Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu sáng 24/10
Sáng 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.
Liên quan đến bội chi ngân sách và nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Năm 2017, Quốc hội quyết dự toán bội chi ngân sách 178.300 tỷ bằng 3,5% GDP kế hoạch. Trong đó huy động trái phiếu Chính phủ 50.000 tỷ đồng, vay ODA 60.000 tỷ đồng, đây là điểm mới khi tính thêm Trái phiếu Chính phủ (TPCP) vào bội chi (trước năm 2016 TPCP không nằm trong bội chi). Theo Bộ trưởng, việc đưa TPCP và ODA vào bội chi giúp quản lý tập trung hơn, tốt hơn.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: Đến thời điểm này có thể tự tin báo cáo năm 2017, lần đầu tiên trong 10 năm trở lại đây chúng ta quản lý được bội chi ngân sách cả ở con số tuyệt đối và tương đối. Về con số tuyệt đối không vượt 178.300 tỷ đồng; về số tương đối không vượt 3,5% GDP. Điều này cho thấy kỷ luật, kỷ cương từ Quốc hội, từ Chính phủ trong quản lý, điều hành rất kiên quyết...
Đối với vấn đề nợ công, “Thời điểm này chúng tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều so với 2-3 năm trước, bởi dù quy mô tăng nhưng áp lực giảm, vì theo báo cáo đến cuối năm nay nợ công, nợ Chính phủ vẫn trong giới hạn, nợ công khoảng 62,6% GDP không quá trần 65%, cơ cấu chuyển biến rất tích cực, nợ Chính phủ tích cực”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.
Phân tích kỹ hơn, Bộ trưởng cho hay, năm 2011, nợ nước ngoài trong nợ Chính phủ là 60%, nợ trong nước 39%, nhưng thời điểm này 2 con số này đảo ngược (nước ngoài 39%, trong nước 60%), việc cơ cấu lại nợ công đang đi đúng hướng là giảm nợ nước ngoài tăng nợ trong nước. Xu thế của các nước là tăng tỉ lệ nợ trong nước như Nhật Bản nợ công 200% và toàn bộ là nợ trong nước,
Mặt khác kỳ hạn phát hành TPCP tăng từ mức bình quân 1,84 năm (năm 2011); lên 8,7 năm vào cuối năm 2016. Từ đầu năm 2017 đến nay không có khoản nào phát hành dưới kỳ hạn 5 năm, có nhiều khoản phát hành với kỳ hạn 30 năm và tính bình quân năm 2017 kỳ hạn TPCP bình quân 14,1 năm nên áp lực trả nợ giảm. Song song với đó lãi suất phát hành TPCP tiếp tục có xu hướng giảm từ 12,1% (năm 2011) xuống 6,28% (năm 2016) và năm 2017 còn 6% đến 6,1%.
Như vậy, kỳ hạn kéo dài 3-4 lần; lãi suất giảm 1 nửa giúp nghĩa vụ trả nợ giảm và vậy hướng cơ cấu lại nợ công rất quan trọng.
Cũng theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, cơ sở nhà đầu tư trái phiếu đang có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện toàn bộ các khoản vay của Bảo hiểm xã hội Việt Nam từ trước đến nay (364.000 tỷ đồng) đã được chuyển thành trái phiếu (trước vay bằng hợp đồng) và trái phiếu có kỳ hạn 5 năm trở lên.
Về cơ cấu tham gia TPCP, cuối 2016 hệ thống ngân hàng thương mại chiếm 78% nay còn 54. Hiện Bộ Tài chính đang huy động Bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia đấu thầu TPCP để có thêm nhà đầu tư làm đối trọng, qua đó giúp giảm lãi suất huy động và đang thực hiện tốt.
Như vậy, các nhà đầu tư TPCP đang được mở rộng với sự tham gia của ngân hàng thương mại, Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các công ty bảo hiểm; quỹ đầu tư... việc thêm nhiều nhà đầu tư, đang đi đúng thông lệ, tạo sự cạnh tranh, giảm lãi suất, phát triển thị trường tài chính trong đó có thị trường trái phiếu...
Công Trí