Diễn biến giá cổ phiếu EIB. |
Nếu như đầu năm 2022, thị giá EIB khoảng 34.000 đồng/cp thì đến giữa tháng 10 tăng lên hơn 42.000 đồng/cp. Trong giai đoạn từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2022, cổ phiếu EIB liên tục lao dốc, xuống mức 19.000 đồng/cp. Trong tháng 12/2022, cổ phiếu EIB có 3-4 phiên trần liên tiếp.
Đến đầu tháng 1/2023, thị giá EIB đạt 28.000 đồng/cp. Trong phiên gần nhất (10/2/2023), cổ phiếu EIB bất ngờ chịu áp lực bán mạnh, đặc biệt trong phiên ATC. Sau khi xuất hiện lệnh bán lớn 726.000 đơn vị trong phiên, cổ phiếu EIB đã giảm sàn về 22.950 đồng/cp.
Mặt khác, giai đoạn cuối năm 2022, cổ phiếu EIB liên tục được “sang tay” với khối lượng lớn. Từ tháng 9/2022, cùng lúc với việc Eximbank được chấp thuận tăng vốn và đại diện SMBC và nhóm Thành Công rút khỏi Hội đồng quản trị Eximbank, cổ phiếu EIB liên tục được sang tay với khối lượng "khủng".
Cụ thể chỉ trong phiên giao dịch ngày 30/9, tổng cộng 70,36 triệu cổ phiếu EIB (tương đương 5,69% vốn điều lệ Eximbank) được sang tay bằng phương thức thỏa thuận với tổng giá trị giao dịch lên tới 2.742 tỷ đồng, chiếm 66,9% tổng giá trị giao dịch thỏa thuận trên sàn HoSE.
Đến tháng 10/2022, có tới 378 triệu cổ phiếu EIB đã được giao dịch thỏa thuận.
Sau đó, liên tiếp hai phiên ngày 21/12/2022 và 22/12/2022 có tổng cộng gần 211,8 triệu cổ phiếu EIB được các nhà đầu tư sang tay, giá trị hơn 5.916 tỷ đồng và tương đương hơn 17,2% cổ phần của Eximbank.
Trong phiên 13/1/2023 cũng là phiên cuối cùng trước ngày đại hội cổ đông bất thường Eximbank diễn ra (nhưng bất thành) đã có hơn 137 triệu cổ phiếu EIB được sang tay.
Liên quan đến những biến động mạnh của thị giá cổ phiếu EIB, ngày 10/2, trên mạng xã hội và các diễn đàn xuất hiện hai văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra đang điều tra xác minh tin tố giác về vụ việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt và Công ty TNHH Chứng khoán ACB thao túng thị trường chứng khoán với cổ phiếu EIB của Eximbank.
Cụ thể, văn bản thứ nhất yêu cầu Chứng khoán Bản Việt cung cấp chứng cứ, đồ vật, tài liệu, dữ liệu điện tử, đồng thời sao kê giao dịch với mã chứng khoán EIB (từ 1/1/2022 đến nay) của tài khoản Vietnam Enterprise Investments Limited. VEIL là quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý với quy mô danh mục gần 1,8 tỷ USD.
Văn bản thứ hai có yêu cầu tương đồng như văn bản trên nhưng với 2 tài khoản khác là KB Vietnam Focus Balanced Fund và Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust (Equity).
Lập tức, Công ty TNHH Chứng khoán ACB đã lên tiếng phủ định. Cụ thể, ACBS khẳng định không tham gia vào bất cứ giao dịch hoặc có hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến giao dịch mã chứng khoán EIB nói trên. Trong suốt quá trình hoạt động, ACBS luôn tuân thủ theo quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
"Việc đưa thông tin không chính xác về ACBS được coi là hành vi vu khống, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu ACBS. Cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin không chính xác phải chịu trách nhiệm trước pháp luật", ACBS nhấn mạnh.
Sau đó, Công ty CP Quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam cho biết, đã được các công ty chứng khoán thông tin về việc nhà chức trách đã yêu cầu họ cung cấp thông tin giao dịch trong năm 2022 đối với cổ phiếu EIB.
"Một số quỹ do chúng tôi quản lý hoặc tư vấn đã giao dịch trong thời gian này. Đây hoàn toàn là hoạt động đầu tư bình thường. Chúng tôi biết rằng các nhà đầu tư khác cũng giao dịch cổ phiếu này trong khoảng thời gian đó.
Chưa có bất kỳ nhà chức trách nào hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước liên hệ trực tiếp với chúng tôi về vụ việc này. Đồng thời cũng không có bất kỳ dấu hiệu nào về việc chúng tôi đang bị điều tra. Chúng tôi sẽ hợp tác việc điều tra khi có yêu cầu", đại diện Dragon Capital khẳng định.
Về phía Chứng khoán Bản Việt, công ty này ra cũng lên tiếng, thời gian vừa qua, liên quan đến giao dịch cổ phiếu EIB của Eximbank, trên các diễn đàn, hội nhóm, các trang mạng xã hội xuất hiện những thông tin không chính xác, gây hiểu nhầm đến hình ảnh, thương hiệu và uy tín cũng như gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khách hàng cũng như xâm phạm quyền lợi của cổ đông VCSC.
VCSC khẳng định, các thông tin nêu trên là hoàn toàn sai lệch, không chính xác và bịa đặt. Công ty cho biết đã tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật và cơ quan có thẩm quyền. Bên cạnh đó, công ty cũng luôn đặt lợi ích của cổ đông và khách hàng lên trên hết.
VCSC đề nghị các tổ chức, cá nhân đang thực hiện các hành vi trên chấm dứt ngay lập tức việc thông tin sai sự thật này. Bên cạnh đó, công ty cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý đối với các đối tượng trên nhằm bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của VCSC theo quy định của pháp luật.
Trên một diễn biến khác, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã thông báo nhắc nhở việc công bố thông tin của HĐQT liên quan đến việc chào bán, phát hành chứng khoán đối với Eximbank.
Theo đó, nghị quyết HĐQT đã thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Eximbank từ 30% xuống 29,97% vốn điều lệ để phục vụ cho việc phát hành cổ phiếu nhưng Eximbank chậm công bố. Sau đó, Eximbank thông báo Nghị quyết HĐQT về việc tạm chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa và giải trình việc chậm công bố thông tin là vì lý do vào thời điểm trên, Eximbank chưa nhận được văn bản chấp thuận việc chốt tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của Eximbank từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…
Châu Anh