Trước đó, sau chuỗi 26 phiên giảm sàn liên tục từ ngày 23/11/2022 (mức 15.500 đồng/cp) đến ngày 28/12/2022 (mức 2.420 đồng/cp) và trong trạng thái mất thanh khoản - dư bán sàn lớn, cổ phiếu IBC bất ngờ nhận được lực cầu bắt đáy mạnh (phiên 29/12) hấp thụ toàn bộ hàng triệu cổ phiếu dư bán sàn và được đẩy trần dù có thời điểm giảm về mức đáy 2.260 đồng/cp.
Tính đến kết phiên 10/1/2023, cổ phiếu IBC tiếp tục được đẩy lên mức giá trần 4.110 đồng/cp, đánh dấu phiên tăng trần thứ 8 liên tiếp của mã này kể từ sau phiên "giải cứu" - tương ứng mức tăng gần 82% giá trị.
Chốt phiên 11/1, cổ phiếu IBC quay đầu giảm sàn về mức 3.830 đồng/cp, dư bán lên tới hơn 4 triệu đơn vị. (Ảnh: Int) |
Trong công văn giải trình về việc giá cổ phiếu IBC tăng trần 5 phiên liên tiếp từ 29/12/2022 đến 5/1/2023, Apax Holdings cho biết, đà tăng đến từ cung cầu của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu là do nhà đầu tư quyết định; phía công ty không có bất kỳ sự tác động nào đến giá giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Được biết, Apax Holdings đứng sau chuỗi trung tâm Anh ngữ Apax Leaders, hệ thống mầm non Igarten, trường liên cấp Firbank Australia... Apax Holdings là doanh nghiệp duy nhất trong Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy) niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Gần đây, một số doanh nghiệp của Shark Thủy vướng lùm xùm về chất lượng dạy học, chậm trả hoặc nợ lương nhân viên cũng như vấn đề nợ trái phiếu.
Trên một diễn biến khác, theo thông báo, từ ngày 16/12/2022 đến 6/1/2023, CTCP Tập đoàn Giáo dục Egroup đã bị 2 công ty chứng khoán là Mirae Asset Việt Nam và Chứng khoán Bảo Việt bán giải chấp hơn 13 triệu cổ phiếu IBC của Apax Holdings.
Sau giao dịch, lượng sở hữu của Egroup tại Apax Holdings giảm từ gần 49,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 59,76%) xuống còn gần 36,7 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 44,11%). Như vậy, sau bán giải chấp, Egroup không còn là công ty mẹ tại Apax Holdings.
Châu Anh