Điểm lại tình hình kinh doanh của Artex trong những năm gần đây, chỉ có năm 2017 là thời điểm mà doanh nghiệp đang chuẩn bị cho những kế hoạch niêm yết, chuyển sàn; còn lại là đều mang một sắc màu ảm đạm.
Cụ thể, theo BCTC đã kiểm toán năm 2014, công ty đạt mức doanh thu khiêm tốn chỉ 44,5 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 24,2 tỷ đồng và ghi nhận mức lỗ lũy kế 30,2 tỷ đồng.
Kinh doanh lẹt đẹt
Năm 2015, doanh thu sụt giảm mạnh, chỉ đạt 15,7 tỷ đồng song nhờ khoản thu nhập khác đóng góp hơn 30 tỷ đồng nên cả năm Artex vẫn báo lãi 24,75 tỷ đồng và năm 2016 lợi nhuận chỉ còn 5,33 tỷ đồng…
Đến năm 2017, Artex bất ngờ báo lãi trước thuế tăng đột biến, lên tới hơn 106 tỷ đồng, gấp 20 lần năm trước; đồng thời thông báo đã xóa hết lỗ lũy kế.
Theo giới thiệu, những kết quả tăng trưởng tích cực năm 2017 đã đưa Chứng khoán Artex lần đầu tiên lọt vào Top 10 thị phần môi giới tại Sở GDCK Tp.HCM (HoSE), với vị trí thứ 9, chiếm 3,41% thị phần.
Bước sang năm 2018, với khí thế của “kẻ” thừa thắng xông lên nhưng Artex lại mang đến sự thất vọng cho các cổ đông khi thông báo kết quả kinh doanh “thụt lùi”
Theo Báo cáo tài chính quý IV/2018 (chưa kiểm toán), doanh thu năm 2018 của Artex chỉ đạt 113 tỷ đồng, giảm 27,6% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 70,8 tỷ đồng và lãi sau thuế 55 tỷ đồng, giảm 37,3%, không hoàn thành kế hoạch đề ra.
Doanh thu của Artex chủ yếu đến từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán với 39,2 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ; lãi cho vay và phải thu đạt 36 tỷ đồng, lãi từ hoạt động FVTPL (các tài sản chính thông qua lãi/lỗ) đạt gần 33,9 tỷ đồng…
Kinh doanh có phần lẹt đẹt nhưng dòng tiền tại các hoạt động mua bán chứng khoán lại đang thể hiện những con số lên tới cả tỷ USD bao gồm: 8.705 tỷ đồng chi mua chứng khoán môi giới cho khách hàng (năm 2017 là 18.863 tỷ đồng), hơn 7.131 tỷ đồng tiền thu bán chứng khoán môi giới, chi 2.070 tỷ đồng mua các tài sản tài chính…
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng tài sản của Artex đạt 1.081 tỷ đồng, tăng 153,5% so với năm trước, trong đó chủ yếu là tài sản ngắn hạn (1.022 tỷ đồng). Cần phải nói thêm là tài sản ngắn hạn của doanh nghiệp là những tài sản thuộc quyền sở hữu và quản lý của doanh nghiệp, có thời gian sử dụng, luân chuyển, thu hồi vốn trong một kỳ kinh doanh hoặc trong một năm.
Cổ phiếu “hụt hơi”
Năm 2017 – năm kinh doanh khởi sắc nhất của Artex cũng chính là năm cổ phiếu ART chào sàn UPCoM với giá khởi điểm là 5.000 đồng/cp. Ngay sau khi chào sàn, cổ phiếu đã liên tiếp tăng tràn hàng chục phiên đạt mức đỉnh kỷ lục 36.500 đồng/cp (giá chưa điều chỉnh).
Khi cổ đông của Artex vẫn đang hân hoan trên đỉnh cao thì ngay sau đó là chuỗi ngày “đổ đèo” dài hạn về mức 7.500 đồng/cp, tương đương mức giảm 79,5% từ đỉnh.
Chỉ gần một năm niêm yết trên UPCoM, ngày 28/9/2018, hơn 37,2 triệu cổ phiếu ART đã được chính thức niêm yết tại sàn HNX với giá tham chiếu 8.100 đồng/cp, ước tính tương đương mức vốn hóa hơn 372,6 tỷ đồng mang lại niềm hy vọng mới cho cổ đông.
Đồng thời, công ty nhanh chóng thực hiện phát hành cổ phiếu (chia cổ tức, chào bán), tăng vốn “khủng” từ 130 tỷ đồng lên 969 tỷ đồng vào giữa năm 2018.
Tại thời điểm đó, với thông tin kết quả kinh doanh khả quan cùng kế hoạch chia cổ tức 20%, ART đã “bứt tốc” tăng lên tới 18.000 đồng/cp với thanh khoản tăng đột biến hàng triệu đơn vị mỗi phiên.
Sau đà tăng ấn tượng đó, Artex lại tiếp tục khiến cổ đông “đau tim” khi giao dịch với diễn biến giảm nhiều hơn tăng và hiện chỉ còn 2.400 đồng/cp – mức thấp nhất trong lịch sử cổ phiếu này ở cả UPCoM và HNX; vốn hóa thị trường còn 232,61 tỷ đồng.
Diễn biến này của cổ phiếu đã khiến các cổ đông nhỏ lẻ “xa lánh” cổ phiếu này. Thế nhưng, thanh khoản của ART luôn được duy trì ở mức trung bình hàng triệu đơn vị mỗi phiên, khiến nhiều người đặt câu hỏi “những ai đang giao dịch”.
Đáng chú ý, ngay cả cổ đông nội bộ và cổ đông lớn cũng “xa lánh” cổ phiếu ART với hàng loạt đăng ký bán hết sở hữu được công bố.
Gần đây nhất là đợt bán 2,63 triệu quyền mua cổ phiếu ART của ông Trịnh Văn Quyết và không còn là cổ đông lớn của Artex sau nhiều lần tăng vốn. Hiện nay, chứng khoán Artex không có cổ đông lớn sở hữu trên 5% vốn điều lệ.
Tuy vậy, dấu ấn và vai trò chi phối quyền lực của Tập đoàn FLC tại Chứng khoán Artex không hề suy giảm, thậm chí ngày càng vững chắc hơn khi nhiều nhân vật chủ chốt của FLC tham gia điều hành Artex như bà Hương Trần Kiều Dung (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn FLC) đang giữ chức Chủ tịch HĐQT Artex; bà Trịnh Thị Thúy Nga – em gái ông Trịnh Văn Quyết là Phó Tổng Giám đốc, Thành viên HĐQT Artex; ông Lê Bá Nguyên – thành viên HĐQT Tập đoàn FLC…
Năm 2018 đã khép lại với nhiều dự định còn dang dở của Chứng khoán Artex. Năm 2019 đã mở ra với nhiều cơ hội và thách thức mới trên thị trường chứng khoán nhưng với vị thế như hiện tại, ART liệu có còn cơ hội cho tương lai hay đây chỉ là một kênh luân chuyển vốn của những người có liên quan?
Linh Đan