BaF Việt Nam vừa công bố tài liệu xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, với nội dung chính liên quan đến kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng vốn điều lệ.
Theo kế hoạch, BaF Việt Nam dự kiến phát hành 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 15.500 đồng/cp, dành cho các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Quá trình phát hành dự kiến sẽ diễn ra trong giai đoạn 2024 - 2025, sau khi hoàn tất các thủ tục đăng ký với cơ quan quản lý.
BAF dự kiến tăng vốn điều lệ lên 3.040 tỷ đồng. |
Số tiền huy động được, khoảng hơn 1.000 tỷ đồng, sẽ được công ty sử dụng vào hai mục tiêu chính: gần 558 tỷ đồng để mua cám, phụ gia và nguyên liệu phục vụ các trang trại nuôi heo; và 450 tỷ đồng để mua heo giống, heo cai sữa và heo hậu bị nhằm phục vụ hoạt động chăn nuôi.
Nếu đợt phát hành thành công, vốn điều lệ của BaF Việt Nam sẽ tăng từ mức hiện tại 2.390 tỷ đồng lên 3.040 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/10, cổ phiếu BAF dừng ở mức 22.200 đồng/cp. Với mức giá này, ước tính BaF Việt Nam sẽ chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá thấp hơn thị trường 30,18%.
Trong tờ trình gửi cổ đông, BaF Việt Nam giải thích rằng việc tăng vốn là cần thiết để hỗ trợ cho quá trình đầu tư mở rộng hệ thống trang trại chăn nuôi.
Đáng chú ý, mặc dù mới chào sàn HoSE chưa đầy 3 năm, từ ngày 3/12/2021, nhưng BaF Việt Nam liên tục phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ tăng gấp 3 lần, từ 780 tỷ đồng lên 2.390 tỷ đồng.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 7/2024, BaF Việt Nam đã hoàn thành đợt phát hành 68,4 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp, huy động thành công 684 tỷ đồng.
Trước đó, BaF Việt Nam đã phát hành 7,2 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2023 với giá 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công chỉ đạt 36%, tương đương 2,6 triệu cổ phiếu được phân phối. Như vậy, công ty đang còn “ế” 4,6 triệu cổ phiếu ESOP.
Lý giải việc phát hành cổ phiếu ESOP chiết khấu lớn so với thị trường mà nhân viên không mua, đại diện BaF Việt Nam cho biết do đặc thù của ngành chăn nuôi, trên 90% tổng lao động của công ty hiện nay đang làm việc trong trang trại tại vùng sâu vùng xa. Điều kiện tiếp cận thông tin về chứng khoán và thị trường chứng khoán còn nhiều hạn chế. Vì thế, một phần lớn cán bộ công nhân viên chưa thấu hiểu đầy đủ lợi ích của cổ phiếu ESOP, phần khác chưa đủ điều kiện tài chính để mua cổ phiếu ESOP khi thu nhập chỉ vừa đủ để trang trải cuộc sống gia đình.
CTCP Nông nghiệp BaF Việt Nam của đại gia Trương Sỹ Bá là một trong những doanh nghiệp nuôi heo hàng đầu Việt Nam. Doanh nghiệp này nổi tiếng nhờ quảng bá sản phẩm heo ăn chay.
Trong năm 2022, doanh thu và lợi nhuận sau thuế cuả BaF Việt Nam đạt lần lượt 7.083 và 288 tỷ, giảm 32% và 11% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính của việc sụt giảm là do doanh nghiệp đang dịch chuyển dần cơ cấu doanh thu từ mảng thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng 3F.
Năm 2023, công ty nỗ lực mở rộng quy mô trang trại nuôi heo để chuẩn bị chuyển dịch kinh doanh từ thương mại các mặt hàng nông sản sang mảng 3F. Tuy nhiên kết quả không như kỳ vọng khi kết thúc năm, "heo ăn chay" BAF mang về 5.250,4 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2023, giảm 25,9% so với năm 2022.
Tới nửa đầu năm 2024, BaF Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 2.613,19 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 154,61 tỷ đồng, tăng 11,09 lần so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 6,5%, lên 10,9%.
Năm 2024, BaF Việt Nam tiếp tục lên kế hoạch tham vọng với doanh thu tăng 6,6%, lên 5.543,9 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế dự kiến tăng 893,2%, lên 305,9 tỷ đồng.
Như vậy, kết thúc nửa đầu năm 2024 với lãi sau thuế đạt 154,61 tỷ đồng, BaF Việt Nam đã hoàn thành 50,5% so với kế hoạch năm.
Châu Anh