Ngày 21/4, Phòng cảnh sát môi trường (PC05) Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Phòng kỹ thuật hình sự và Công an TP Biên Hòa khai quật hệ thống thoát nước mưa của Xí nghiệp đèn ống (thuộc Công ty cổ phần Điện Quang) để điều tra hành vi xả thải trái phép ra môi trường.
Dính “bê bối” xả thải trái phép
Theo đó, lực lượng chức năng cũng tiến hành cắt nền bê tông hầm chứa nước bên trong xí nghiệp này. Tại thời điểm kiểm tra, 3 nhân viên Xí nghiệp Đèn ống đang tiêu hủy các vỏ bóng đèn thải không đúng quy định và khai xay nghiền từ ngày 8/3/2022 đến nay.
Sau kiểm tra, lực lượng công an phát hiện có khoảng gần 5 tấn thủy tinh có hóa chất chứa trong 195 bao và gần 370 nghìn bóng đèn chưa kịp xay nghiền đựng trong các sọt nhựa. Nước thải trong quá trình xay nghiền bóng đèn được thoát ra trực tiếp hệ thống mương thoát nước. Đồng thời, lực lượng công an cũng phát hiện 2 hầm bê tông chứa chất thải xây âm dưới đất bên trong khuôn viên xí nghiệp.
Kinh doanh giảm sút, cổ phiếu rớt mạnh là những gì nhắc tới CTCP Điện Quang ở thời điểm xảy ra "bê bối" xả thải trái phép. |
Bước đầu PC05 Đồng Nai xác định công ty có dấu hiệu vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; tự xử lý các loại chất thải không được cơ quan chức năng cho phép và chôn lấp chất thải trái quy định của pháp luật.
Hiện phía Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã lấy các mẫu nước thải, chất thải để kiểm nghiệm, phối hợp xử lý theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Hải Triều, Giám đốc xí nghiệp cũng thừa nhận việc các công nhân xay nghiền vỏ bóng đèn từ 8/3/2022 đến nay. Đồng thời, ông Triều cho biết số vỏ bóng được tiêu huỷ thực hiện theo quy trình từ trước tới nay. "Quy trình của mình có thể chưa đạt, hay như thế nào đó là kết luận của cơ quan chức năng", ông Triều nói.
Về 2 hầm được xây dựng âm dưới đất bên trong xí nghiệp có chứa chất thải công nghiệp, ông Triều thanh minh, mục đích của xí nghiệp làm hầm kín để tránh mưa gây nguy cơ trôi chảy. Hầm toàn bộ bằng xi măng không thấm. Khi lực lượng chức năng kiểm tra thì hầm có nước nhưng nước đó là mục đích làm mát máy ngày xưa (nay đã ngưng sản xuất).
Đáng nói, đây không phải lần đầu Điện Quang dính “phốt”, bởi trước đó, năm 2019, Tổng cục thuế đã ra quyết định xử lý vi phạm về thuế và các khoản phải nộp khác qua thanh tra việc chấp hành pháp luật về thuế với Bóng đèn Điện Quang. Theo đó, công ty bị xử lý vi phạm về thuế năm 2016, 2017 và các khoản phải nộp khác với tổng số tiền 37,93 tỷ đồng.
Được biết, Công ty cổ phần Điện Quang là doanh nghiệp của Bộ Công Thương và được cổ phần hoá từ lâu. Từ trước đến nay, Điện Quang vẫn luôn được biết đến là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về các sản phẩm bóng đèn, chiếu sáng và đây cũng là một thương hiệu vang bóng một thời rất nổi tiếng ở thế kỷ trước.
Tuy nhiên, từ sau năm 2016, công ty gặp cạnh tranh rất lớn từ hàng nhập khẩu và rào cản về hàng chất lượng cũng không như trước. Do đó, Điện Quang đã chuyển hướng sang mảng sản phẩm giải pháp ánh sáng thông minh. Song mảng này vẫn chưa đem lại kết quả kinh doanh như mong muốn. Dẫn tới kết quả kinh doanh liên tục sụt giảm trong những năm gần đây.
Theo ông Hồ Quỳnh Hưng - Chủ tịch HĐQT, do công ty đang trong giai đoạn ban đầu nên bắt buộc phải đầu tư máy móc, thiết bị, con người… rất nhiều, cho nên lợi nhuận đi xuống.
Năm 2018, Điện Quang đạt doanh thu 1.190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 90 tỷ đồng nhưng đến năm 2021, doanh số chỉ còn 749 tỷ và lợi nhuận vỏn vẹn 21,6 tỷ đồng. Tuy nhiên có được kết quả này, công ty cũng phải tiết giảm chi phí như giá vốn, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp và lãi từ liên doanh liên kết tăng mạnh.
Năm 2021, Điện Quang lên kế hoạch doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.000 tỷ đồng và lãi trước thuế 30 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đề ra, công ty chỉ thực hiện được 73% chỉ tiêu doanh thu và 89% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Cổ phiếu liên tục lao dốc
Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng tài sản của Điện Quang gần 1.436 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nằm ở các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho.
Không chỉ kinh doanh “cài số lùi”, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu DQC cũng liên tục ghi nhận đà giảm giá mạnh, nhất là từ đầu tháng 4 đến nay. Cụ thể, cổ phiếu DQC đã rơi từ 47.250 đồng/cp xuống 29.500 đồng/cp, tương ứng 37,5% kể từ đầu tháng 4. Nếu tính từ khi thiết lập đỉnh lịch sử vào ngày 15/3/2022, cổ phiếu này liên tục lao dốc, đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/4 ở mức 38.600 đồng/cp. Như vậy, cổ phiếu DQC đã rơi 54% so với đỉnh giá 64.000 đồng/cp chỉ trong vòng 1 tháng.
Đà giảm của cổ phiếu DQC được nhận định vẫn chưa dừng lại khi mà mới đây công ty dính phải “bê bối” xả thải trái phép nêu trên. Cụ thể, ngay trong phiên sáng 22/4, sau khi có thông tin xảy ra vụ việc, cổ phiếu DQC đã giảm sàn 6,9% xuống còn 29.500 đồng/cp và chỉ khớp được 68.000 đơn vị, còn lại gần 400.000 cổ phiếu vẫn chất sàn nhưng chưa có ai mua.
Trước đó, sau khi thiết lập giá 60.000 đồng/cp vào tháng 8/2016, thị giá cổ phiếu DQC “cắm đầu” đi xuống trong vòng 5 năm liền, về mức 15.000 đồng/cp.
Tuy nhiên, từ khoảng cuối quý III/2021, cổ phiếu DQC bước vào xu hướng tăng mạnh, thậm chí vượt qua đỉnh cũ, lên mức 65.000 đồng/cp vào ngày 15/3/2022, tương đương mức tăng trưởng hơn 250% và vượt trội hơn hẳn so với mức tăng 30% của chỉ số VN-Index cùng thời điểm.
Đáng chú ý, năm 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã có công văn nghiêm khắc nhắc nhở Điện Quang đề nghị công ty phải tuân thủ đúng các quy định về giao dịch cổ phiếu quỹ. Bởi qua theo dõi và kiểm tra, HoSE nhận thấy khối lượng đặt lệnh giao dịch cổ phiếu quỹ của DQC vào các ngày 05/12, 06/12, 14/12, 18/12, 22/12, và 25/12/2017 không đúng quy định.
Như vậy, từ một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về các sản phẩm bóng đèn, chiếu sáng được nhắc đến như một thương hiệu ai ai cũng biết tới, công ty cổ phần Điện Quang đã gây thất vọng cho người tiêu dùng cũng như những nhà đầu tư. Liệu rằng danh tiếng một thời có tìm lại được không khi mà kinh doanh của công ty liên tục giảm sút và dính nhiều “bê bối’ gây ảnh hưởng đến uy tín của công ty
Hải Giang