Mới nhất, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 ghi nhận 4.108 tỷ đồng doanh thu thuần. Sau khi trừ đi tất cả các loại chi phí, ACV báo lãi 1.286 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với quý IV/2021.
Tín hiệu tích cực
Cả năm 2022, ACV ghi nhận doanh thu 13.834 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế đạt 7.127 tỷ đồng tăng gấp 9 lần so với cùng kỳ. Con số này gấp 2,8 lần cả hai năm dịch cộng lại.
Nhờ ngành hàng không phục hồi trong năm 2022, nhóm cổ phiếu ngành hàng không đã có một năm khả quan so với VN-Index khi kết thúc năm giảm 11% so với cùng kỳ. (Ảnh: Int) |
Tương tự, CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs, mã: AST) báo doanh thu đạt 216 tỷ đồng, tăng gấp 8 lần so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp đạt 118 tỷ đồng, tăng 8,4 lần. Biên lãi gộp đạt 54,6%. Theo đó, lãi trước thuế đạt 29 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 18 tỷ đồng. Luỹ kế năm 2022, doanh thu thuần của Taseco Airs đạt 603,5 tỷ đồng, lãi gộp đạt 319 tỷ đồng, lần lượt tăng gấp 4 lần và 7,4 lần so với năm trước đó. Biên lãi gộp đạt 52,9%.
Mặc dù mức lãi này vẫn còn cách rất xa so với thời điểm đỉnh cao trước dịch Covid-19 (năm 2019, lãi sau thuế đạt 212 tỷ đồng), song điều quan trọng hơn cả là công ty đã chấm dứt được chuỗi thua lỗ 2 năm liên tiếp (năm 2020 lỗ 49 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 118 tỷ đồng). Nhờ đó, tránh được án hủy niêm yết bắt buộc, dù kết quả cuối cùng còn phải trông đợi vào báo cáo kiểm toán được công bố trong thời gian tới.
Cũng trong quý IV/2022, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO, mã: SAS) công bố doanh thu thuần đạt 559 tỷ đồng, cao gấp 9 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 105 tỷ đồng, gấp 38 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 89 tỷ đồng, gấp 32 lần cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2022, SASCO ghi nhận doanh thu 1.400 tỷ đồng, tăng 336% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cả năm tăng mạnh lên mức 210 tỷ đồng, trong khi năm ngoái chỉ lãi 3 tỷ đồng. Theo SASCO, lợi nhuận trong kỳ tăng cao do hoạt động kinh doanh tại nhà ga Tân Sơn Nhất đã dần phục hồi, so với cùng kỳ năm trước sản lượng hành khách đi và đến tại nhà ga quốc nội và quốc tế đều tăng mạnh.
Chiều ngược lại, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) ghi nhận lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng trong năm 2022. Dù vậy, riêng trong quý IV/2022, doanh thu thuần của Vietjet đạt 11.807 tỷ đồng, tăng 323% so với cùng kỳ và quay lại gần hơn với mức trước đại dịch.
Cũng như VietJet, Tổng CTCP Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) có doanh thu tăng mạnh nhờ hoạt động vận chuyển khách nội địa và quốc tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, hãng hàng không quốc gia Việt Nam gặp khó khăn do giá nhiên liệu cao, lãi suất tăng mạnh và tỷ giá ở mức cao. Vì vậy, trong năm 2022, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 10.369 tỷ đồng, đánh dấu năm thua lỗ thứ ba liên tiếp và có nguy cơ bị hủy niêm yết.
Tiến dần đến hồi phục hoàn toàn
Có thể thấy, trong năm 2022, các yếu tố tiêu cực như giá dầu cao, khách quốc tế đến ít, chi phí tài chính cao vẫn tạo ra gánh nặng cho ngành hàng không (Vietnam Airlines, Vietjet). Trong khi các doanh nghiệp dịch vụ sân bay (ACV, Taseco Airs, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn) bắt đầu ghi nhận sự phục hồi mạnh về doanh thu và lợi nhuận khi các doanh nghiệp này không chịu áp lực cạnh tranh cao như các doanh nghiệp hàng không.
Dù vậy, toàn ngành hàng không vẫn ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ về nhu cầu và hiệu suất trên toàn diện khi Việt Nam đã mở cửa trở lại cả hai tuyến nội địa và quốc tế từ ngày 15/3/2022, giúp nhu cầu bay trong nước hồi phục mạnh mẽ. Năm 2022, mặc dù mở cửa hoàn toàn chỉ trong 9 tháng, ngành hàng không Việt Nam đã đón tiếp 99 triệu lượt khách.
Đặc biệt, lượng khách trong nước và quốc tế đặc biệt sôi động trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán Quý Mão vừa qua cho thấy sự phục hồi và tăng trưởng ấn tượng của hàng không Việt Nam sau COVID-19. Tính riêng lượng hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đạt hơn 3,1 triệu lượt, tăng cao so với cùng kỳ năm 2019 - năm trước khi có đại dịch COVID-19.
Theo thống kê của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần (19/1) đến mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão (29/1), sân bay này đã khai thác 5.618 chuyến bay, tăng 49% so với cùng kỳ. Trong đó có 1.789 chuyến bay quốc tế, 3.829 chuyến bay quốc nội. Lượng khách đến và đi đạt gần 900.000 lượt, tăng 71% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Trong đó, có 246.000 lượt khách quốc tế, 654.000 lượt khách quốc nội, tăng 26,5% so với cùng kỳ.
Mặt khác, so sánh cùng kỳ giai đoạn trước dịch là Tết Nguyên đán 2020, lượng khách của Vietnam Airlines vượt gần 20%. Tỉ lệ lấp đầy chuyến bay cao, đặc biệt là các ngày sau Tết, tỉ lệ đạt xấp xỉ 100% trên hầu hết đường bay, cao hơn 10% so sánh cùng kỳ.
Trên thị trường chứng khoán, nhờ ngành hàng không phục hồi trong năm 2022, nhóm cổ phiếu ngành hàng không đã có một năm khả quan so với VN-Index khi kết thúc năm giảm 11% so với cùng kỳ (so với VN-Index giảm 32% so với cùng kỳ). Trong đó, ACV chỉ giảm 2,3%; AST tăng 2% so với cùng kỳ. Còn các hãng hàng không đạt kết quả kém khả quan nhất với HVN (-41%) và VJC (- 13%).
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2023, ngành hàng không thế giới sẽ có lãi trở lại khi lượng khách sử dụng dịch vụ bay tiếp tục tăng sau gần 2 năm thế giới áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại để phòng dịch COVID-19. Giá nhiên liệu gần đây giảm và được dự báo sẽ không tăng mạnh trong năm 2023.
Tại Việt Nam, thách thức còn là các điểm nghẽn hạ tầng hàng không ở Việt Nam, nguy cơ thiếu hụt phi công và nhân viên kỹ thuật. Tuy vậy, tại Việt Nam, lượng khách nội địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 và dự báo lượng khách quốc tế sẽ tăng mạnh (nhờ việc Trung Quốc mở cửa) trong năm 2023. Do vậy, dự báo lợi nhuận ngành hàng không sẽ hồi phục.
Dựa trên bối cảnh Trung Quốc mở cửa trở lại và chuyến bay quốc tế hồi phục, SSI Research đưa ra quan điểm ưa thích các cổ phiếu sân bay nhờ triển vọng lợi nhuận mạnh mẽ. Trong đó, 2 cổ phiếu được nhóm phân tích đưa ra khuyến nghị là ACV và AST.
Hải Giang