Chịu thiệt hại nặng nề nhất vì Covid-19 có lẽ là ngành hàng không khi có tới 98% tàu bay bị ngừng hoạt động. Theo dự tính của Cục hàng không Việt Nam, số tiền thiệt hại ngành hàng không phải gánh chịu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể lên tới 65.000 tỷ đồng chứ không chỉ dừng lại ở mức 30.000 tỷ như dự tính trước đó.
Thực tế đây cũng chỉ là một ước lượng để hình dung ra mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh lên ngành hàng không nhưng thực tế thiệt hại đến đâu còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhất là trong bối cảnh hoạt động đi lại bằng đường hàng không bắt đầu giảm mạnh sau hàng loạt ca nhiễm Covid – 19 liên tiếp được phát hiện tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội và Tp.HCM.
Khó "vượt sóng" đại dịch
Mới đây, hãng hàng không quốc gia Vietnma Airlines (mã: HVN) vừa công bố BCTC hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vietnam Airlines trong quý II/2020 chỉ đạt 6.006 tỷ đồng, chỉ bằng gần một phần tư so với cùng kỳ năm ngoái (24.363 tỷ đồng). Sau khi trừ đi các chi phí, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là âm 3.981 tỷ đồng.
Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2020, Vietnam Airlines đạt doanh thu 24.934 tỷ đồng, bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2019 nhưng tổng lợi nhuận kế toán trước thuế bị âm 6.542 tỷ đồng so với khoản lợi nhuận thực dương 1.785,7 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.
Năm 2020, Vietnam Airlines dự kiến lỗ ròng khoảng 13.000 tỷ đồng, thiếu hụt dòng tiền khoảng 16.000 tỷ đồng. Nếu không được hỗ trợ, "đến tháng 8, tổng công ty sẽ cạn tiền", ông Trần Thanh Hiền – Kế toán trưởng Vietnam Airlines nói hôm 12/6.
Khó kỳ vọng một sự hồi phục trong tương lai gần của nhóm cổ phiếu hàng không (Ảnh: Internet) |
Tương tự, hãng hàng không giá rẻ Vietjet Air (mã: VJC) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý II, giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với doanh thu vận tải hàng không đạt 1.970 tỷ đồng, giảm 54% và mức lỗ hàng không 1.122 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Vietjet lỗ trong hoạt động hàng không 2.111 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của công ty vẫn ghi nhận dương 73 tỷ đồng nhờ có khoản thu đáng kể từ chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư tài chính.
Không nằm ngoài diễn biến chung, "ông trùm" sân bay Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, mã: ACV) cũng vừa công bố BCTC hợp nhất quý II/2020 với khoản lỗ 354 tỷ đồng - đây là mức lỗ nặng nhất kể từ khi thành lập của công ty. Nhờ có khoản thu nhập từ tiền gửi ngân hàng ACV báo lãi 6 tháng 1.194, giảm 67,7% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, do vẫn có những khoản thu nhập khác nên kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp ngành hàng không trong quý II có phần bớt "u ám" hơn so với quý I nhưng trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát tại Đà Nẵng và một số địa phương lớn trong cuối tháng 7/2020 thì tình hình quý III/2020 là "khó nói trước được điều gì" bởi các hãng hàng không đang phải đối diện với tình trạng khách hoàn, huỷ vé ảnh hưởng lớn đến dòng tiền.
Cổ phiếu "bế tắc"
Song song với những khó khăn chung của ngành là diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán của nhóm cổ phiếu hàng không khi vừa mới hồi phục được trong thời gian ngắn đã liên tiếp "đỏ sàn".
Kết thúc phiên giao dịch ngày 31/7, cổ phiếu HVN giao dịch tại mức giá 21.700 đồng/, chỉ trong 6 phiên giao dịch kể từ khi phát hiện ca bệnh Covid-19 mới đầu tiên sau thời gian "bình thường mới" HVN đã ghi nhận mức giảm gần 16% từ mức giá 25.800 đồng/cp.
Trước đó, trong quý I là thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, HVN đã có khoảng thời gian lao dốc về vùng giá 17.000 đồng/cp, tương đương "bốc hơi" gần 50% giá trị. Bước vào quý II cùng với sự hồi phục của thị trường và chính sách kích cầu du lịch nội địa của Chính phủ, HVN hồi phục lên vùng giá 28.000 đồng/cp trước khi về vùng 26.000 đồng/cp.
Cũng có diễn biến như HVN, cổ phiếu VJC cũng giảm 12,4% trong 6 phiên giao dịch gần nhất về mốc 94.500 đồng/cp thấp hơn mức giá thời điểm thị trường về đáy hồi cuối tháng 3. Nếu so với đầu năm, VJC ghi nhận mức giảm hơn 36,1%.
Tương tự, ACV hiện cũng "bốc hơi" hơn 10% chỉ trong hơn 1 tuần và gần 30,1% so với đầu năm.Ngoài ra, những cổ phiếu hàng không khác như NCT của CTCP Dịch vụ hàng không Nội Bài, AST của Taseco, SAS của Sasco...cũng đang trên đà trượt mạnh.
Thực tế, ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, để "giảm đau" cho ngành hàng không, hàng loạt biện pháp hỗ trợ đã được Bộ GTVT đề nghị Chính phủ như miễn giảm thuế, giãn thời gian nộp các khoản đóng góp ngân , cơ cấu nợ...nhưng trong chia sẻ mới đây của ông Dương Trí Thành - Tổng giám đóc Vietnam Airlines, những ảnh hưởng của dịch bệnh đối với ngành hàng không là ngoài sức tưởng tượng.
Ông Thành cho biết, sau khi đóng toàn bộ đường bay quốc tế vào ngày 23/3, Vietnam Airlines cũng như các hãng hàng không khác không có doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không quốc tế. Tại thị trường nội địa dù nhu cầu du lịch nội địa dù đã hoạt động trở lại nhưng so với cùng kỳ vẫn kém hơn.
Tuy nhiên, đây là những nhận xét trước khi dịch bệnh bùng phát trở lại tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố lân cận. Với tình hình như hiện nay, ngay cả với thị trường nội địa cũng trở nên khó khăn hơn với các hãng hàng không nói riêng và ngành hàng không nói chung. Do đó, kỳ vọng về một sự phục hồi trong tương lai gần của nhóm cổ phiếu ngành hàng không là khá xa vời.
Linh Đan