Thống kê kết quả kinh doanh quý II/2020 của 23 doanh nghiệp dầu khí niêm yết thì có tới 16 doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ giảm và giá xăng dầu thiết lập xu hướng đi xuống. Trong khi đó, tất cả các khâu từ khai thác, dịch vụ hỗ trợ, phân phối sản phẩm… đều chịu tác động không nhỏ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ngành chịu tác động kép
Mới đây, Tổng công ty khí Việt Nam – CTCP (PV Gas, mã: GAS) đã công bố BCTC quý II và 6 tháng đầu năm 2020 với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm sâu so với cùng kỳ.
Theo đó, kết thúc quý II, PV Gas ghi nhận doanh thu thuần trong kỳ đạt 15.627 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 43% xuống còn 1.713 tỷ đồng dù doanh nghiệp đã chủ động tiết giảm nhiều chi phí.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, PV Gas đạt 32.721 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 4.063 tỷ đồng, giảm lần lượt 16% và 34% so với nửa đầu năm 2019.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh xuống dốc trong nửa đầu năm qua, PV Gas cho biết do giá dầu Brent bình quân quý II giảm 57% so với cùng kỳ kéo theo giá bán các sản phẩm của công ty giảm tương đương.
Các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân vào nhóm cổ phiếu dầu khí. |
Trên thị trường, giá dầu bắt đầu giảm từ đầu tháng 2, liên tục giảm sâu trong tháng 3, 4 và ghi nhận thấp nhất trong hơn hai thập niên qua kể từ lần giá dầu chạm đáy vào cuối năm 1999. Giá dầu Brent trung bình 6 tháng đầu năm khoảng 40 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá kế hoạch (60USD/thùng).
Tình hình tương tự cũng xảy ra với “ông lớn” phân phối Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã: PLX). Mặc dù có lãi trở lại gần 700 tỷ đồng trong quý II nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Petrolimex vẫn lỗ sau thuế 1.080 tỷ đồng, lỗ công ty mẹ là 1.216 tỷ đồng.
“Thảm” hơn, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR) kết thúc 6 tháng đầu năm với khoản lỗ ròng hơn 4.255 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2019 lãi ròng hơn 704 tỷ đồng. Tình hình kém sắc trên của Lọc hóa dầu Bình Sơn dịch Covid-19 bùng phát kết hợp với cuộc khủng hoảng giá dầu khiến công ty gặp rất nhiều khó khăn, tồn kho của nhà máy có thời điểm trên 90%.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dầu khí khác cũng rơi vào trạng thái sụt giảm lợi nhuận ở mức sâu so với cùng kỳ như CTCP CNG Việt Nam (mã: CNG) với 99%, CTCP Vật tư xăng dầu (Comeco, mã: COM) với 98%, Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PV Drilling, mã: PVD) với 46%...hay thuộc nhóm thua lỗ như CTCP Xuất nhập khẩu Petrolimex (mã: PIT), Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ dầu khí (PV chem, mã: PVC), CTCP Thương mại dầu khí Nam Sông Hậu (mã: PSH)...
Trong nguy có cơ
Nhìn vào những kết quả này có thể thấy, rõ ràng các doanh nghiệp kinh doanh dầu khi vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn khi những nút thắt cũ chưa kịp tháo gỡ thì làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 lại ập tới kết thêm nút thắt mới.
Trong báo cáo mới đây của CTCK KB Việt Nam (KBSV) cũng cho biết, sự phục hồi của giá dầu trong giai đoạn vừa qua đã dần kết thúc và sẽ đi ngang trong thời gian tới. Với việc giá dầu vẫn thấp ở dưới mức hòa vốn 55USD/thùng, KBSV cho rằng những công ty thượng nguồn như PV Drilling, Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã: PVS) vẫn chưa thể khả quan do bị phụ thuộc vào sự phục hồi của giá dầu.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, KBSV đánh giá nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh đã và đang đối diện với việc thiếu điện nghiêm trọng do không đủ năng lượng đầu vào.
Hơn nữa sản lượng dầu thô và khí tự nhiên nội địa đã bắt đầu chậm lại thúc đẩy việc nhập khẩu năng lượng. Theo đó, những doanh nghiệp thuộc mảng khí LNG, vận tải năng lượng và bán lẻ được đánh giá là rất tiềm năng trong giai đoạn tới.
Từ những cơ sở này, KBSV đã có những đánh giá tích cực về các cổ phiếu như GAS, PLX, PVT, BST. Cũng theo KBSV, công thức giá bán liên quan trực tiếp đến giá dầu thô cho phép PV Gas và Petrolimex phục hồi ngay trong quý III bất chấp nhu cầu năng lượng thế giới còn kém. Lợi nhuận cũng sẽ trở lại hoàn toàn với Lọc hóa dầu Bình Sơn và PV Trans (mã: PVT) từ quý IV.
Thực tế, trong thời gian qua, bất chấp việc kết quả kinh doanh kém khả quan đã có thể nhìn thấy trước, hầu hết cổ phiếu trên sàn chứng khoán đều có diễn biến tích cực.
Điển hình nhất phải kể đến PLX với mức tăng 30,5% lên 47.000 đồng/cp so với hồi giữa tháng 3 (vùng 36.000 đồng/cp). Thực tế, đây vẫn là vùng đáy thấp nhất của PLX trong nhiều năm qua nhưng chính vì lẽ đó mà PLX được đánh giá là hấp dẫn cho mục đích đầu tư trung và dài hạn.
Cũng trong giai đoạn từ giữa tháng 3 đến nay, GAS đã tăng gần 29% từ vùng giá 56.000 đồng/cp lên 72.000 đồng/cp như hiện nay, OIL tăng 22,2%, PVD tăng 16,3%... Nhìn chung, không thể phủ nhận những khó khăn vẫn đang hiện hữu tại ngành dầu khí nhưng đối với các nhà đầu tư chứng khoán có mục tiêu dài hạn thì cổ phiếu ngành này vẫn được cân nhắc để giải ngân.
Linh Đan