Từ đầu năm 2023 đến nay, giá cổ phiếu ngành dầu khí đã thể hiện tích cực hơn so với thị trường chung sau giai đoạn điều chỉnh cuối năm 2022. Thậm chí, có nhiều phiên, cổ phiếu dầu khí còn đi ngược diễn biến thị trường, trở thành "ngôi sao sáng".
Điểm sáng đại dự án Lô B - Ô Môn
Chẳng hạn trong phiên 15/6, VN-Index giảm 0,86 điểm, tương đương 0,08% xuống 1.116,56 điểm. Tuy nhiên, nhóm dầu khí vẫn “lặng lẽ” bứt phá, đi ngược thị trường chung.
Có thể kể đến như PXS (PVC-MS), PVC (PVChem),… đều tăng trên 4% giá trị. Trong đó, PVS (PTSC) bật tăng tới 8%, thậm chí PVB (PV Coating) còn thiết lập mức tăng kịch trần.
Đáng chú ý, với mức tăng gần 4,3%, cổ phiếu PVD (PV Drilling) đã leo lên mức giá 24.400 đồng/cp, trở lại vùng giá cao nhất trong vòng 14 tháng kể từ tháng 4 năm ngoái. So với đáy dài hạn hồi tháng 11 năm ngoái, thị giá PVD đã tăng gần 88%. Vốn hoá thị trường cũng theo đó tăng thêm hơn 6.300 tỷ đồng sau nửa năm, lên gần 13.600 tỷ đồng.
So với đáy dài hạn hồi tháng 11 năm ngoái, thị giá PVD đã tăng gần 88%. (Ảnh: Int) |
Ngược thời gian, năm 2022 đã chứng kiến những biến động mạnh của giá dầu: giá dầu Brent lập đỉnh 14 năm và đã có thời điểm giao dịch ở mức gần 140 USD/thùng. Dòng chảy dầu khí trên thế giới được tái định hướng do tác động của cuộc xung đột Nga-Ukraine. Do đó, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí đều ghi nhận kết quả kinh doanh ở mức kỷ lục, các cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến khá ấn tượng.
Trước dự báo ngành dầu khí thế giới và khu vực trong năm 2023, cổ phiếu ngành dầu khí được đánh giá sẽ có tiềm năng hồi phục mạnh mẽ từ năm 2023. Theo đó, giới phân tích khuyến nghị tích cực đối với nhóm cổ phiếu dầu khí.
“Tăng tỷ trọng đối với cổ phiếu dầu khí để phản ánh những thuận lợi từ giá dầu thô tương đối cao, tích cực cho các hoạt động thượng nguồn”, Chứng khoán KIS khuyến nghị.
Chưa dừng lại ở đó, những thông tin tích cực trong thời gian gần đây đến từ tình hình triển khai các dự án trọng điểm trong nước, điển hình như đại dự án Lô B - Ô Môn đã tiếp tục giúp cổ phiếu dầu khí thu hút dòng tiền tìm đến.
SSI Research nhận định, các công ty dầu khí được hưởng lợi nhiều nhất từ dự án Lô B - Ô Môn bao gồm Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS), PTSC, PV Drilling, PVChem, PV Coating PVC-MS.
Nhìn chung, cổ phiếu dầu khí được đánh giá là nhóm có độ nhạy và khỏe so với thị trường chung. Tuy nhiên, thị trường vẫn luôn coi nhóm này có tính đầu cơ cao, lên xuống mạnh theo chu kỳ và phụ thuộc vào biến động giá dầu. Với diễn biến tăng của giá dầu, nhóm dầu khí có dấu hiệu tạo sóng, nhưng xuất hiện lẻ tẻ ở một số cổ phiếu.
Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư cổ phiếu dầu khí không đơn thuần là “soi” giá dầu trong ngắn hạn, mà cần đánh giá, cân nhắc các triển vọng giá dầu trong trung và dài hạn, cũng như những yếu tố có thể tác động đến kết quả kinh doanh. Những đợt sóng nhỏ vừa qua của cổ phiếu dầu khí đều dựa trên kỳ vọng của thị trường mỗi khi xuất hiện thông tin mới, liên quan đến sự phát triển của ngành này. Và những thông tin về đại dự án Lô B - Ô Môn là tín hiệu sáng nhất của nhóm cổ phiếu dầu khí.
PVD và PVS được đánh giá cao
Trong báo cáo phân tích tác động của dự án Lô B - Ô Môn đến các cổ phiếu ngành dầu khí, SSI Research chỉ ra PTSC, PV Coating và PV Drilling là những doanh nghiệp được hưởng lợi đầu tiên của đại dự án này. Đây là những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với quá trình xây dựng và khoan thượng nguồn để khai thác dòng khí đầu tiên vào năm 2026.
Nhờ đó, PTSC và PV Drilling được kỳ vọng sẽ tạo ra nguồn doanh thu đáng kể trong vòng đời của dự án dựa trên quy hoạch phát triển dầu khí, trong khi PV Coating sẽ ghi nhận backlog liên quan đến dự án đến năm 2025 (đường ống phải sẵn sàng hoạt động trước khi khai thác dòng khí đầu tiên).
Dựa trên giả định của SSI Research, Quyết định đầu tư cuối cùng (FID) sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2023, PTSC và PV Drilling có thể đạt CAGR lợi nhuận ròng giai đoạn 2023-2026 lần lượt là 15,9% và 26%, trong đó backlog từ dự án Lô B sẽ là mấu chốt cho tốc độ tăng trưởng này.
Theo đánh giá của SSI Research, PVS hiện là cổ phiếu ưa thích của nhóm phân tích do có nhiều tiềm năng phát triển, từ việc khởi động dự án Lô B-Ô Môn như dự kiến cho đến phát triển năng lượng tái tạo (điện khí LNG và điện gió ngoài khơi). Dựa trên lợi nhuận ước tính vào cuối năm 2024, SSI Research đưa ra khuyến nghị khả quan đối với PVS (giá mục tiêu là 33.000 đồng/cp) và PVD (giá mục tiêu là 26.800 đồng/cp).
Trong khi đó, Chứng khoán BSC kỳ vọng PV Drilling sẽ bắt đầu tham gia chiến dịch khoan cho dự án Lô B – Ô Môn kể từ năm 2025. Ban lãnh đạo công ty cho biết hiện PV Drilling đang tham gia gói thầu EPCI, và kỳ vọng dự án sẽ có FID vào khoảng quý 3/2023. Nếu kế hoạch đi đúng theo lộ trình, dự kiến PV Drilling sẽ bắt đầu nhận phần công việc khoan các giếng khai thác kể từ năm 2025, bao gồm 77 giếng cho đến Dòng khí đầu tiên và 911 giếng cho đến khi kết thúc dự án. BSC ước tính, tổng khối lượng mảng khoan và dịch vụ kỹ thuật giếng khoan trong dự án này có thể đem lại cho PVD trên 200 triệu USD trong giai đoạn 2025 – 2027.
Bên cạnh đó, BSC dự kiến giá cước thuê giàn khoan tự nâng duy trì ở mức cao (trên 100.000 USD/ ngày) sẽ cải thiện lợi nhuận của PV Drilling trong thời gian tới.
Mặt khác, BSC cũng kỳ vọng trong thời gian tới, các dự án chậm trễ trong giai đoạn trước sẽ được tái khởi động, nhằm bù đắp sản lượng cho các mỏ dầu khí đang dần cạn kiệt.
Dựa trên giả định giá dầu đạt 80 USD/thùng và giá cho thuê giàn khoan trung bình năm 2023 đạt 78.000 USD/ngày, BSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của PV Drilling đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 6.765 tỷ đồng và 368 tỷ đồng.
Thông tin mới nhất, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng, PTSC có khả năng giành được các hợp đồng cơ khí và xây lắp (M&C) điện gió ngoài khơi với tổng giá trị đạt khoảng 4,5 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2030, từ đó mang lại nhiều hơn nữa cơ hội phát triển lợi nhuận của doanh nghiệp.
Hải Giang