Kinh tế dần hồi phục, nhu cầu sử dụng nước sạch trong sinh hoạt và sản xuất ngày càng tăng cao nên doanh nghiệp nước luôn mang tới tiềm năng và sự kỳ vọng cho các nhà đầu tư. Song, đa phần cổ phiếu ngành nước lại không có sự bứt phá bất chấp thị trường chung “vui như chợ Tết”. Dường như, cổ phiếu ngành nước đang “ngủ quên” với mức thanh khoản èo uột, thậm chí một số mã không có khớp lệnh.
"Lạc dòng" với kết quả kinh doanh
Tuy cổ phiếu của một vài doanh nghiệp lớn có tài chính đảm bảo với mức vốn hóa lớn và khả năng sinh lời tốt ghi nhận sự tăng trưởng ngược dòng, nhưng nhìn chung vẫn là mức khá khiêm tốn so với với tiềm năng của doanh nghiệp.
Cổ phiếu ngành nước dường như đang “ngủ quên” với mức thanh khoản èo uột. (Ảnh: Int) |
Là "ông lớn" trong ngành cấp nước tại Bình Dương, cổ phiếu TDM của CTCP Nước Thủ Dầu Một là một trong số mã cổ phiếu ngành nước sạch niêm yết trên sàn HoSE được đánh giá là khá tiềm năng. Tình hình kinh doanh khá sáng sủa và có triển vọng, thị giá TDM tăng 31,5% từ 27.400 đồng/cp vào ngày 31/12/2020 lên 36.050 đồng/cp vào ngày 28/12/2021, với thanh khoản trung bình duy trì khoảng 450.000 đơn vị khớp lệnh.
Trước đó, trong báo cáo phân tích của MBS xác định, giá mục tiêu của cổ phiếu TDM vào khoảng 32.700 đồng/cp dựa trên phương pháp chiết khấu dòng tiền.
Cổ phiếu BWE của CTCP Nước - Môi trường Bình Dương cũng được đánh giá không kém cạnh cổ phiếu TDM trên sàn chứng khoán. Là doanh nghiệp có cấu trúc tài chính an toàn và vốn hóa sinh lời tốt, được cho là có triển vọng đầu tư đối với cổ phiếu ngành nước sạch, cổ phiếu BWE cũng ghi nhận đà tăng trưởng khoảng 34,3% từ 33.800 đồng/cp (31/12/2020) lên 45.400 đồng/cp (28/12/2021) với thanh khoản trung bình hơn 400.000 đơn vị khớp lệnh.
Trong khi đó, hầu hết các mã cổ phiếu ngành nước khác như: BWS (CTCP Cấp nước Bà Rịa - Vũng), TVW (CTCP Cấp nước Trà Vinh), TDW (CTCP Cấp nước Thủ Đức), DNN (CTCP Cấp nước Đà Nẵng),… đều có diễn biến giá không biến động mặc dù kết quả kinh doanh vẫn ghi nhận khả quan. Thậm chí, có cổ phiếu trong một năm luôn có dư mua giá trần hàng trăm nghìn cổ phiếu nhưng không hề có khớp lệnh như cổ phiếu DNW của CTCP Cấp nước Đồng Nai.
Kỳ vọng từ giá nước tăng
Theo dữ liệu của Hiệp hội cấp thoát nước Việt Nam (VWSA), định hướng đến năm 2025, Việt Nam hướng đến mục tiêu tỷ lệ tiếp cận nước sạch được cung cấp tập trung ở khu đô thị là 100% với tiêu chuẩn tiêu thụ 120 lít/người/ngày.
Công bố mới đây cho thấy, dự kiến giá nước tại nhiều khu vực sẽ tăng trong năm 2022 như Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV thông báo từ ngày 1/1/2022, giá nước tại TP.HCM sẽ điều chỉnh tăng từ 400 - 1.200 đồng/m3.
Tương tự, CTCP Nước - Môi trường Bình Dương cũng thông báo sẽ điều chỉnh tăng giá nước cho sinh hoạt đô thị và sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương vào đầu năm 2022.
Cụ thể, nước sạch dùng cho cơ quan hành chính sự nghiệp và nước sạch cho đơn vị sản xuất bán lẻ sẽ điều chỉnh từ 13.200 đồng/m3 lên 13.800 đồng/m3; nước sạch cho đơn vị kinh doanh, dịch vụ điều chỉnh tăng từ 20.000 đồng/m3 lên 21.000 đồng/m3.
Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành, Bình Dương và TP.HCM đều là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, nhu cầu sử dụng nước phục vụ cho sản xuất và kinh doanh rất cao. Vì vậy, việc giá nước tăng trong thời gian tới đây sẽ giúp các doanh nghiệp cấp nước tăng trưởng tốt hơn và rất có thể ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu.
Nhận định về cổ phiếu TDM của Công ty CTCP Nước Thủ Dầu Một, Chứng khoán bản Việt (VCSC) đưa ra quan điểm tích cực, dự báo sản lượng nước thương phẩm năm 2022 của công ty sẽ phục hồi 15% sau khi hầu như đi ngang trong năm 2021; EPS năm 2022 cũng tăng tương ứng 29%.
Về CTCP Nước - Môi trường Bình Dương, Công ty chứng khoán Everest (EVS) kỳ vọng sản lượng nước sạch tiêu thụ của công ty sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục, dự phóng đạt hơn 210 triệu m3 trong năm 2022, tăng 21,2% so với dự phóng của năm 2021. Theo đó, giá mục tiêu cổ phiếu BWE được EVS đưa ra là 52.600 đồng/cp.
Hiện tại, các mã cổ phiếu ngành nước sạch vẫn đang là mối quan tâm chung của nhiều nhà đầu tư, bởi nhiều ý kiến trái chiều về tiềm năng của cổ phiếu này.
Đáng chú ý, mặc dù cổ phiếu ngành nước sạch được các chuyên gia đánh giá khá cao nhưng phần lớn những cổ phiếu này niêm yết trên sàn UPCoM nên không có lợi thế về thanh khoản. Đó chính là một điểm bất lợi của cổ phiếu ngành nước.
Bên cạnh đó, với quy mô của cở sở hạ tầng khi đầu tư xây dựng vẫn còn phụ thuộc nhiều vào ý chí của lãnh đạo tỉnh nên đây được hiểu là “sàn đấu” của những "tay chơi lớn" có tiềm lực tài chính, do đó khá "kén" các nhà đầu tư.
Ngoài ra, đầu tư cổ phiếu ngành nước cũng mang lại nhiều khó khăn cho các nhà đầu tư bởi triển vọng tăng trưởng vừa phải, khả năng sinh lời không cao như các ngành khác.
Vì vậy, cổ phiếu ngành nước sạch chỉ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính cao và phân bổ danh mục đầu tư. Còn nếu là một nhà đầu tư nhỏ lẻ thì không nên tham vọng vào cổ phiếu ngành này. Trên thị trường còn khá nhiều ngành có triển vọng với giá cổ phiếu có phần hấp dẫn và dễ đầu tư hơn cổ phiếu ngành nước sạch.
“Nếu quyết định mua cổ phiếu ngành nước sạch, nhà đầu tư cần nắm rõ về doanh số và diễn biến của doanh nghiệp trước khi rót vốn vào, đồng thời đa dạng hóa danh mục đầu tư và sử dụng nguồn vốn thích hợp để hạn chế rủi ro đầu ra”, một chuyên gia phân tích lưu ý.
Hải Giang