Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh (HoSE) vừa phát đi danh sách 87 mã chứng khoán không đủ điều kiện margin, tăng mạnh so với con số 59 mã trong quý III. Trong đó, cổ phiếu của một loạt doanh nghiệp có "tên tuổi" không được giao dịch ký quỹ như HVN (Vietnam Airlines), BVH (Tập đoàn Bảo Việt), BCM (Becamex IDC), DXG (Tập đoàn Đất Xanh), TDH (Nhà Thủ Đức), EVE (Everpia)...
Trong khi đó, tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), số doanh nghiệp bị cắt margin cũng đã tăng từ 89 lên 104.
"Vũ khí" cạnh tranh
Hiện nay, thị trường chứng khoán đang được đánh giá là một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại liên tục giảm, kênh đầu tư bất động sản chưa có tín hiệu khởi sắc và yêu cầu vốn lớn. Kênh chứng khoán là lựa chọn khá hấp dẫn bởi tính thanh khoản cao, dễ tham gia.
Cho vay margin trên thị trường chứng khoán vẫn đang ở mức bình thường. |
Điều này càng khiến cho áp lực cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán (CTCK) ngày càng trở nên khốc liệt. Bên cạnh những cuộc đua giảm giá phí, để thu hút được các nhà đầu tư cá nhân - đối tượng chủ yếu trên thị trường chứng khoán trong nước, nhiều CTCK đã thiết kế nhiều sản phẩm ưu đãi về lãi suất margin.
Tính đến thời điểm đầu tháng 9, tổng dư nợ margin trên thị trường đang ghi nhận khoảng 50.000 tỷ đồng , chỉ riêng 20 CTCK có dư nợ margin lớn nhất đã chiếm hơn 45.000 tỷ đồng. Trong đó, lợi thế đang nghiêng về phía các CTCK có vốn Hàn Quốc.
Hai yếu tố để lý giải cho việc margin tăng mạnh trong nhiều tháng qua là do thị trường vừa trải qua giai đoạn tăng giá và sự tham gia tích cực của lớp nhà đầu tư mới.
Sau khi lao dốc trong quý I do tác động của dịch Covid-19, thị trường chứng khoán Việt Nam có nhịp hồi phục mạnh mẽ kể từ quý II, điển hình là trong tháng 4 và 5. Đây có thể là một yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư trên thị trường gia tăng sử dụng đòn bẩy trong đầu tư.
Nguyên nhân khác của việc tăng margin là việc tham gia thị trường của "nhà đầu tư F0" khi có hàng trăm nghìn tài khoản được mở mới kể từ quý II tới nay, tập trung là nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Tuy nhiên, sau mùa báo cáo tài chính bán niên soát xét, danh sách cổ phiếu bị đưa vào diện không được cấp margin ngày càng nối dài. Câu hỏi đặt ra là việc cắt margin hàng loạt như vậy liệu có ảnh hưởng tới hoạt động cho vay ký quỹ của khối CTCK?
Hài hòa tỷ lệ cho vay
Trong quá khứ, giai đoạn quý II - IV/2017 cũng là thời điểm ghi nhận số lượng cổ phiếu không đủ điều kiện cho vay margin tăng mạnh, từ 52 (đầu kỳ) lên 93 mã. Tuy nhiên, dư nợ cho vay của khối CTCK thời điểm đó không những không giảm mà còn tăng mạnh, từ gần 29.700 tỷ đồng lên hơn 42.200 tỷ đồng. Đồng thời, lãi cho vay margin cũng tăng từ 971 tỷ đồng lên 1.219 tỷ đồng.
Một giai đoạn khác có số mã không đủ điều kiện cho vay margin tăng mạnh là từ quý II - III/2018, nhưng dư nợ margin cũng như lãi vay giảm mạnh. Tuy nhiên, đây là giai đoạn thị trường giảm mạnh từ đỉnh 1.200 điểm của Vn-Index, diễn biến thị trường xấu đi khiến thanh khoản nửa cuối năm 2018 sụt giảm so với đầu năm.
Quay trở lại với những con số của thời điểm hiện tại có thể thấy, trong danh sách xuất hiện rất nhiều cổ phiếu vốn được xem là an toàn như HNV, PLX, DXG... Trước khi lọt “danh sách đen” của HoSE, nhiều CTCK đã cung cấp margin với tỷ lệ cao đối với các mã này, có mã lên tới 50%.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia tư vấn đầu tư CTCK VNDirect Đặng Trần Phục, chỉ trừ khi những cổ phiếu bị cắt margin chiếm đa số tỷ lệ dư nợ của các CTCK thì kết quả kinh doanh mới có thể bị ảnh hưởng, mà chiến lược này gần như không có CTCK nào áp dụng.
Ông Phục phân tích, đối với những lo ngại về việc xuất hiện các “ông lớn” thì đây đều là những doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc, tỷ lệ cổ phiếu giao dịch tự do không nhiều, nên việc có thể tác động đến tình hình kinh doanh là không khả thi.
Hơn nữa, do tỷ lệ cho vay luôn hài hòa giữa các cổ phiếu nên ngay sau khi bị cắt margin, các CTCK sẽ chủ động thêm những mã mới để thay thế số mã bị loại. Chẳng hạn như KIS Việt Nam đã thêm DHA (CTCP Hóa An) và GIL (CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh) vào danh mục cho vay margin sau khi loại bỏ HVN và PLX.
Ngoài ra, theo đánh giá của ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam, tình hình cho vay margin trên thị trường đang ở mức bình thường, bởi sự thận trọng với rủi ro của chính các doanh nghiệp. Trong quý IV, việc cho vay margin thậm chí có thể bị siết lại vì đây là thời điểm “mùa vụ” để các CTCK chốt doanh số.
Minh Khuê