Theo quan sát, thời gian gần đây, nhóm cổ phiếu bất động sản đang giao dịch khá tích cực. Sau khoảng thời gian lình xình dưới đáy hàng chục tháng, các cổ phiếu như DXG, CEO, DIG, HQC, QCG, KBC… đều tăng điểm từ đầu tháng 8.
Đua nhau ‘xanh tím’ cùng thanh khoản lớn
Chẳng hạn, trong phiên 20/8, VN-Index bứt phá mạnh với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu bất động sản. Hai "ông lớn" VHM và VIC bật tăng xấp xỉ 2%, đóng góp đáng kể cho đà tăng của chỉ số chung.
DXG và PDR đồng loạt tăng kịch trần, "trắng bên bán" trong khi dư mua giá trần lên đến 1,7 triệu và 4,1 triệu đơn vị. Trong nhóm vốn hóa nhỏ hơn, SGR và HPX cũng "nhuộm sắc tím" với thanh khoản cải thiện đáng kể.
Hàng loạt cổ phiếu bất động sản khác như CEO, DIG, NVL, DXS. NDN, KBC, NLG… cũng đều khởi sắc với mức tăng từ 2%-8%.
Cùng với đó, dòng tiền vào nhóm cổ phiếu này cũng rất sôi động, trong đó DIG, NVL, DXG, PDR, VHM lọt top cổ phiếu có thanh khoản cao nhất trên toàn thị trường.
Cổ phiếu bất động sản đua nhau "xanh tím" cùng thanh khoản lớn trong thời gian gần đây. |
Hay như trong phiên 16/8, nhóm cổ phiếu bất động sản cũng gây chú ý khi đua nhau tăng “bốc đầu”. Hàng loạt cổ phiếu như L14, DXS, NVL, HDC, KBC, NTL, NVL, HDC… đều khởi sắc với mức tăng cao từ 4% đến gần 8%.
Đáng chú ý, các mã PDR, DIG, DXG hay NHA còn bật tăng hết biên độ, thậm chí "trắng bên bán". Cổ phiếu CEO cũng tiến sát mức giá trần với mức tăng mạnh 8%.
Nhìn chung, trong nửa đầu năm, dòng tiền trên thị trường không dành nhiều sự quan tâm đến nhóm cổ phiếu ngành bất động sản, dẫn tới nhóm cổ phiếu này hầu hết trong xu hướng điều chỉnh giảm.
Tuy nhiên, những chuyển động về chính sách và thực tế thị trường đang hỗ trợ đà hồi phục của nhóm cổ phiếu bất động sản.
Trong báo cáo cập nhật mới nhất của Chứng khoán An Bình (ABS), tính đến ngày 2/8, nhóm bất động sản đã ghi nhận tổng cộng hơn 13.300 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý II, tăng 4,2% so với quý I, trong đó Vinhomes vẫn là chủ lực chính với 10.600 tỷ đồng.
“Bức tranh” báo cáo tài chính của nhiều doanh nghiệp bất động sản đã cho thấy sự hồi sinh. Điển hình Novaland ghi nhận doanh thu chuyển nhượng bất động sản gần 1.891 tỷ đồng trong 6 tháng, tăng 37% so với năm ngoái; DIC Corp ghi nhận doanh thu thuần quý II đạt hơn 821 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào mảng xây lắp và bất động sản; Đầu tư Nam Long dù có doanh thu và lợi nhuận quý II giảm so với cùng kỳ (đạt 457 tỷ và 68 tỷ đồng), nhưng dự kiến bàn giao khoảng 2.660 sản phẩm trong nửa cuối năm để ghi nhận lợi nhuận.
Không nên quá lạc quan?
Theo TS Nguyễn Duy Phương, Giám đốc đầu tư DG Capital, nhìn ở bình diện chung, ngành bất động sản đang có bệ phóng mạnh mẽ để trở lại sau thời gian dài khó khăn. Hầu hết các báo cáo phân tích ngành từ các công ty chứng khoán và đơn vị nghiên cứu thị trường phát hành gần đây đều cho rằng, kết quả kinh doanh của các công ty địa ốc sẽ cải thiện mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2024 và sẽ "tạo sóng" ở năm 2025 nhờ doanh số bán nhà đã phục hồi từ giai đoạn cuối năm trước.
Trong báo cáo mới đây của Chứng khoán KB (KBSV), nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất duy trì ở mức thấp sẽ tác động tích cực, kích thích nhu cầu mua nhà của người dân.