Hoà Phát đặt mục tiêu lợi nhuận giảm còn 8.000 tỷ, không trả cổ tức tiền mặt trong năm 2023. (Ảnh: Int) |
Cụ thể, năm 2022 vừa qua, Hòa Phát đạt doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ 141.409 tỷ đồng, lãi sau thuế hợp nhất 8.444 tỷ, đều thấp hơn mục tiêu do đại hội cổ đông đề ra là 160.000 tỷ đồng doanh thu và 25.000 – 30.000 tỷ đồng lợi nhuận.
Hội đồng quản trị đề xuất trích quỹ khen thưởng phúc lợi 42,2 tỷ đồng, không trích quỹ thù lao HĐQT và Quỹ Khen thưởng Ban Điều hành vì kết quả kinh doanh không đạt kế hoạch.
Với phần lợi nhuận còn lại là 8.402 tỷ đồng, HĐQT Hòa Phát đề xuất sử dụng toàn bộ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng nghĩa với việc không trả cổ tức tiền mặt năm 2022.
Trước đó, trong bối cảnh giá thép nóng lên từng ngày, ban lãnh đạo Hòa Phát đã tỏ ra lạc quan với tình hình hiện nay.
“Ngành thép đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục. Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến thị trường để điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh một cách linh hoạt”, đại diện Hòa Phát cho biết.
Tuy nhiên, việc đặt mục tiêu lợi nhuận giảm của “anh cả” ngành thép cho thấy nhận định của giới phân tích dường như khá chính xác. Đó là lợi nhuận doanh nghiệp ngành thép vẫn khó dự báo bởi biến động giá nguyên liệu. Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành này sẽ khá thất thường và có thể phân hóa mạnh, phụ thuộc vào độ linh động trong chính sách tồn kho của từng doanh nghiệp.
Ngoài ra, thị trường bất động sản được dự báo sẽ còn trầm lắng và tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn là dấu hỏi lớn có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu thép xây dựng trong nước. Trong khi đó, tác động của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với khối lượng xuất khẩu có thể không đáng kể do giá thép trung bình của Việt Nam vẫn cao hơn so với giá thép Trung Quốc.
Theo Chứng khoán KB (KBSV), từ đầu năm đến nay, giá bán thép tăng 6% nhưng không giúp Hòa Phát cải thiện biên lãi gộp, thậm chí còn suy giảm. Đồng thời, dự phóng sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát trong quý I/2023 sẽ đạt 1,45 triệu tấn, giảm 42% so với cùng kỳ. Doanh thu dự phóng giảm 44% so với cùng kỳ, còn 24.588 tỷ đồng. Biên lợi nhuận thấp, đạt 3% so với 23% cùng kỳ năm trước.
“Hòa Phát chưa thể thoát cảnh thua lỗ với lợi nhuận sau thuế dự phóng âm 130 tỷ đồng, giảm 102% so với cùng kỳ”, KBSV dự báo.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu HPG hồi phục mạnh kể từ khi chạm đáy 26 tháng hồi giữa tháng 11/2022 (12.100 đồng/cp). Tuy nhiên, sau khoảng hơn 2 tháng đến nay, cổ phiếu HPG đang chững lại rõ rệt, bất chấp những tín hiệu tích cực từ giá thép. Chốt phiên 23/2, thị giá HPG đạt 21.500 đồng/cp.
Về giao dịch nội bộ gia đình, ông Hoàng Quang Việt, Thành viên HĐQT Hòa Phát đã báo cáo hoàn tất giao dịch bán thoả thuận 2 triệu cổ phiếu HPG trong khoảng từ 20 - 22/2.
Sau khi giao dịch hoàn tất, ông Việt hạ sở hữu tại Hòa Phát xuống còn 26,3 triệu cổ phần, tương đương 0,45% vốn điều lệ công ty.
Bên nhận chuyển nhượng là con trai Hoàng Nhật Minh và con gái Hoàng Nhật Anh, mỗi người nhận về 1 triệu cổ phiếu HPG và hiện cùng sở hữu tỷ lệ 0,02% vốn tại Hoà Phát.
Trước ông Việt, vào tháng 7/2022, Thành viên HĐQT Nguyễn Ngọc Quang đã chuyển nhượng thành công 5 triệu cổ phiếu HPG cho con gái Nguyễn Hà My, hạ tỷ lệ sở hữu xuống 108,8 triệu cổ phần, tương đương 1,87% vốn điều lệ của công ty.
Châu Giang