Sau phiên chốt lời trước đó, ngược diễn biến của thị trường chung, sắc xanh bao trùm hầu hết nhóm cổ phiếu chứng khoán trong phiên 29/6, như SSI (+0,8%); HCM (+1,9%); VND (+1,4%); SHS (+0,7%)...
Dự thảo quy chế mới của VSD thay đổi
Đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu chứng khoán diễn ra ngay sau khi thông tin về các thay đổi tại dự thảo quy chế mới của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD). Dự kiến áp dụng từ tháng 8/2022.
Đáng chú ý, nhà đầu tư dự kiến được giao dịch vào chiều ngày T+2 , chứ không phải đợi tới ngày T+3 như trước. Như vậy, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu sớm hơn 1 ngày, và tiền cũng về tài khoản sớm hơn 1 ngày.
Các thay đổi tại dự thảo quy chế mới của VSD như một luồng gió mới cho ngành chứng khoán. |
Có thể thấy, trong bối cảnh thị trường không ổn định, vẫn “sớm nắng chiều mưa”, nhà đầu tư mua hàng hôm nay thì phải chờ tới 3 ngày sau mới có thể “đẩy hàng”. Trong trường hợp thị trường diễn biến xấu không kịp trở tay thì nhà đầu tư như “ngồi trên đống lửa”. Còn với những nhà đầu tư không sử dụng margin thì tiền về tài khoản sớm hơn 1 ngày đồng nghĩa với việc nếu có “hàng ngon” không bị lỡ mất 1 ngày. Như vậy, rủi ro trong việc mua bán cũng hạn chế được phần nào.
Thông tin trên không chỉ là tin vui với các nhà đầu tư, mà ngay cả các công ty chứng khoán cũng được hưởng lợi. Bởi lẽ điều này sẽ thúc đẩy lượng giao dịch của các nhà đầu tư. Thanh khoản tăng cũng đồng nghĩa với việc công ty chứng khoán tăng thêm nguồn thu, ảnh hưởng tích cực đến giá cổ phiếu.
Thời gian qua, VN-Index trải qua quãng “u ám” nhất kể từ làn sóng F0 đổ bộ cách đây 2 năm. Cùng với đó, thanh khoản liên tục “mất hút” và lùi về mức thấp kỷ lục.
Thống kê cho thấy, trong tháng 5, giá trị giao dịch bình quân chỉ đạt 13.800 tỷ đồng/phiên - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Là nhóm có độ nhạy khá cao với thị trường, vì vậy việc thanh khoản “teo tóp” đã gây tác động tiêu cực đến nhóm cổ phiếu này.
Việc thanh khoản thấp đã gây áp lực trực tiếp lên doanh thu hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán, theo đó hoạt động cho vay margin cũng bị ảnh hưởng bởi quy mô giao dịch hạn chế. Trong khi đó, thanh khoản là yếu tố quan trọng của mảng tự doanh khi đây là mảng phụ thuộc vào sự biến động của thị trường. Đó là những yếu tố cho thấy kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán khó có thể đạt được như năm 2021.
Hơn nữa, thanh khoản “tụt áp” cũng gây hạn chế, khiến các cổ phiếu chứng khoán khó hấp thụ lượng cung lớn do các đợt tăng vốn mạnh mẽ trong thời gian qua.
Thực tế, thời gian qua, so với chỉ số chung, nhóm chứng khoán đã có mức giảm sâu gấp 2 - 3 lần. Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán đã ghi nhận mức giảm từ 40-60% so với đầu năm. Có thể kể đến như: SSI (-62%), HCM (-57%), VCI (-54%), MBS (-60%), FTS (-46%)... Thậm chí cổ phiếu VND được đánh giá cao nhất cũng đã mất gần 50% so với tháng 1/2022.
Đáng buồn, với việc bị điều chỉnh mạnh trong thời gian qua đã khiến nhiều “ông lớn” trong ngành chứng khoán lần lượt “rớt” khỏi danh sách doanh nghiệp tỷ đô và hiện tại trong danh sách này “sạch bóng”, không còn doanh nghiệp chứng khoán nào.
Nhiều dư địa tăng trưởng
Theo quan sát, thị trường chung vẫn diễn biến không được tích cực khi đã có 3 tuần giảm liên tiếp, đánh bay thành quả hồi phục của 3 tuần trước đó. Tuy nhiên, điểm sáng là trong vài phiên gần đây, dòng tiền bắt đáy và đầu tư dài hạn phần nào quay trở lại, nhóm chứng khoán cũng dần hồi phục.
Chẳng hạn như trong phiên 27/6 vừa qua, duy nhất cổ phiếu VFS giảm giá, các cổ phiếu chứng khoán như APG, BSI, CTS, FTS, HCM, OGC, ORS, VIX, VND đồng loạt tăng trần giúp VN-Index vượt mốc 1.200 điểm. Các mã chứng khoán còn lại cũng có mức tăng rất mạnh, thậm chí nhiều mã tăng sát giá trần.
“Định giá của các cổ phiếu chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn dưới con mắt của nhà đầu tư”, một chuyên gia nhận định. So với thời điểm cuối năm ngoái, mức định giá của nhóm này đã thấp hơn nhiều (P/B 3-4 cuối năm 2021).
Cụ thể, P/B của hầu hết các công ty chứng khoán đã xuống dưới 2, thậm chí nhiều cổ phiếu còn dưới 1. Tính đến hết ngày 24/6, các cổ phiếu chứng khoán hút tiền mạnh đều có P/B hấp dẫn dưới 2 như SSI (P/B 1,24), VND (P/B 1,42), SHS (P/B 0,89), VCI (P/B 1,57)...
Bên cạnh đó, giới phân tích cho rằng, trong ngắn hạn, với diễn biến thanh khoản hiện tại, nhóm chứng khoán khó có thể quá tích cực. Song, về dài hạn, dư địa tăng trưởng của của ngành chứng khoán vẫn cao bởi số lượng tài khoản trong dân còn ở mức thấp. Trong tương lai, khi thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn, số lượng nhà đầu tư tham gia được dự báo sẽ không ngừng tăng thêm và giúp giao dịch ngày càng sôi động hơn.
“Chứng khoán Việt vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng khi tỷ lệ cá nhân có tài khoản chứng khoán vẫn ở mức thấp. Tính chung 5 tháng đầu năm, NĐT mở mới hơn 1,38 triệu tài khoản, chiếm gần 5,7% dân số”, Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định.
Mặc dù MSCI đã công bố Việt Nam một lần nữa lỡ hẹn với danh sách xem xét để được nâng hạng từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi, song Chứng khoán Everest vẫn chỉ ra những động lực mạnh mẽ thu hút dòng vốn nước ngoài quay trở lại thị trường đến từ: Lãi suất thực của Việt Nam hiện ở mức dương do lạm phát được kiểm soát; nhiều cổ phiếu đang có mức giá rẻ so với định giá và nền tảng luật pháp được hoàn thiện, gia tăng tính minh bạch đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, ngành chứng khoán hiện nay đang cạnh tranh rất cao và sẽ trở nên khốc liệt hơn trong thời gian tới.
Bởi lẽ, thời điểm hiện tại, nhà đầu tư F0 dần trưởng thành và có sự hiểu biết, không đơn thuần chỉ nhận sự tư vấn từ các môi giới. Do đó, các yếu tố về chất lượng dịch vụ, cơ chế tính phí cạnh tranh sẽ làm cho biên lợi nhuận từ mảng khách hàng cá nhân sẽ khó khăn hơn, đòi hỏi các công ty chứng khoán phải phát triển các sản phẩm đầu tư, mang đến biên lợi nhuận tốt hơn.
“Sự phát triển của ngành chứng khoán nói chung sẽ bắt đầu có sự phân hóa lớn giữa các công ty theo nhiều yếu tố như chất lượng dịch vụ đầu tư, chính sách và định hướng của nhà nước đối với thị trường chứng khoán hay mức độ cạnh tranh của các công ty trong ngành”, Vnstockmarket đánh giá.
Hải Giang