Trong vòng một tháng trở lại đây, cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn CEO (CEO Group) giao dịch ảm đạm không có sự đột biến cả về thanh khoản và thị giá.
Mới đây, CEO Group vừa công bố thông tin về kết quả thanh tra, xử phạt thuế của cơ quan chức năng với doanh nghiệp trong giai đoạn 2016 – 2017 ban hành vào giữa tháng 5/2019 với tổng số tiền bị xử phạt và truy thu thuế là 2,8 tỷ đồng.
Vận đen đến
Cụ thể, CEO Group phải nộp bổ sung thuế GTGT là 1,13 tỷ đồng, bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp là 665 triệu đồng, tăng thu thuế thu nhập cá nhân 377 triệu đồng. Ngoài ra, CEO Group phải nộp tiền chậm nộp và phạt hành chính là 686 triệu đồng.
Bên cạnh đó, dư luận nhiều ngày gần đây đang tập trung chú ý vào những dự án “đắp chiếu” trong nhiều năm vẫn chưa được triển khai của CEO Group tại Hà Nội.
Đáng chú ý nhất là sự “biến mất” của dự án Seven Star tại lô đất D27 Cầu Giấy (Hà Nội) trên BCTC của tập đoàn này những năm gần đây (từ năm 2017 đến quý I/2019), dấy lên nghi vấn CEO Group đã để mất khu đất vàng này.
Trước đây, CEO Group đã từng giới thiệu là chủ đầu tư của dự án này và cũng là đơn vị góp vốn khoảng 20% có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng sẽ được khởi công vào tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013.
Được biết, dự án này thuộc lô đất rộng 2,2ha được UBND Tp Hà Nội chỉ định cho liên danh CTCP Đầu tư Bảo Việt, CTCP Sông Đà – Thăng Long và CTCP đầu tư CEO thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.
Tại ĐHCĐ năm 2017, trả lời chất vấn của cổ đông về dự án Seven Star, Chủ tịch HĐQT Đoàn Văn Bình từng cho biết: “Dự án không còn thực hiện theo hình thức BT, bởi vậy liên doanh vẫn đang nghiên cứu, tìm hướng triển khai dự án và sẽ có tín hiệu mới trong năm 2017”.
Đến nay, đã hơn 2 năm trôi qua, CEO Group vẫn không hề nhắc đến dự án này. Ngay cả website của tập đoàn này, mục bất động sản đô thị giới thiệu 5 dự án, song không thấy giới thiệu về dự án Seven Star.
Liên hệ với bộ phận truyền thông của CEO Group hỏi về sự “mất tích” bất ngờ của dự án Seven Star, đại diện bộ phận này cho biết, dự án này thuộc liên doanh của tập đoàn nên việc triển khai dự án phụ thuộc vào các đối tác chiếm phần vốn lớn, CEO Group rất mong muốn dự án được triển khai.
Tuy nhiên, theo kế hoạch sử dụng đất năm 2019 của quận Cầu Giấy, trên lô đất D27 chỉ thấy giới thiệu hai dự án xây dựng trường tiểu học và trung học cơ sở với diện tích khoảng 0,8ha.
Cổ phiếu CEO sắp bị pha loãng |
Tiếp tục pha loãng
Việc chậm trễ triển khai dự án đang gây lãng phí nguồn tài nguyên của Nhà nước và vấn đề đặt ra là nếu không thực hiện dự án BT, lô đất D27 Cầu giấy có bị UBND Tp. Hà Nội thu hồi để đấu giá hay không bởi đây là lô “đất vàng” mà rất nhiều doanh nghiệp thèm muốn.
Ngoài Seven Star, một loạt các dự án như: Khu đô thị mới Chi Đông, Khu Đô thị BMC – CEO, Khu đô thị mới CEO Mê Linh của CEO Group tại Mê Linh cũng “cùng chung số phận” khi bị bỏ hoang gần một thập kỷ.
Một dự án khác của CEO Group là dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) được ra mắt từ cuối năm 2015 nhưng đến nay vẫn “ế” hàng trăm căn hộ chung cư dù đã được mở bán tới… 15 lần.
Đây là một diễn biến lạ bởi phân khúc nhà ở xã hội luôn ở trong tình cảnh “cháy hàng” người mua nhà phải chật vật bốc thăm, xếp hàng mới có thể đăng ký được một suất mua.
Thậm chí, “con gà đẻ trứng vàng” của CEO Group là Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort tại Phú Quốc hiện cũng đang gặp vận đen khi nằm trong diện thanh tra của Bộ Xây dựng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu CEO đang rơi vào diễn biến giảm trong vòng một tháng trở lại đây từ mức giá 12.200 đồng/cp xuống 11.700 đồng/cp, tương đương mức giảm khoảng 4,3%.
Điều đáng nói ở đây là CEO duy trì vùng giá 11.000 – 12.000 đồng/cp trong khoảng thời gian khá dài, không có một sự đột biến nào về giá cũng như thanh khoản của CEO trong suốt nửa đầu năm 2019.
Có lẽ, sự chán nản của các nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu CEO sẽ còn được tăng thêm khi sắp phải đối mặt với sự pha loãng giá cổ phiếu.
Mới đây, CEO Group vừa thông báo ngày 5/7 tới, công ty sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 102,93 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu để huy động hơn 1.000 tỷ đồng nhằm tăng vốn điều lệ lên 2.600 tỷ đồng.
Nguồn vốn thu được dự kiến được góp vào các công ty con (484 tỷ đồng), đầu tư vào dự án River Silk City Phân kỳ IV + V + VI (450 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động (95 tỷ đồng).
Liên tục tăng vốn để bổ sung nguồn vốn cho các dự án mới trong bối cảnh hàng tồn kho của CEO Group đang ghi nhận con số khá lớn lên tới 2.390 tỷ đồng, chiếm 27% tổng tài sản cùng nhiều dự án bị bỏ hoang.
Điều này khiến nhiều nhà đầu tư tỏ ra nghi vấn về những toan tính trong chiến lược kinh doanh của tập đoàn từ đây có thể gây ảnh hưởng đến giá và quyết định đầu tư cổ phiếu CEO trên sàn chứng khoán.
Linh Đan