ vận hành trước năm 2030 nên CTCP Phát triển Năng lượng Tân Tạo (TEDC) và Tân Tạo không có cơ sở triển khai dự án, đây là trường hợp bất khả kháng theo hợp đồng.
Trong nhiều kỳ kế toán trước đó, các hãng kiểm toán liên tục nhấn mạnh về khoản đầu tư của Tân Tạo tại TEDC liên quan đến khả năng thu hồi hàng nghìn tỷ đồng từ dự án Kiên Lương.
Tại ngày 31/12/2022, Tân Tạo không còn ghi nhận đầu tư vào TEDC (giá trị đầu tư tại ngày 30/9/2022 gần 1.753 tỷ đồng). Đồng thời, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn của dự án Kiên Lương tăng từ 543 tỷ đồng (vào cuối quý 3/2022) lên hơn 2.221 tỷ đồng (chiếm 17,6% tổng giá trị tài sản) và phát sinh thêm 1.253 tỷ đồng phải thu dài hạn.
Châu Giang