Trong quý II, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đang hồi phục tích cực, thậm chí báo lãi đậm, nhưng cũng không ít công ty sản xuất kinh doanh cầm chừng, thậm chí báo lỗ kỷ lục trong lịch sử hoạt động.
Người lãi đậm, kẻ ngậm ngùi báo lỗ
Theo BCTC hợp nhất quý II, Sợi Thế Kỷ (STK) ghi nhận hơn 303 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi gộp chưa đầy 10 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 84% so với cùng kỳ năm trước.
Khấu trừ chi phí, Sợi Thế Kỷ báo lỗ 55,5 tỷ đồng sau thuế - mức lỗ cao nhất từ trước đến nay, và kém xa số lãi hơn 37 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế 6 tháng, Sợi Thế Kỷ lỗ gần 55 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 39 tỷ đồng. Với kết quả này, doanh nghiệp còn cách rất ra kế hoạch lợi nhuận kỷ lục 300 tỷ đồng đã đề ra.
Kỳ vọng kết quả kinh doanh được xoay chuyển trong năm 2024 đã giúp cổ phiếu ngành dệt may diễn biến khá tích cực. |
Trong khi đó, CTCP Vải sợi May mặc Miền Bắc (TET) ghi nhận doanh thu bán hàng giảm 15%. Giá vốn tăng 34% cùng chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng dẫn tới lợi nhuận giảm 63%, xuống còn 1,8 tỷ đồng trong quý II.
Chiều ngược lại, CTCP Sợi Phú Bài (SPB) lại có lãi gần 3,8 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 18 tỷ đồng.
Không kém cạnh, quý II, CTCP Đầu tư Thương mại TNG (TNG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng, tương ứng 62% so với cùng kỳ năm ngoái.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2024, TNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 128 tỷ đồng, hoàn thành 41% mục tiêu năm.
Hay như CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) công bố ước tính kết quả kinh doanh nửa đầu năm với doanh thu công ty mẹ đạt gần 74,4 triệu USD (gần 1.900 tỷ đồng), tăng 12% so với cùng kỳ và thực hiện được 47% kế hoạch năm. Lãi sau thuế tăng 29% lên hơn 5,8 triệu USD (145 tỷ đồng), thực hiện được 85% kế hoạch năm.
Tổng công ty Việt Thắng (TVT) cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 với lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh nhờ giá vốn bán hàng giảm sâu.
Kết thúc quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thuần đạt hơn 251 tỷ đồng, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 3,42 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lãi hơn 457 triệu đồng, tương ứng tăng trưởng 649%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6,21 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Mới nhất, CTCP Dệt may Hoà Thọ (HTG) ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.094 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 69 tỷ đồng, tăng trưởng tới 110% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi cao nhất trong vòng 7 quý trở lại đây.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Dệt may Hoà Thọ ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 80% so với cùng kỳ, đạt xấp xỉ 114 tỷ đồng.
Khó khăn vẫn chực chờ
Ngược thời gian, ngay từ quý IV/2023, ngành dệt may đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi. Đó là việc đón nhận nhiều thông tin tích cực từ tình hình vĩ mô quốc tế, như lạm phát giảm ở một số nền kinh tế lớn, sức mua tăng giúp các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng trở lại, thể hiện qua kết quả kinh doanh được cải thiện trong quý I/2024 và được kỳ vọng khởi sắc trong các quý tiếp theo.
Ngoài ra, với đặc thù xuất khẩu, ngoại tệ chiếm vai trò chủ đạo trong nguồn thu, việc tỷ giá USD/VND duy trì ở mức cao tạo ra kỳ vọng tích cực đối với lợi nhuận từ chênh lệch tỷ giá của các doanh nghiệp dệt may. Vì thế, nhà đầu tư đã kỳ vọng kết quả kinh doanh ngành dệt may được xoay chuyển trong năm 2024. Kéo theo đó, nhóm cổ phiếu dệt may ghi nhận diễn biến khá tích cực từ đầu năm đến nay.
Một số “cái tên” có thể kể đến như: cổ phiếu TNG, STK, TCM, MSH, VGT… Đáng chú ý, cổ phiếu HTG vừa lập đỉnh lịch sử tại mức giá 44.100 đồng/cp (phiên 26/7). Tính riêng từ giữa tháng 4, cổ phiếu này đã tăng một mạch 46% giá trị mà không xuất hiện một nhịp chỉnh đáng kể nào.
Theo BSC, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm dệt may tương đối nhạy cảm với thông tin đơn hàng và giá xuất khẩu, đồng thời sẽ phản ánh trước so với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Không thể phủ nhận ngành dệt may dù đã có những tín hiệu tích cực trong nửa đầu năm nhưng thực tế bức tranh tổng thể vẫn có sự phân hóa.
Bên cạnh đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp hiện tại đã có đơn hàng đến hết quý III, nhiều đơn hàng cho quý IV, nhưng những tháng cuối năm 2024 được dự báo sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam.
Ban lãnh đạo Dệt Thành Công cho biết, ngày càng nhiều thị trường nhập khẩu dệt may lớn đưa ra những quy định mới mang tính bắt buộc, liên quan tới thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng, quy định thiết kế sinh thái, sản phẩm tái chế, xử lý chất thải dệt may. Đồng thời, các yếu tố chiến tranh, lạm phát trên thế giới dẫn đến chi phí ngày càng tăng cao, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may, đơn hàng có thể đủ trong quý III nhưng quý IV vẫn là thách thức khi sức cầu chưa phục hồi hoàn toàn. Quý cuối năm vẫn là thời gian khó khăn với doanh nghiệp xuất khẩu như dệt may. Trong khi đơn hàng phục hồi về số lượng, còn giá bán chưa phục hồi và lạm phát tại các quốc gia lớn đang giảm phản ánh sức cầu tiêu thụ yếu đi. Liệu doanh nghiệp có tăng trưởng trong quý IV và năm sau hay không còn trông chờ vào các thị trường lớn như Mỹ hồi phục, đơn hàng tích cực trở lại.
Còn VDSC cho rằng, biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp dệt may khó tăng cao trong nửa cuối 2024 do mức lương tối thiểu tăng 6% kể từ tháng 7/2024, chi phí nhân công tại các doanh nghiệp dệt may thường chiếm từ 30-50% tổng chi phí sản xuất nên mức lương tăng sẽ kìm hãm đà tăng biên lợi nhuận gộp.
Bên cạnh đó, giá bán của hàng dệt may xuất khẩu cũng khó tăng cao khi tỷ lệ phá giá nội tệ của các nước đối thủ cạnh tranh còn cao, dự báo đồng tiền của Bangladesh, Indonesia và Mexico đều mất giá cao so với VND.
Riêng đối với thị trường Mỹ, VDSC đánh giá nhu cầu nhập khẩu hàng may mặc còn yếu do doanh số bán lẻ quần áo vẫn thấp. Vì vậy, giá bán tại thị trường Mỹ khó tăng cao trong nửa cuối năm 2024.
Hải Giang