Một trong những thông tin có tầm quan trọng không kém tới thị giá cổ phiếu là những giao dịch mua hoặc bán của chính những người đứng đầu doanh nghiệp. Tuần qua, thị trường chứng khoán đón nhận không ít giao dịch lớn từ những lãnh đạo này.
Đáng chú ý nhất là việc bán toàn bộ 15,28 triệu cổ phiếu, tương đương 6,32% vốn điều lệ và rời ghế Tổng Giám đốc của CTCP SAM Holdings (mã: SAM) của ông Trần Anh Vương (Shark Vương). Giao dịch dự kiến thực hiện bằng phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 29/8-27/9/2018.
Ngược quy luật
Ngày 31/8 vừa qua, HĐQT SAM Holdings chính thức thông qua đơn từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của ông Trần Anh Vương. Trước đó, ông Vương cũng vừa đăng ký bán hết 15,28 triệu cổ phiếu SAM, tương ứng 6,32% vốn điều lệ, nhằm đáp ứng nhu cầu tài chính.
Nếu giao dịch thành công, ông Vương sẽ không còn nắm giữ cổ phần nào và không còn là cổ đông lớn của SAM Holdings.
Ông Vương được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc SAM Holdings từ tháng 5/2016. Ngoài SAM Holdings, ông Vương đang đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT của các doanh nghiệp gồm Tổng công ty Dược Việt Nam – CTCP (DVN), CTCP Nhựa Đồng Nai (DNP), CTCP SAMETEL (SMT) và Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư BVG (BVG).
Thông thường, thông tin mua vào cổ phiếu của lãnh đạo sẽ là động lực tăng giá ngắn hạn của cổ phiếu doanh nghiệp đó, tuy nhiên với trường hợp của SAM thì hoàn toàn ngược lại.
Bắt đầu từ ngày 29/8, ngày đầu tiên thực hiện giao dịch của ông Vương, cổ phiếu SAM đã tăng từ 7.130 đồng lên 7.150 đồng/cp và tiếp tục có những phiên tăng điểm tiếp theo.
Hiện, cổ phiếu SAM đang giao dịch tại mức giá 7.220 đồng/cp sau khi tăng lên 7.270 đồng/ cp (phiên 4/9), tương ứng mức tăng đạt gần 1,3% chỉ sau 4 phiên giao dịch.
Động thái thoái vốn của ông Vương diễn ra ngay sau khi SAM Holdings thông qua phương án trả cổ tức năm 2017. Cụ thể, SAM Holdings sẽ phát hành hơn 7,25 triệu cổ phiếu phổ thông trong quý III hoặc IV năm nay, tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức là 3% trên mệnh giá.
Trong thời gian qua, lãnh đạo nhiều công ty khác cũng có hoạt động thoái vốn như CTCP Dược Hậu Giang (mã: DHG) với tổng khối lượng giao dịch ghi nhận 65.660 cổ phiếu, thời gian giao dịch đều trong tháng 8.
Trong thời gian các lãnh đạo rục rịch thoái vốn, cổ phiếu DHG đã giảm 9,5% từ mức giá 102.000 đồng xuống còn 92.300 đồng/cp. Do không đạt được mức giá như kỳ vọng nên các lãnh đạo của công ty này đã không thể thoái hết được số cổ phiếu như mong muốn.
Cũng trong tháng 8, dàn lãnh đạo của CTCP Chế tạo Máy điện Việt Nam – Hungari (mã: DVH) đã đăng ký bán ra gần 1,6 triệu cổ phiếu DVH. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, thị giá cổ phiếu DVH ghi nhận ở mức 12.400 đồng/ cp, giảm 23,1% so với đầu tháng.
Shark Vương đăng ký bán hết 15,28 triệu cổ phiếu SAM |
Tái cơ cấu danh mục?
Quay trở lại với câu chuyện của Shark Vương, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc vị Tổng giám đốc này quyết định "rời thuyền" chỉ sau một năm SAM Holdings tái cơ cấu và vẫn chưa nhận được nhiều niềm tin từ cổ đông.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên, SAM Holdings đặt kế hoạch kinh doanh cho năm 2018 tăng 26% lợi nhuận lên 180 tỷ đồng, đồng thời phát hành tăng vốn lên 3.500 tỷ đồng.
Theo đó, SAM Holdings sẽ phát hành cổ phiếu theo 2 đợt để tăng hơn 1.000 tỷ đồng vốn điều lệ. Đợt 1, công ty sẽ phát hành hơn 7,2 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 3% và đợt 2 sẽ phát hành hơn 100,9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Đáng chú ý, mức giá phát hành tối thiểu là 10.000 đồng/cp, tương đương cao hơn 40% so với giá trị hiện tại đang giao dịch.
Mục đích tăng vốn nhằm đầu tư mua cổ phần các doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn; đầu tư tài chính ngắn hạn, dài hạn khác; cơ cấu lại các khoản nợ và bổ sung vốn lưu động.
Kế hoạch này của SAM Holdings vấp phải sự thiếu tin tưởng của các cổ đông, tuy nhiên ông Vương đã trấn an cổ đông tin tưởng vì công ty sẽ hoạt động hiệu quả thời gian tới.
Trên thực tế, kết quả kinh doanh của SAM Holdings trong 6 tháng đầu năm lại không được như mong đợi, riêng quý II/2018, lợi nhuận giảm gần 70% do mảng đầu tư chịu ảnh hưởng từ đà giảm chung của thị trường chứng khoán.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu của SAM Holdings đạt 1.044 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 76 tỷ đồng, tăng 15%; lãi ròng giảm 7% về mức 48,7 tỷ đồng. Theo kế hoạch đã đề ra, qua nửa năm 2018, công ty mới chỉ thực hiện được hơn 35% kế hoạch doanh thu và 42% kế hoạch lợi nhuận trước thuế.
Trước đó, ông Vương cũng đã từ chức Chủ tịch HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp I (TH1) nhiệm kỳ 2016-2021 và chỉ tham gia với tư cách thành viên HĐQT.
Trong thời gian ông Vương giữ vai trò Chủ tịch HĐQT, cổ phiếu TH1 bị HNX huỷ niêm yết và bị rơi vào diện hạn chế giao dịch ngay sau khi xuống giao dịch trên sàn UPCoM do bị âm vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm 2017 đã được kiểm toán.
Vì sao Shark Vương bán toàn bộ cổ phần tại SAM Holdings vẫn còn là bí ẩn, đặc biệt là ở thời điểm ông này vừa rời khỏi "ghế nóng" của TH1 và tình hình của SAM Holdings cũng kém khả quan.
Theo lý giải của ông Vương, việc thoái vốn là để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân, đây cũng lý do mà ông Vương đưa ra lúc thoái vốn tại TH1.
Vì thế, việc ông Vương có đang "tháo chạy" khỏi SAM Holdings và TH1 hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Linh Đan