Đang ở mức giá thấp nhất 11 tháng nhưng chỉ với câu nói “có thể” sẽ mua vào thêm và không bán ra cổ phiếu HPG của Chủ tịch HĐQT đã mang về gần 3.500 tỷ đồng vốn hóa cho CTCP Tập đoàn Hòa Phát.
Đồng thời, mức tăng của HPG cũng đưa ông Long quay trở lại danh sách tỷ phú USD của Tạp chí Forbes sau vài ngày “rớt đài”.
Cú rơi đáng sợ
Trong giai đoạn tháng 2-3/2018, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán cũng như triển vọng của ngành thép đã khiến cổ phiếu HPG tăng mạnh từ mức giá dưới 30.000 đồng/cp hồi cuối năm 2017 (giá đã điều chỉnh) lên mức 48.000 đồng/cp, tương đương mức tăng 60%.
Đà tăng của cổ phiếu đã mang về cho Hòa Phát hàng chục nghìn tỷ đồng, tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long cũng cán ngưỡng tỷ phú USD của Forbes.
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày thịnh vượng, ngành thép đối mặt với những bất lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Cụ thể, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm từ mọi khu vực vào Mỹ, có hiệu lực từ tháng 5/2018. Việt Nam là một trong những nước chịu mức thuế suất này.
“Vận đen” của Hòa Phát càng được tăng thêm khi thị trường bất động sản có dấu hiệu giảm tốc và có thể rơi vào thời kỳ khó khăn hơn trong vài năm tới khi Chính phủ thực thi các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững, giảm tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán khiến giá cổ phiếu rơi vào chuỗi ngày “thê thảm”.
Chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 11, thị giá của HPG chỉ còn 33.200 đồng/cp, giảm tới 30% so với mức đỉnh hồi tháng 3. Biến động này đã thổi bay hơn 28.000 tỷ đồng vốn hóa của Hòa Phát cũng như hơn 10.000 tỷ đồng tài sản của ông Long và vợ.
Cổ phiếu xuống giá, tài sản cổ phiếu chỉ còn 17.735 tỷ đồng, ông Long không còn là tỷ phú USD theo bảng xếp hạng của Forbes.
Đà giảm của HPG còn đến từ động thái bán ròng dài hạn của khối ngoại với hơn 9,5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu từ 40% xuống còn 39,55% (30/11).
Nếu tính từ đầu năm, thời điểm tỷ lệ phủ room lên đến 41,4%, khối ngoại đã “xả” hơn 39 triệu cổ phiếu HPG.
Giữa “tâm bão”, quỹ ngoại PENM III lại “bồi” thêm vào đà giảm của HPG bằng động thái đăng ký bán bớt 20 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 16/11 đến 14/12 càng khiến cho các cổ đông lo lắng.
Cổ phiếu HPG cứ thế miệt mài giảm bất chấp kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2018 vẫn tăng trưởng đều với gần 42.000 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ.
Trong một thông báo gần đây của Hòa Phát, trong 11 tháng năm 2018, doanh thu Hòa Phát đạt trên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.100 tỷ đồng và đã hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm.
Nếu Chủ tịch Trần Đình Long không “hứa lèo”, cổ phiếu HPG có thể sẽ bay cao |
Cam kết “cứu giá”
Giữa lúc cổ phiếu giảm, khối ngoại tăng cường bán ra, ông Long lại tuyên bố mua vào cổ phiếu, mỗi đợt có thể là 10 triệu đơn vị. “Chúng tôi là những cổ đông sáng lập sẽ chỉ mua vào thêm và không bán ra”, ông Long cho biết.
Về động thái “xả hàng” của các quỹ ngoại, theo ông Long, đây là các quỹ đầu tư đến hạn phải bán, chứ không phải là tháo chạy hay bán tháo.
Ngay sau phát ngôn này của ông Long, cổ phiếu HPG đã bật tăng mạnh mẽ trong phiên ngày 5/12 lên 35.300 đồng/cp. Khối lượng giao dịch cũng tăng gấp đôi so với phiên trước đó với hơn 8 triệu cổ phiếu được khớp lệnh thành công, tương ứng giá trị giao dịch đạt 284.000 tỷ đồng.
Phiên 7/12, HPG đã có sự điều chỉnh nhẹ về mức giá 34.650 đồng/cp, vốn hóa thị trường đạt 73.487 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Long cũng thông tin thêm về “đứa con tinh thần” Hòa Phát – Dung Quất, công ty đã vay Vietcombank 10.000 tỷ đồng và VietinBank 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào dự án này.
Trong 11 tháng năm 2018, Hòa Phát đã giải ngân 28.000 tỷ đồng đầu tư, trong đó có 25.000 tỷ đầu tư vào ngành thép, 3.000 tỷ đồng vào ngành tôn và sẽ tiếp tục giải ngân nốt 3.000 tỷ còn lại vào tháng 12. Năm 2019, HPG sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng.
Tính tại mức giá hiện tại, cổ phiếu HPG đã tăng gần 4,4% từ cuối tháng 11 và với cam kết “cứu giá” của Chủ tịch Trần Đình Long, có thể đây chỉ là mức tăng tạm thời, nhà đầu tư hoàn toàn có thể kỳ vọng một sự tăng dài hạn hơn, chỉ trừ khi ông Long “hứa lèo”.
Dù triển vọng kinh doanh của Hòa Phát tươi sáng, nhưng đối với những nhà đầu tư cơ bản thì tương lai mới là yếu tố quan trọng để quyết định đầu tư, nên với dư nợ ở ngưỡng cao của công ty, việc cổ phiếu HPG trở lên kém hấp dẫn là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Tính đến ngày 30/9, tổng nợ phải trả của Hòa Phát ghi nhận 31.069 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản; trong đó nợ vay tài chính ghi nhận 22.034 tỷ đồng, tăng hơn 9.000 tỷ đồng so với đầu năm.
Đặc biệt, dù nợ nhiều nhưng Hòa Phát lại có khá nhiều tiền “nhàn rỗi” lên tới 9.897 tỷ đồng, chiếm 44% khoản nợ vay tài chính của Tập đoàn, trong đó tiền và các khoản tương đương tiền là 3.976 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng ngắn và dài hạn là 5.921 tỷ đồng (chủ yếu là ngắn hạn).
Không rõ Hòa Phát đang gửi tiền tại ngân hàng nào, nhưng mặt bằng chung lãi suất huy động hiện nay tại các ngân hàng cho các khoản tiền gửi dưới 12 tháng dao động từ khoảng 4,5% đến 7%, dài hạn là trên 7%/năm.
Trong khi đó, dù BCTC mới đây của Hòa Phát trong phần thuyết minh không ghi rõ lãi vay tại các ngân hàng là bao nhiêu, nhưng theo BCTC năm 2017 thì các khoản vay VND chỉ phải chịu lãi suất từ 2,8%/năm.
Giả sử mức lãi suất này vẫn được giữ nguyên thì tạm tính tại mức thấp nhất, Hòa Phát cũng “ăn chênh” được một khoản khá về lãi suất.
Linh Đan