Ngày 18/10, CTCP Địa ốc First Real đã chính thức niêm yết 13 triệu cổ phiếu FIR trên Sở GDCK Tp.HCM (HoSE) với giá tham chiếu chào sàn là 12.000 đồng/cp. Ngay trong phiên chào sàn, FIR đã tăng kịch biên độ 20% lên 14.400 đồng/cp.
Kể từ phiên chào sàn đến nay, bất chấp thị trường chứng khoán đang trong xu hướng lao dốc, FIR gây chú ý khi tiếp tục tăng trần thêm 13 phiên liên tiếp với mức tăng trung bình đạt 6,9%.
Cổ phiếu tăng hơn 200%
Trong phiên giao dịch ngày 7/11, FIR duy trì mức giá trần 36.800 đồng/ cp trong suốt cả phiên giao dịch, tuy nhiên, cuối phiên đã được điều chỉnh chỉ còn tăng 6,8% đạt mức 36.750 đồng/cp, cao hơn giá trị sổ sách 2,3 lần (15.870 đồng/cp).
Tạm tính tại mức giá hiện tại, FIR đã tăng tới 206% so với giá chào sàn, tuy nhiên, thanh khoản của cổ phiếu này lại đang ở mức rất thấp, khối lượng giao dịch trung bình chỉ đạt khoảng 20.000 đơn vị.
Đáng chú ý, các lệnh mua giá trần cũng xuất hiện rất sớm ngay từ khi thị trường mở cửa và nhanh chóng “trắng” bên bán. Theo tiết lộ của một nhà đầu tư, anh này đã đặt lệnh mua từ phiên tăng trần thứ 5, nhưng đến nay vẫn chưa được khớp.
Điều này chứng tỏ nguồn cung cổ phiếu đang được kiểm soát, rủi ro sẽ đến với nhà đầu tư tham gia đua trần ở những thời điểm khối lượng khớp lệnh lớn.
Cụ thể, xét cơ cấu cổ đông, theo Bản cáo bạch niêm yết, tại thời điểm 29/8/2018, First Real có hai cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ là ông Nguyễn Hào Hiệp, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty đang nắm 4.690.273 cổ phần, chiếm tỷ lệ 36,08% và ông Nguyễn Anh Tuấn, thành viên HĐQT, nắm 780.000 cổ phiếu, chiếm 6%.
Hai vị lãnh đạo này hiện sở hữu tổng cộng 42,08% vốn điều lệ của First Real, khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi ngờ các giao dịch của FIR đều là nằm trong phạm vi nội bộ và chưa có dấu hiệu ra hàng.
Trên thị trường chứng khoán, hiện tượng cổ phiếu mới niêm yết tăng trần liên tiếp vài phiên không hiếm nhưng tăng hàng chục phiên lại là hiếm.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường chứng khoán gần đây đang rơi vào vùng giảm điểm do tác động từ tình hình tài chính quốc tế, nhiều cổ phiếu tại các nhóm ngành liên tiếp giảm sâu, thậm chí “lau sàn” thì hiện tượng FIR là rất bất bình thường.
Ngoài ra, theo quy định, các cổ phiếu có biến động giao dịch trần/ sàn 10 phiên liên tiếp, phải có văn bản giải trình về hiện tượng đột biến này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại First Real vẫn chưa có bất cứ thông tin giải trình nào về biến động hơn 200% của FIR.
Theo đó, giới đầu tư đang đồn đoán nhau về một “đội lái” với những toan tính “làm giá” nhằm mục đích lôi cuốn dòng tiền đầu cơ, từ đó huy động vốn hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cổ phiếu tăng mạnh một phần nhờ kết quả kinh doanh First Real khả quan trong quý IV và cả niên độ 2017- 2018, đi cùng thông tin về dự án mới đang được triển khai và kế hoạch phát hành huy động vốn đầu tư thời gian tới.
Nợ cũng tăng “phi mã”
Kết thúc kỳ kế toán từ 30/9/2017 đến 30/9/2018, First Real ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 167,9 tỷ đồng, tăng gấp 2,76 lần. Lợi nhuận gộp đạt 89,6 tỷ đồng, gấp 3,55 lần.
Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt là 98 tỷ đồng và 78,4 tỷ đồng, tăng gấp gần 5 lần so với năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu tăng từ 2.316 đồng/cp lên mức cao kỷ lục 11.495 đồng/cp.
Tuy nhiên, lưu chuyển dòng tiền của First Real lại đang ghi nhận con số âm khá lớn. Theo đó, lưu chuyển tiền thuần từ kinh doanh âm 74,7 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ (19,7 tỷ đồng).
Tính chung lưu chuyển tiền thuần của công ty đã bị âm gần 50 tỷ đồng. Điều này đang phản ánh khả năng cân đối dòng tiền kinh doanh của First Real gặp khó tại thời điểm chốt báo cáo tài chính định kỳ.
Tại ngày 30/9/2018, tổng tài sản công ty FIR tăng gấp đôi lên 530 tỷ đồng, trong đó khoản phải thu khách hàng đạt 458 tỷ đồng.
Cùng với việc tài sản tăng, nợ phải trả cũng tăng đột biến từ 97,2 tỷ đồng lên 303,7 tỷ đồng so với thời điểm 1/10/2017, tăng 212,4%; trong đó nợ ngắn hạn chiếm tới hơn 99,7% đạt 302,4 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu 226,8 tỷ đồng.
Theo giới thiệu, First Real đang hợp tác đầu tư 6 dự án mới là Ngọc Dương CoCo (tổng giá trị 66 tỷ đồng), Viêm Trung (35 tỷ), và Điện Ngọc – Điện Dương (222 tỷ), Chợ điện Nam Bắc (22 tỷ), Số 2 đô thị Điện Thắng (38 tỷ), và Trường Thịnh (330 tỷ).
Nhìn vào những con số ở trên có thể thấy, First Real đang tham gia triển khai kinh doanh hàng loạt dự án với tổng vốn đầu tư gấp nhiều lần vốn điều lệ.
Ngoài ra, sổ sách của First Real cũng đang khiến các nhà đầu tư đặt ra nhiều nghi vấn về sự bất thường khi đổi tổ chức kiểm toán liên tục trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2016 tới nay).
Trở lại với câu chuyện giá của FIR, theo Bản cáo bạch của First Real, để chuẩn bị lên sàn, giá cổ phiếu FIR được tính theo các phương pháp khác nhau, tuy nhiên, bình quân các phương pháp, giá cổ phiếu FIR trung bình là 15.733 đồng/cp.
Dù được định giá theo phương thức nào thì mức giá hiện tại của FIR cũng đang ở vị trí “trên trời”, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
Đà tăng của FIR trong nửa tháng qua khiến dân “chơi chứng” liên tưởng đến một cổ phiếu niêm yết đã từng “gây bão” trên sàn khi tăng trần liên tiếp với tổng mức tăng đạt tới 736% là ART .
Cụ thể, ART tăng đã một mạch từ 5.000 đồng/ cp lên 41.800 đồng/cp, sau đó liên tục “đổ đèo” giảm sâu và hiện chỉ còn 4.600 đồng/cp, khiến không ít nhà đầu tư “cháy tài khoản”.
Quan sát kỹ hơn có thể thấy, dấu hiện “xả” hàng của FIR đã được thể hiện trong phiên giao dịch ngày 7/11, khi khối lượng giao dịch tăng đột biến lên hơn 358.000 đơn vị, gấp hơn 4 lần so với phiên trước đó (86.870 đơn vị).
Thùy Linh