Thị trường vẫn đang dồn sự chú ý vào quá trình tiến hành thủ tục giải thể của công ty CTCK Kim Long từng nổi đình nổi đám một thời. Sự ra đi của công ty sau 10 năm hoạt động cũng khiến nhà đầu tư không khỏi tiếc nuối, song băn khoăn, hoài nghi về nguyên nhân sâu xa vì sao Kim Long bị “khai tử”. Kết quả kinh doanh năm 2015 và nửa đầu năm 2016 bị thua lỗ nặng cũng lý giải một phần.
Lỗ nặng vì nợ khó đòi
Theo BCTC quý II/2016 vừa công bố, Chứng khoán Kim Long vẫn duy trì mức doanh thu ổn định so với cùng kỳ năm trước, đạt 64,5 tỷ đồng. Thu nhập chủ yếu đến từ cổ tức, tiền lãi trong khi doanh thu tài chính chỉ đạt 961 triệu đồng.
Tuy nhiên, KLS bất ngờ báo lỗ ròng lên tới 154 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là các chi phí hoạt động của KLS trong 6 tháng đầu năm nay tăng đột biến, lên 209 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chủ yếu là lỗ từ bán tài sản tài chính 375 tỷ đồng.
Công ty đã phải trích dự phòng tài sản tài chính, xử lý tổn thất các khoản phải thu khó đòi và lỗ suy giảm tài sản tài chính, chi phí đi vay… tổng số gần 189,3 tỷ đồng.
Trong danh mục tài sản của KLS ghi nhận đến cuối quý II/2016 có khoản tiền và tương đương tiền là 1.894,8 tỷ đồng. Khoản tiền gửi ngắn hạn tại 14 ngân hàng này hiện đem lại cho KLS khoản thu nhập lãi 4,5-6%/năm.
Nếu chia đều cho cổ đông thì mỗi cổ phần KLS sẽ được chia tối thiểu 9.300 đồng tiền mặt. Trước đó, công ty đã chia hết sạch 20,25 tỷ đồng quỹ khen thưởng phúc lợi ở cuối quý I/2016, bình quân mỗi người lao động nhận được hơn 256 triệu đồng.
Công ty cũng có khoản phải thu, dự thu cổ tức và tiền lãi đến ngày nhận hơn 22,59 tỷ đồng.
Danh mục tài chính của KLS cũng đã được bán hết, chỉ còn 9,5 triệu cổ phiếu PVF. Song công ty đã bị lỗ nhất ở hai khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết (PVD, PVS), cổ phiếu chưa niêm yết của công ty CP Unitel Moto Việt Nam. Với giá bán chỉ 3.500 đồng/CP, KLS đã chịu lỗ gần 140 tỷ đồng.
![]() |
Chứng khoán Kim Long lỗ nặng trước ngày “khai tử”
Ngày 21/7/2016 tới đây, toàn bộ 202,5 triệu cổ phiếu KLS sẽ chính thức bị hủy niêm yết, để lại nhiều tiếc nuối cho nhà đầu tư, cổ đông. Trong vòng ba tháng qua, trước thông tin KLS sắp huỷ niêm yết và giải thể, cổ phiếu này liên tục tăng, hiện giao dịch ở mức 11.000 đồng/CP, giá trị vốn hoá thị trường KLS đạt hơn 2.004 tỷ đồng.
Trước đó, cổ đông KLS đã vô cùng bất ngờ khi ĐHCĐ thường niên 2016 đã trình và thông qua phương án giải thể công ty. Theo đó, khi tiến hành giải thể, công ty sẽ chia toàn bộ quỹ khen thưởng, phúc lợi cho cán bộ, nhân viên công ty (trừ ban lãnh đạo).
Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ ba tháng lương theo lịch trình chấm dứt lao động và sự sắp xếp, bố trí của công ty (mức lương bình quân ở KLS là 10 triệu đồng/người).
Xử lý giải thể
Sau thất bại trong kế hoạch sáp nhập với công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), HĐQT Chứng khoán Kim Long lựa chọn con đường giải thể công ty với lý do “để bảo toàn tài sản của cổ đông”.
Thực tế, hoạt động kinh doanh của KLS có dấu hiệu sa sút nghiêm trọng, trong đó các khoản đầu tư vào cổ phiếu dầu khí khiến công ty thua lỗ nặng.
Đơn cử, năm 2015, KLS bị lỗ 68 tỷ đồng vì đầu tư cổ phiếu dầu khí, khiến cổ phiếu KLS bị đặt vào diện cảnh báo. Kết thúc quý I/2016, công ty đã chuyển lỗ thành lãi 4 tỷ đồng và hết quý II/2016 lại lỗ ròng 154 tỷ đồng.
Trong quá khứ, KLS cũng từ lỗ kỷ lục lên tới 347 tỷ đồng (năm 2008) song ban lãnh đạo công ty vẫn cố gắng chèo lái vượt qua khủng hoảng tài chính, khắc phục lỗ và có lãi trở lại. Song đến giai đoạn này, với số lỗ hàng trăm tỷ đồng, một lần nữa ban lãnh đạo KLS lại chọn con đường “khai tử” doanh nghiệp.
Các cổ đông cũng chất vấn gay gắt và truy trách nhiệm của ban điều hành KLS khi để hoạt động công ty rơi vào thua lỗ, dẫn tới kết cục giải thể?
Trước cổ đông, đại diện KLS nhận trách nhiệm: “Đúng là trách nhiệm của chúng tôi nhưng việc công ty hoạt động và có lỗ, có lãi là điều bình thường. Trong nhiều năm nay, chúng tôi chưa nhận được khoản thưởng nào, kể cả những năm có lãi, kể cả khi chia tiền cho nhân viên thì ban lãnh đạo cũng không nhận”.
Theo ban lãnh đạo, công ty đã bán hết danh mục cổ phiếu dầu khí nên thua lỗ không còn liên quan đến khoản đầu tư này.
Ông Hà Hoài Nam – Chủ tịch HĐQT của KLS – chia sẻ: Công ty hiện có 1.900 tỷ tiền mặt. Nếu thanh lý các tài sản như danh mục đầu tư, danh mục cổ phiếu OTC… thì KLS có thể có 2.000 tỷ tiền mặt, đủ để chia cho cổ đông khoảng 11.000 đồng/CP. Dự kiến, cuối tháng 8 sẽ có thể chia tạm ứng đợt một với 10.000 đồng/CP cho cổ đông.
Theo báo cáo tài chính, tình hình công nợ của KLS cũng khá “sạch sẽ” với tổng nợ phải trả chỉ còn hơn 10,68 tỷ đồng, bao gồm 9,4 tỷ đồng tiền thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước, còn lại là chi phí phải trả, ký quỹ…
Hải Hà