Cú đảo chiều bất ngờ của cổ phiếu ROS (CTCP Xây dựng FLC Faros) sau một thời gian dài lặng sóng theo chiều hướng giảm trở thành tâm điểm của thị trường, bởi lẽ việc tăng hay giảm của cổ phiếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khối tài sản của các ông chủ doanh nghiệp.
Tính tới phiên giao dịch ngày 25/12, cổ phiếu ROS giao dịch tại mức giá 42.000 đồng/cp, trong phiên giao dịch này xuất hiện 5 giá trị thoả thuận cổ phiếu ROS hơn 739 tỷ đồng. Mức giá thực hiện của cả 5 giao dịch là 38.900 đồng/cp, tổng khối lượng 19 triệu đơn vị.
Cổ phiếu nhiều cảm xúc
Trước đó, đà giảm của cổ phiếu ROS trong thời gian qua đã khiến tài sản của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC Faros – mất gần 41.000 tỷ đồng chỉ trong nửa năm, về ngưỡng dưới 1 tỷ USD và đứng ở vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.
ROS cũng khiến các nhà đầu tư ôm cổ phiếu này "cháy tài khoản" khi mất tới 70% giá trị từ mức giá hơn 140.000 đồng/cp hồi đầu năm (giá điều chỉnh).
Trong mắt các nhà đầu tư và chuyên gia chứng khoán, cổ phiếu ROS được xem là một hiện tượng kỳ lạ của sàn chứng khoán, thậm chí có những nhà đầu tư vui tính còn gọi đây là "cổ phiếu thánh Gióng" vì sự "lớn nhanh như thổi".
Chào sàn từ tháng 9/2016, ROS liên tiếp làm nóng thị trường bằng nhiều phiên tăng trần liên tiếp chỉ sau mấy phút mở màn. Từ mức giá tham chiếu chỉ 10.500 đồng/cp, ROS nhanh chóng chạm mốc hơn 100.000 đồng/cp chỉ sau hơn 2 tháng giao dịch.
Đó cũng là mức giá hiếm có trên thị trường chứng khoán đối với một mã cổ phiếu còn khá non trẻ.
Chuỗi ngày giao dịch sau đó, ROS vẫn tăng trưởng đều đặn và liên tiếp chinh phục những vùng đỉnh mới và đỉnh điểm là mức 177.800 đồng/cp (phiên 15/3/2017 – giá chưa điều chỉnh), đưa ông Trịnh Văn Quyết dẫn đầu bảng xếp hạng Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt.
Nhiều nhà đầu tư khi đó cũng được nâng hạng với khoản lợi nhuận có được từ đầu tư cổ phiếu này. Tuy nhiên, khoản đầu tư này cũng nhanh chóng bốc hơi với những phiên giảm sàn trắng bên mua, khiến những nhà đầu tư tham vọng phải "ôm hận".
Tăng giá một cách thần tốc và cũng xuống dốc không phanh dường như là đặc thù của ROS. Các chứng sĩ kháo nhau rằng cổ phiếu này giao dịch theo một công thức dựng sẵn với dòng vốn lòng vòng trong nội bộ.
Quá trình bứt phá cuối năm của ROS có thể chỉ là biến động tự nhiên sau chuỗi ngày giảm quá sâu |
Nhiều ẩn số
Quá trình bứt phá cuối năm của ROS có thể chỉ là biến động tự nhiên sau chuỗi ngày giảm quá sâu nhưng nhiều nhà đầu tư "vui tính" lại đang cho rằng đây là một biến động lạ.
Tâm lý này của giới đầu tư cũng là điều bình thường bởi diễn biến giao dịch của ROS kể từ khi lên sàn luôn được cho là "bất bình thường".
ROS thường xuyên gây sự chú ý trên thị trường chứng khoán với chuỗi giao dịch tăng cả tháng nhưng cũng giảm cả tháng. Có thời điểm cổ phiếu này còn diễn biến theo xu hướng" sáng gieo, chiều gặt", phiên sáng mua tại "giá đỏ" chiều bán "giá xanh".
Đặc biệt, trong khi các nhà đầu tư trên sàn tỏ ra sợ hãi với ROS thì cổ phiếu này vẫn duy trì được mức thanh khoản khá cao mà không phải cổ phiếu nào cũng đạt được.
Nhận định giao dịch theo một công thức có sẵn của các nhà đầu tư đang được ROS chứng minh là đúng khi sau 5 phiên tăng giá liên tiếp lên 42.000 đồng/cp thì phiên giao dịch ngày 26/12, cổ phiếu này đã giảm sâu gần chạm sàn, về mức 39.600 đồng/cp.
Tại các diễn đàn chứng khoán các thành viên còn cho rằng "đội lái của ROS nghỉ Tết Dương lịch sớm", tuy nhiên, đây chỉ là những câu chuyện vui của những nhà đầu tư quan tâm đến những doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết.
Ở một góc nhìn khác, cũng có người cho rằng đây là "cuộc đua" của các tỷ phú trên thị trường chứng khoán. Được biết, hiện tỷ lệ sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết và những bên liên quan tại FLC Faros đang là hơn 77%. Ngoài ra, ông Quyết còn sở hữu 21,19% vốn điều lệ tại Tập đoàn FLC; 3,26% vốn tại CTCP Chứng khoán Artex.
Nhờ cổ phiếu ROS tăng mạnh, tài sản của ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch HĐQT FLC Faros – cũng tăng theo và đang tạm giữ vị trí người giàu thứ 3 thị trường chứng khoán, vượt qua "vua thép" Trần Đình Long. Hiện tại, tổng tài sản của ông Quyết chỉ còn kém bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Vietjet Air) khoảng 1.600 tỷ đồng.
Có một điều đáng chú ý là cổ phiếu ROS bứt phá đúng thời điểm hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) đang chuẩn bị cất cánh. Sẽ có câu hỏi tại sao lại liên quan đến Bamboo Airways?
Thực tế ai cũng biết rằng từ khi ROS lên sàn tới nay, dòng tiền của doanh nghiệp này chỉ quanh quẩn trong nội bộ của FLC, tài sản thật gần như không có nhưng thị giá của cổ phiếu này vượt qua rất nhiều mã khác tốt hơn rất nhiều.
Có thời điểm, P/E của ROS lên tới hơn 100 – vượt quá cao và gấp nhiều lần so với các công ty cùng ngành có uy tín và hoạt động hiệu quả có thể quan sát thấy như CTD, HBC…
Trong khi đó, Bamboo Airways là công ty con của FLC và đang có khá nhiều câu hỏi xung quanh nguồn tiền để thực hiện những bản hợp đồng mua máy bay khủng của hãng hàng không mới này.
Từ đây, nhiều người đặt ra nghi vấn về việc cổ phiếu ROS được thế chấp cho một tổ chức hay quỹ ngoại nào đó có khả năng cho FLC vay một khoản tiền lớn để thực hiện những giao dịch nói trên và đi kèm điều kiện về việc giữ giá cổ phiếu.
Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là giả định và không có tính xác thực. Việc cổ phiếu ROS tăng giá có thể đơn thuần đến từ việc hồi phục sau khoảng thời gian giảm sâu hoặc doanh nghiệp sắp công bố kết quả kinh doanh quý IV khởi sắc.
Linh Đan