Trong giai đoạn 2016-2018, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ cổ phần hóa ba Tổng công ty Phát điện (EVN Genco); trong đó đã hoàn thành cổ phần hóa EVN Genco 3 hồi đầu năm 2018.
Tuy nhiên, trong phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của EVN Genco 3 chỉ có 336 nhà đầu tư đăng ký tham gia đấu giá, với khối lượng mua chỉ đạt 7,5 triệu cổ phần, tương ứng 2,8% số cổ phần chào bán.
Như cô gái đẹp
Theo phương án cổ phần hóa, EVN Genco 3 đấu giá hơn 267 triệu cổ phiếu, giá khởi điểm là 24.600 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần được chào bán ra công chúng trên ứng với 12,83% vốn điều lệ của tổng công ty.
Giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 1/1/2015 của công ty mẹ EVN Genco3 khi cổ phần hóa là hơn 91.432 tỷ đồng. Trong đó, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp xấp xỉ 24.604 tỷ đồng.
EVN Genco 3, hiện đang vận hành các nhà máy phát điện lớn nhất Việt Nam (sau EVN) với tổng công suất 6.543 MW, chiếm hơn 16% công suất điện Việt Nam, với các nhà máy tiêu biểu như các Phú Mỹ, Mông Dương 1, Vĩnh Tân 2, Buôn Kuốp…
Sau cổ phần hoá, EVN Genco 3 sẽ có vốn điều lệ 20.809 tỷ đồng, trong đó EVN nắm giữ 51%, nhà đầu tư chiến lược nắm 36%, cổ phần người lao động chiếm 0,16%.
Ngày 21/3, hơn 7,1 triệu cổ phần trúng đấu giá của EVN Genco3 đã chính thức niêm yết trên UPCoM với mã chứng khoán PGV, giá khởi điểm cho ngày giao dịch đầu tiên là 24.800 đồng/cp.
Theo lộ trình cổ phần hóa, sau khi chào bán công khai cổ phần của EVN Genco 3, EVN tiếp tục cổ phần hóa hai tổng công ty phát điện còn lại là EVN Genco 1 và EVN Genco 2.
Trước thềm cổ phần hóa, EVN Genco 1 và EVN Genco 2 đã công bố BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2017, với lợi nhuận tăng vọt. Theo đó, năm 2017, EVN Genco 1 đạt lợi nhuận trước thuế 955 tỷ đồng, gấp gần ba lần năm 2016, còn EVN Genco 2 lãi 3.031 tỷ đồng, gấp tới 6 lần năm 2016.
EVN Genco 2 chính thức đi vào hoạt động kể từ năm 2018, với 8 đơn vị hạch toán phụ thuộc, một công ty con nắm giữ 100% vốn điều lệ, 5 công ty liên kết nắm giữ 50% vốn điều lệ.
Hiện, EVN Genco 2 đang quản lý 8 dự án phát điện, bao gồm nhiệt điện Ô Môn 1, Ô Môn 2, Ô Môn 3, Ô Môn 4; thủy điện Sông Bung 2 và Sông Bung 4, thủy điện Trung Sơn và thủy điện Thác Mơ (mở rộng).
Theo phương án sắp xếp và tái cơ cấu các doanh nghiệp trực thuộc, ngoài Thủy điện Trung Sơn đang nắm 100% vốn, Genco2 cũng nắm cổ phần chi phối từ 51% trở lên tại 5 công ty điện khác.
Dù được ví như những “ông lớn” của ngành điện nhưng EVN Genco1 và EVN Genco2 cũng như nhiều doanh nghiệp khác triển khai cổ phần hoá đang gặp một số khó khăn do thay đổi các quy định liên quan đến cổ phần hoá và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Nghị định 126/2017/NĐ – CP, Thông tư 41/2018/TT – BTC, Nghị định 32/2018/ NĐ – CP…
Việc làm sao để cổ phiếu ngành điện hấp dẫn các nhà đầu tư lớn vẫn còn là một “ẩn số” |
Nên khó gả chồng
Sau phiên IPO không thành công của EVN Genco3, đã có nhiều lo ngại về các phiên IPO của EVN Genco1 và EVN Genco2 cũng sẽ “nối gót” những khó khăn.
Thật vậy, ngày 6/6 vừa qua, đã có văn bản đề xuất EVN xem xét báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt thời điểm chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) là vào tháng 12/2020.
Trong khi theo kế hoạch trước đó, EVN Genco1 sẽ hoàn thiện các bước để Bộ Công Thương công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng 6/2018.
Việc bán tiếp 36% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của EVN Genco3 cũng được cho là khó thực hiện, do thời gian để chốt nhà đầu tư chiến lược sau IPO chỉ được phép một tháng.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, quy mô của EVN Genco3 là rất lớn và giá cũng không rẻ, thời gian dành cho nhà đầu tư chiến lược là quá ngắn khiến họ khó thực hiện các thủ tục pháp lý.
Theo chia sẻ của giám đốc một quỹ nước ngoài, sau khi ký cam kết bảo mật thông tin với doanh nghiệp, nhà đầu tư phải thực hiện đánh giá doanh nghiệp, bởi trên thực tế, giá điện của Việt Nam không quá hấp dẫn.
Bên cạnh đó, tại các dự án thường xảy ra tình trạng đội vốn, khiến nhà đầu tư phải tính toán cẩn thận, đòi hỏi cần có nhiều thời gian, có thể hàng năm trước khi đưa ra quyết định.
EVN cũng cho biết, chính các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư dự án điện BOT cũng không mấy mặn mà với việc tham gia mua cổ phần của một công ty mẹ lớn như các EVN Genco.
Hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều “ngại ngần” về mức độ minh bạch của các vấn đề quản trị, kế toán của doanh nghiệp Việt Nam. Thực tế, việc chậm trễ trong lộ trình cổ phần hóa của EVN Genco1 khiến cho giới đầu tư đặt nhiều nghi vấn về tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Được biết, tính đến ngày 31/12/2017, tổng nợ vay của EVN Genco1 đạt gần 94.124 tỷ đồng, bằng quy mô của một ngân hàng cỡ nhỏ. Nguyên nhân vay nợ tăng mạnh do tăng khoản vay 15.838 tỷ đồng từ việc nhận bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 từ EVN.
Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của EVN Genco 1 tính đến thời điểm cuối năm 2017 đã lên tới 4,6 lần, tỷ lệ nợ vay trên tổng tài sản đạt 75%, chi phí tài chính ghi nhận 4.544 tỷ đồng.
Mặc dù có tình hình kinh doanh khả quan hơn hai “người anh” nhưng khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá luôn là mối e ngại đối với EVN Genco2, đây là rủi ro bất khả kháng và nằm ngoài dự tính của doanh nghiệp.
Với tình trạng “cao không tới, thấp không thông” như hiện tại, việc làm sao để cổ phiếu ngành điện hấp dẫn các nhà đầu tư lớn vẫn còn là một “ẩn số”.
Được biết, cổ phiếu PGV liên tục giảm sau khi lên sàn, chốt phiên giao dịch ngày 15/8 ở mức giá 13.500 đồng/cp, giảm đến 45,1% so với giá chào sàn.
Linh Đan