Tại thời điểm tổ chức bán đấu giá trọn lô ngày 11/1, tổng công ty Vinamotor có mức vốn điều lệ hơn 876 tỷ đồng, tương đương 87,6 triệu cổ phần.Trong đó nhà nước nắm giữ 97,7% vốn, tương ứng 85,58 triệu cổ phần. Còn nhớ hồi tháng 4/2014, Vinamotor từng chào bán cổ phần song bị “ế” nặng nên Chính phủ đã chấp thuận cho thoái hết vốn nhà nước.
Cuộc đua có hai “nhân vật chính”
Thông tin công bố tại phiên đấu giá ở Sở GDCK Hà Nội – HNX đã gây bất ngờ vì đến ngày 11/1, chỉ có 2 nhà đầu tư đủ điều kiện, đăng kí tham gia mua toàn bộ 97,7% cổ phần Vinamotor. Cụ thể, Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và Công ty CP Phát triển TN.
Trước đó, cuộc đua thâu tóm Vinamotor đã từng diễn ra rất căng thẳng, thu hút 4 doanh nghiệp đề xuất với Bộ GTVT mua toàn bộ cổ phần nhà nước. Các ứng viên sáng giá gồm: Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sacom (mã:SAM), Công ty CP ôtô TMT (mã:TMT), Công ty TNHH Motor N.A Việt Nam (Vinamco) và Công ty CP Thành Công Ninh Bình. Đây đều là những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thiết bị ôtô, hoặc có tiềm lực tài chính mạnh…
Đáng chú ý nhất là Công ty ôtô TMT có sự chuẩn bị công phu, chu đáo kế hoạch “thâu tóm” Vinamotor. Thậm chí, TMT đã được ĐHCĐ chấp thuận chủ trương mua 97,7% cổ phần Vinamotor cũng như kế hoạch phát hành tối đa 1.500 tỷ đồng trái phiếu TMT để có tiền mua cổ phần.
Quan hệ của TMT và Vinamotor đặc biệt thân thiết khi Vinamotor sở hữu 19,84% cổ phần TMT (công ty liên kết). Cá nhân ông Bùi Văn Hữu –Thành viên HĐQT Vinamotor còn nắm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của TMT và sở hữu cổ phần lớn.
![]() |
Chỉ có hai nhà đầu tư đủ điều kiện tham gia đấu giá mua trọn lô 97,7% cổ phần Vinamotor ngày 11/1/2016
Thế nhưng, bất ngờ đã đến vào phút chót khi cả 3 công ty bị “rớt” khỏi cuộc chơi, chỉ còn lại nhà đầu tư Vinamco và một cái tên khá lạ Công ty CP Phát triển TN đủ điều kiện vào vòng đấu giá.
Được biết, Vinamco có vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, chuyên kinh doanh phân phối và dịch vụ ôtô. Công ty này hiện có một showroom Honda ở Tây Hồ (Hà Nội). Trong khi, thông tin về Công ty CP Phát triển TN lại rất hạn chế và giới kinh doanh, sản xuất ôtô cũng không biết gì hơn về công ty này.
Được biết, Bộ GTVT đã đặt ra các điều kiện khắt khe đối với nhà đầu tư mua cổ phần Vinamotor là phải có vốn chủ sở hữu tối thiểu 926 tỷ đồng (đến 30/6/2015), không có lỗ lũy kế và cam kết không chuyển nhượng cổ phần trong 5 năm, có ngành nghề kinh doanh liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô hoặc các ngành nghề liên quan… Do đó, việc Vinamco và Công ty CP Phát triển TN đã “đánh bật” các đối thủ tầm cỡ khác để giành quyền tham gia đấu giá khiến ngay cả người trong cuộc cũng ngạc nhiên!
Xoay sở nghìn tỷ ở đâu ?
Tại phiên đấu giá, Vinamco và Công ty CP phát triển TN đưa ra mức giá rất sát nhau, lần lượt là 1.250,515 tỷ đồng và 1.250,513 tỷ đồng. Tức chỉ hơn kém nhau khoảng… 2 triệu đồng. Mức giá của hai nhà đầu tư này cũng chỉ xấp xỉ mức giá khởi điểm 1.250,49 tỷ đồng (tương ứng 14.612 đồng/CP). Kết quả, nhà đầu tư đặt giá 1.250,515 tỷ đồng đã trúng đấu giá, “ôm” trọn lô 97,7% cổ phần Vinamotor và sẽ nắm quyền chi phối doanh nghiệp.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh bên lề phiên đấu giá, một đại diện của Vinamco xác nhận là “đã trúng đấu giá” lô cổ phần Vinamotor. Khi được hỏi “vì sao hai nhà đầu tư bỏ giá sát nhau thế, nhà nước có vẻ không được lời mấy?” – vị đại diện này chỉ cười, im lặng.
Theo quy định đấu giá, hai nhà đầu tư tham gia mua cổ phần Vinamotor đã phải đặt cọc 10% giá trị khởi điểm, khoảng 12,5 tỷ đồng. Trong thời gian 10 ngày, nhà đầu tư trúng đấu giá sẽ phải nộp đủ toàn bộ số tiền đấu giá thành công là 1.250,515 tỷ đồng.
Như vậy, chỉ thời gian ngắn, Vinamco sẽ phải xoay sở được cả nghìn tỷ đồng, nộp cho đơn vị đấu giá để xác nhận đấu giá thành công và làm các thủ tục thay đổi sở hữu tại Vinamotor.
“Tất nhiên, khi tham gia đấu giá chúng tôi đã tính toán phương án lấy tiền ở đâu mua cổ phần. Hiện tại, sau đấu giá mới bàn kỹ chuyện này”- Vị đại diện Vinamco chia sẻ về khả năng thu xếp vốn, nguồn tiền mua cổ phần là vốn tự có hay vay mượn ngân hàng.
Vài năm gần đây, hoạt động kinh doanh của Vinamotor đã bị thua lỗ, có lỗ luỹ kế hơn 236 tỷ đồng (tính đến 30/6/2013). Đến năm 2014, kết quả kinh doanh có cải thiện, với doanh thu đạt gần 1.710 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông Công ty mẹ đạt hơn 155 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2015, lợi nhuận ròng chỉ đạt 55 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ năm 2014 đến hơn 30 tỷ đồng (đạt 20 tỷ đồng).
Dù tình hình kinh doanh khó khăn, song Vinamotor vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư bởi sở hữu quỹ đất rộng lớn, trong đó có trụ sở tại phố Hàng Trống và khu đất hơn 2ha tại phố Minh Khai (Hà Nội). Thông qua việc nắm sở hữu cổ phần chi phối, Vinamco có thể tiến hành khai thác quỹ đất này như xây dựng dự án khu đô thị, căn hộ, thương mại… nhằm tạo lợi nhuận tối đa.
Thu Hằng