Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn tới, việc bám sát sự vận động của dòng tiền và tập trung vào các mã cổ phiếu được dòng tiền chú ý là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư ngắn hạn. Trong đó, nhóm ngành bán lẻ bao gồm MWG (CTCP Đầu tư Thế giới Di động), PNJ (CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận), FRT (FPT Retail)… nên được ưu tiên trong danh mục đầu tư.
“Ông lớn” đua nhau báo lãi khủng
Thực tế, nhóm cổ phiếu bán lẻ đang cho thấy “sức hút” khá lớn trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, trong phiên 19/8, với lực cầu gia tăng mạnh ngay từ đầu phiên, cổ phiếu PNJ đã tăng kịch biên độ, gia nhập trở lại câu lạc bộ 3 chữ số ở mức giá 104.900 đồng/cp. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu PNJ đang cao hơn khoảng 23%. Hiện, giá trị vốn hoá thị trường của doanh nghiệp đạt 35.095 tỷ đồng, tương đương 1,41 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng gần đây của ngành bán lẻ đang có xu hướng chững lại và không như kỳ vọng. |
Trước đó, trong phiên 16/8, cổ phiếu MWG đã gây ấn tượng với cú ‘break’ ấn tượng lên 69.000 đồng/cp – mức giá cao nhất trong vòng gần 2 năm kể từ tháng 9/2022. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% từ đầu năm và chỉ còn kém khoảng 12% so với mức đỉnh cao từng đạt được hồi giữa tháng 4/2022.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FRT liên tục vượt đỉnh. Đây cũng là cổ phiếu được quỹ ngoại Dragon Capital liên tục gia tăng sở hữu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của quỹ này tại FPT Retail lên hơn 12% vốn điều lệ.
Sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu bán lẻ diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý II/2024 của các doanh nghiệp bán lẻ - tiêu dùng đa phần đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.
Điển hình, CTCP Đầu tư Thế giới Di động công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với lãi ròng 1.172 tỷ đồng, tăng gấp 67,3 lần so với cùng kỳ. Qua đó, đưa lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm lên mức 2.074 tỷ đồng, gấp 53,6 lần cùng kỳ năm trước.
Một “ông lớn” khác trong ngành bán lẻ cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II vừa qua là FPT Retail với lợi nhuận sau thuế cải thiện lên mức 48,4 tỷ đồng, cách xa so với khoản lỗ 214,7 tỷ đồng của quý II/2023, đánh dấu mức lãi cao nhất trong 6 quý gần đây.
Bán niên, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.281 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế đạt 109,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 212,6 tỷ đồng.
Tương tự, Digiworld (DGW) báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2024 khởi sắc với lợi nhuận sau thuế tăng 7,5% lên mức 89,3 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Digiworld có 9.993 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 182 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12% so với nửa đầu năm trước.
Hay như CTCP Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 120% lên mức 946 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng vọt lên mức 503 tỷ đồng, tăng 378,6% và cao hơn con số 419 tỷ đồng của cả năm 2023.
Sau 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Masan đạt 1.425 tỷ đồng, tăng 64% và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 607 tỷ đồng, tăng 90%.
Với lĩnh vực trang sức, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đạt hơn 9.519 tỷ đồng doanh thu thuần và 429 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý II, lần lượt tăng 43% và 27% so với quý cùng kỳ.
Sau 2 quý đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 22.113 tỷ đồng, tăng hơn 34,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 7,4%, lên mức 1.167 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều thách thức
Nhiều ý kiến cho rằng, triển vọng của ngành bán lẻ trong nửa cuối năm 2024 khá lạc quan khi mà thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng nhờ quy mô dân số lớn, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Do đó, cổ phiếu nhóm này sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, mặc dù đánh giá cao ngành bán lẻ thời gian tới nhưng Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) vẫn đưa ra lưu ý tốc độ phục hồi sẽ chậm.
Thực tế, tốc độ tăng trưởng gần đây của ngành bán lẻ đang có xu hướng chững lại và không như kỳ vọng.
Theo đại diện Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021-2023 bình quân chỉ tăng khoảng 7,2%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngành Công Thương đã đặt ra tại Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030 là khoảng 13-13,5%/năm (tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tháng 7/2024 tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ đóng góp tích cực của ngành du lịch).
Tình hình này đã gây ra nhiều lo ngại không chỉ cho các doanh nghiệp trong nước mà còn đối với các nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Có nhiều yếu tố cả trong và ngoài nước đã góp phần vào sự chậm lại của thị trường bán lẻ Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính là sự suy giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, thu nhập của người dân giảm dẫn đến tiêu dùng cũng bị thắt chặt. Người tiêu dùng có xu hướng tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, đồng thời giảm mua các sản phẩm không cần thiết, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến doanh số bán lẻ.
Lạm phát cũng là một yếu tố khá quan trọng gây áp lực lên thị trường bán lẻ. Khi giá cả hàng hóa tăng cao, sức mua của người tiêu dùng bị giảm, từ đó doanh thu bán lẻ cũng giảm theo. Lạm phát cao không chỉ ảnh hưởng đến sức mua mà còn làm tăng chi phí vận hành cho các doanh nghiệp, buộc họ phải tăng giá bán, gây thêm khó khăn trong việc thu hút khách hàng.
Mặt khác, thị trường bán lẻ Việt Nam đang trở nên ngày càng cạnh tranh với sự xuất hiện của nhiều nhà bán lẻ nước ngoài và các thương hiệu lớn. Điều này tạo ra áp lực lớn cho các doanh nghiệp trong nước, buộc họ phải liên tục cải tiến, điều chỉnh giá cả và tìm kiếm các chiến lược mới để duy trì thị phần. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc cạnh tranh và duy trì hoạt động.
“Mỗi công ty lại có những câu chuyện kỳ vọng riêng, do đó nhà đầu tư cần phải theo dõi sát sao để đưa ra quyết định đầu tư”, Chứng khoán KBSV nhấn mạnh.
Hải Giang