Tính đến ngày 23/6, chỉ số Vn-Index từ đáy 690 điểm (cuối tháng 3) đã tăng lên 868,2 điểm tương đương tăng gần 28%, trong khi đó cổ phiếu HSG đã thu hút được dòng tiền mạnh mẽ tăng một mạch từ 4.600 đồng/cp lên 11.900 đồng/cp, tương đương 157% với thanh khoản lớn nhất kể từ khi niêm yết, đạt khối lượng giao dịch trung bình 20 ngày là 13,4 triệu đơn vị/phiên.
Sự nỗ lực của doanh nghiệp
Hỗ trợ mức tăng của cổ phiếu HSG đầu tiên phải kể đến sự chuyển biến trong kết quả kinh doanh khi Hoa Sen liên tiếp ghi nhận mức lợi nhuận cao trong các kỳ tài chính gần đây.
Cụ thể, công ty vừa công bố BCTC 6 tháng niên độ tài chính 2019-2020 (từ 1/10/2019 đến 31/3/2020) với doanh thu thuần 12.355 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm mạnh 21% khiến Tập đoàn thu về 2.030 tỷ lợi nhuận gộp, tăng 46%. Doanh thu tài chính không đổi, ngược lại chi phí được tiết giảm (chi phí lãi vay giảm 19%).
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Hoa Sen ghi nhận lợi nhuận sau thuế gần 383 tỷ đồng, tăng 229% so với con số 116 tỷ cùng kỳ niên độ 2018-2019. Cập nhật kết quả mới nhất, công ty ước tính đạt gần 112,2 tỷ đồng.
Trong khoảng hơn 2 tháng vừa qua cổ phiếu HSG luôn là một trong những cổ phiếu có thanh khoản lớn nhất thị trường (Ảnh: Internet) |
Như vậy, ước tính lợi nhuận sau thuế hợp nhất lũy kế 8 tháng niên độ tài chính 2019-2020 là 584,4 tỷ đồng, vượt 46,1% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Được biết, tình hình kinh doanh HSG những quý gần đây liên tục tăng tốt chủ yếu hưởng lợi từ tích lũy thép cuộn cán nóng (HRC) với chi phí thấp.
Để làm được điều này, Hoa Sen đã đặt ra chủ trương tái cấu trúc toàn diện hoạt động sản xuất kinh doanh như không chạy theo sản lượng, không cạnh tranh về giá bán trên thị trường mà tập trung thực hiện cải thiện trình độ kỹ thuật công nghệ, nâng cấp chất lượng sản phẩm, khai thác triệt để lợi thế của hệ thống... dẫn đến lợi nhuận gộp tăng mạnh.
Theo số liệu tại các báo cáo tài chính quý thì sau khi chạm đáy vào quý I niên độ tài chính 2018-2019 lợi nhuận gộp của HSG đã tăng trở lại cả về giá trị tuyệt đối lẫn tỷ lệ lợi nhuận gộp biên, kể cả khi giá HRC giảm mạnh và đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu từ tháng 3/2020.
Ngoài ra, công ty đẩy mạnh quản lý hàng tồn kho, công nợ và các loại tài sản ngắn hạn khác một cách hiệu quả hơn đã giúp Hoa Sen giảm mạnh các khoản nợ phải trả cũng như kéo giảm tỷ lệ đòn cân nợ trong cơ cấu nguồn vốn, yếu tố quyết định để giảm chi phí tài chính đặc biệt là chi phí lãi vay trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 của Hoa Sen, Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ cho biết, cổ phiếu HSG sẽ sớm trở lại vùng giá 20.000 đồng/cp thậm chí 30.000 đồng/cp với điều kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump không có thêm 'ý tưởng' áp thuế nào khác”.
Lo bong bóng giá
Theo phân tích kỹ thuật của một số chuyên gia, từ đầu tháng 5/2020 giá cổ phiếu HSG đã phá vỡ đường xu hướng giảm dài hạn với khối lượng giao dịch lớn cho thấy chu kỳ tăng giá dài hạn của cổ phiếu này đã bắt đầu.
Hiện tại, giá cổ phiếu HSG đang được kỳ vọng sẽ vượt qua ngưỡng kháng cự gần nhất là mốc kháng cự (Fibonacci) 38,2% dài hạn ở vùng giá 12.000 đồng/cp một cách dứt khoát vào tuần cuối cùng của tháng 6/2020.
Nếu vượt qua vùng giá 12.000 đồng/cp, dự báo giá sẽ nhanh chóng tiếp cận mốc Fibonacci 61,8% dài hạn ở vùng giá 17.000 đồng/cp, và sau đó sẽ là mốc Fibonacci 78,6% dài hạn ở vùng giá 20.000 đồng/cp.
Trong 2 tuần gần đây, cổ phiếu HSG ghi nhận mức tăng mạnh nhất phá vỡ đỉnh giá 2 năm tại mức mức giá 11.900 đồng/cp. Thậm chí, đà tăng trong phiên ngày 22/6 đã giúp HSG vượt lên 12.100 đồng/cp, tuy nhiên hiện nay đã điều chỉnh về vùng giá 11.600 đồng/cp (phiên 24/6).
Nhìn vào các diễn biến trên có thể thấy, cổ phiếu HSG đang nhận được rất nhiều sự hỗ trợ về mặt thông tin. Tuy nhiên, những gì diễn ra xung quanh mã cổ phiếu này lâu nay vẫn khiến cho các nhà đầu tư hoài nghi về một “bong bóng” giá bởi những giao dịch nội bộ của doanh nghiệp.
Theo thông báo của Hoa Sen trong thời gian từ ngày 15-17/6, Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen đã bán ra thành công 20 triệu cổ phiếu HSG nhằm giải quyết nhu cầu tài chính.
Trước đó, doanh nghiệp này cũng vừa mới bán ra 15 triệu cổ phiếu HSG từ ngày 4-9/6/2020. Như vậy, Đầu tư Hoa Sen đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn Hoa Sen từ từ 24,32% (tức 108,14 triệu đơn vị) xuống còn 20,95% (tức 93,14 triệu đơn vị).
Đáng chú ý, cũng trong ngày 17/6 ông Lê Phước Vũ đã mua vào thành công 20 triệu cổ phiếu HSG, nâng tỷ lệ sở hữu lên 16,27%. Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Đầu tư Hoa Sen.
Không chỉ Đầu tư Hoa Sen, bà Hoàng Thị Xuân Hương - em gái Phó Tổng Giám đốc Hoàng Đức Huy – cũng đã bán toàn bộ 7,15 triệu cổ phiếu HSG. Thành viên ban kiểm soát nội bộ Lê Đình Hạnh, em trai Phó TGĐ Hoàng Đức Huy cũng lần lượt đăng ký thoái vốn khỏi doanh nghiệp.
Các giao dịch này đều được thực hiện tại giai đoạn cổ phiếu HSG đang trên đà tăng giá mạnh, chinh phục đỉnh giá nhiều năm. Đặc biệt, với giao dịch của Đầu tư Hoa Sen và ông Lê Phước Vũ khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi liệu đây có phải là động thái “tay trái bán cho tay phải”?
Linh Đan