Không phải đến thời điểm hiện nay mà ngay cả thời kỳ trước đó, cổ phiếu các doanh nghiệp ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng vẫn luôn được các nhà đầu tư cân nhắc, do các doanh nghiệp này thường ít bị chôn vốn như các doanh nghiệp sản xuất do được trả chậm cho các nhà cung cấp.
Do đó, các doanh nghiệp nhóm ngành này thường có triển vọng tăng trưởng ổn định, phù hợp với quan điểm đầu tư dài hạn.
Triển vọng tươi sáng
Kết thúc năm 2018, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 3.306,1 ngàn tỷ đồng (tương đương 142,8 tỷ USD), tăng 12,4% so với năm trước, đây là mức tăng trưởng khá cao. Với kết quả này, thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định.
Trong nhiều năm qua, thị trường bán lẻ Việt Nam luôn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài với cơ cấu dân số trẻ, thu nhập khả dụng và tỷ lệ đô thị hóa ngành càng tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành bán lẻ thường cao hơn 1,5 đến 2 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Theo nhận định của CTCK VCBS, thu nhập của người dân hiện nay đang có xu hướng tăng lên, dự kiến đến trước năm 2021, khoảng 40% dân số sẽ trở thành tầng lớp trung lưu và đây chính là động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ.
Dẫn số liệu từ Euromonitor, tổng chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 11,4% trong giai đoạn 2017 – 2021. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, từ mức 20% năm 1998 ước sẽ lên đến 37,4% trong năm 2021.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ bán buôn và bán lẻ của Việt Nam chiếm tới 14% GDP của cả nước. Bán lẻ cũng thuộc một trong 6 ngành nghề thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất.
Trên thực tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đã xuất hiện khá nhiều các thương hiệu quốc tế như Family Mart, Circle K, Shop&Go và Bs Mart, GS25… Trong khi đó, các doanh nghiệp nội như Vingroup hay CTCP Đầu tư Thế giới di động (mã: MWG) cũng không muốn bỏ lỡ miếng bánh này với các chuỗi Vinmart+ và Bách hóa xanh.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bán lẻ lớn với năng lực quản lý chuỗi và khả năng tài chính vượt trội đang dần mở rộng sang các lĩnh vực mới như CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (mã: FRT) đã lấn sân sang mảng dược phẩm với việc thâu tóm nhà thuốc Long Châu; CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã: PNJ) với mảng bán lẻ trang sức thời trang.
Ngoài ra, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất trong các nền kinh tế mới nổi của châu Á – Thái Bình Dương với tăng trưởng sẽ duy trì mức hai con số từ nay đến năm 2022, theo nghiên cứu của PwC.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang có xu hướng tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhằm "giải cứu" người dân khỏi tác động của tín dụng "đen" cũng là một yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua gần ba tháng đầu năm với những diễn biến tích cực khi hầu hết cổ phiếu tại các nhóm ngành đều tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số Vn-Index đã vượt qua mốc kháng cự 1.000 điểm.
Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định rằng chỉ số Vn-Index sẽ có kịch bản từ 800,3 điểm đến 1.256,6 điểm, trọng tâm tại 1.050 điểm vào cuối năm 2019. Thời điểm tích cực nằm trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 6.
Cổ phiếu ngành tiêu dùng được đánh giá là nhóm cổ phiếu đáng đầu tư |
Đáng được đầu tư
Khi được hỏi về đặc điểm của một cổ phiếu đáng đầu tư cho năm 2019, một vị chuyên gia cho biết cổ phiếu đó nhiều khả năng sẽ thuộc ngành hàng tiêu dùng và có thị trường tiêu thụ nội địa lớn.
Các doanh nghiệp phải duy trì mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định lớn hơn 10% hàng năm, cùng với đó, hoạt động của nó nên ít phụ thuộc vào dòng vốn vay (đặc biệt là vay ngoại tệ), với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức an toàn thấp.
Trong thời gian qua, bên cạnh đà tăng trưởng chung của thị trường, với kỳ vọng về ngành nhóm cổ phiếu tiêu dùng cũng đã có giao dịch tích cực hơn và đang được định giá hấp dẫn.
Sau khi tăng mạnh lên mức giá 89.400 đồng/ cp (phiên 13/3) từ mức 83.000 đồng/cp hồi đầu năm, cổ phiếu MWG đang có sự điều chỉnh về 87.200 đồng/cp trong tuần giao dịch vừa qua.
Tương tự, sau 4 phiên điều chỉnh nhẹ từ mức giá 104.200 đồng/ cp (phiên 14/3) xuống 100.500 đồng/cp (phiên 21/3), tương đương mức giảm đạt gần 3,6%, cổ phiếu PNJ đã ngay lập tức tăng 1,7% lên 102.200 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/3. PNJ hiện đang dẫn đầu thị phần về mảng bán lẻ trang sức trên cả nước.
Mới đây, hơn 23,74 triệu cổ phiếu MSN với tổng trị giá hơn 2.049 tỷ đồng đã được giao dịch thỏa thuận trong 4 phiên giao dịch (từ 15-21/3). Đáng chú ý, những giao dịch khủng này diễn ra trong bối cảnh thị giá MSN giảm mạnh kể từ khi "đại chiến" nước mắm được khuấy động trở lại.
Theo đó, cổ phiếu MSN đã giảm từ mức đỉnh 89.400 đồng/cp xuống còn 84.500 đồng/ cp, tương đương giảm 5,8%. Khối lượng khớp lệnh chỉ từ 440.000 đến 1,3 triệu cổ phiếu mỗi phiên gần đây.
Trước đó, hồi tháng 10/2018, Masan đã tái phát hành hơn 109,8 triệu cổ phiếu quỹ cho SK Group với giá 100.000 đồng/cp, tương ứng giá trị thu về gần 11.000 tỷ đồng. Qua đây, chúng ta có thể thấy được nhóm cổ phiếu ngành tiêu dùng đã trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đặc biệt, tại diễn đàn "Cơ hội đầu tư 2019", ông Lu Hui Hung – Giám đốc Khối Phân tích và Tự doanh CTCK Phú Hưng (PHS), cho rằng đây là giai đoạn tốt để nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu chờ đợi cho một cơ hội lớn hơn ở phía trước khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi MSCI.
Linh Đan