Cooperatives | Thứ hai, 7/11/2022 | 12:47 GMT+7
0 |

Xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS tại tỉnh Sơn La với kinh tế hợp tác

Sơn La là tỉnh miền núi nằm ở vùng Tây Bắc Bộ của Việt Nam. Với nhiều khó khăn về điều kiện địa lý, giao thông và trình độ dân trí chưa cao do có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), vì vậy tỷ lệ nghèo đói tại Sơn La vẫn là vấn đề rất đáng quan tâm, cần có các giải pháp thích hợp và đồng bộ để giải quyết.

Trong đó, khu vực kinh tế tập thể (KTTT), HTX được xác định có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại tỉnh Sơn La, đặc biệt là ở vùng DTTS. Và thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) hoạt động có hiệu quả đã từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như hộ dân liên kết. Bà con các dân tộc dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.

Những năm gần đây, tỉnh Sơn La nhận được sự quan tâm của Trung ương, sự giúp đỡ của các Bộ, Vụ, Viện đầu ngành, sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, giám sát các cấp, các ngành đặc biệt là công tác dân tộc và các chính sách dân tộc thực hiện trong tỉnh đầu tư hỗ trợ đồng bào DTTS đã được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả cao.

Tỉnh Sơn La đã cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, xây dựng các chính sách đặc thù của địa phương nhằm phát triển KT-XH vùng dân tộc, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo trên địa bàn, trong đó ưu tiên trọng tâm cho vùng DTTS. Tình hình KT-XH của tỉnh có bước phát triển bền vững và đã đạt được những kết quả quan trọng, có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy được hiệu quả trong việc thực hiện các chính sách dân tộc tại địa phương, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS, miền núi; đời sống của đồng bào DTTS ngày một nâng lên.

Việc thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo bền vững đã có những tác động tích cực đối với sự phát triển KT-XH của tỉnh. Đến cuối năm 2020, tỉnh Sơn La đã có 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 huyện thoát nghèo (Phù Yên, Quỳnh Nhai); có 35 xã, 91 bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 18,38%, bình quân giảm trên 3%/năm, đạt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Trong những năm gần đây, vận dụng nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp tại tỉnh Sơn La đã có nhiều chính sách hỗ trợ bà con các dân tộc phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về điều tra hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đầu năm 2016 là 34,44% (92.774 hộ); đến cuối năm 2020 giảm còn 18,38% (53.387 hộ). Hiện, tỉnh có 4 huyện nghèo với tỷ lệ hộ nghèo bình quân là 23,4%.

Tiếp đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TU ngày 21/12/2021 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025…

Về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 của tỉnh Sơn La: Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, tổng tỷ lệ nghèo đa chiều là 31,91% (tương ứng 93.567 hộ), trong đó tỷ lệ hộ nghèo đa chiều là 21,66% (tương ứng 63.509 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo đa chiều là 10,25% (tương ứng 30.058 hộ). Đối với khu vực trung du và miền núi phía Bắc, tỉnh Sơn La có tỷ lệ nghèo đa chiều cao thứ 7/14 tỉnh trong khu vực; tỷ lệ hộ nghèo DTTS trong tổng số hộ nghèo đa chiều là 98,58% (tương ứng 62.605 hộ).

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “tiếp tục đẩy mạnh xâỵ dựng NTM, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

Một số chỉ tiêu cụ thể về kinh tế như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5%/năm; GRDP bình quân đến năm 2025 đạt 60 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân 3%/năm (riêng các huyện nghèo giảm 4-5%/năm); đến năm 2025, có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; Đến hết năm 2025, số xã đạt chuẩn NTM là 83 xã và 1 huyện đạt chuẩn NTM; trong đó, có 4 xã biên giới đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có 3-5 xã đạt NTM kiểu mẫu…

Đối với người nghèo, tỉnh sẽ đổi mới phương thức hỗ trợ riêng lẻ từng hộ sang hỗ trợ thông qua các mô hình tổ chức sản xuất (doanh nghiệp, HTX, THT, nhóm hộ gia đình); hộ gia đình tham gia đóng góp bằng ngày công lao động, hiện vật hoặc tiền; từng bước xoá bỏ chính sách cho không; khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, vươn lên thoát nghèo. Chú trọng đào tạo kỹ năng nghề, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho người dân, chuyển dịch lao động phù hợp với nhu cầu thị trường lao động.

Tỉnh Sơn La sở hữu nhiều nông, lâm sản phẩm đặc sắc và có giá trị cao, thương mại biên giới đang phát triển… tạo điều kiện thuận lợi và phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất theo mô hình KTTT, HTX.

Khu vực KTTT, HTX được xác định có vị trí, vai trò quan trọng trong công tác xóa đói, giảm nghèo tại tỉnh Sơn La, đặc biệt là ở vùng DTTS. Và thực tế thời gian qua cũng cho thấy, nhiều mô hình HTX, THT hoạt động có hiệu quả đã từng bước nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như hộ dân liên kết. Bà con các dân tộc dần thay đổi tư duy, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp sang liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn hơn, nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.

Theo đó, KTTT, HTX của tỉnh phát triển cả về số lượng, quy mô và chất lượng. Trung bình, trên địa bàn tỉnh mỗi năm thành lập 94 HTX, cao hơn 2,7 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Đã có những HTX chủ động đầu tư theo chiều sâu, sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, liên kết với siêu thị, doanh nghiệp để tiêu thụ nông sản ở trong nước và xuất khẩu.

Thống kê của Liên minh HTX tỉnh Sơn La, tính đến đầu tháng 12/2021, toàn tỉnh Sơn La có 200 THT, 759 HTX và 6 liên hiệp HTX, với trên 32.500 thành viên tham gia, tổng vốn điều lệ trên 3.700 tỷ đồng. Doanh thu bình quân đạt 2 tỷ đồng/HTX; lãi bình quân đạt 200 triệu đồng/năm/HTX; thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt 4 triệu đồng/tháng...

Trong nông nghiệp, sự phát triển của các mô hình HTX đã khắc phục được những tồn tại như: sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, quản lý chất lượng nông sản. Các HTX đã triển khai nhiều dịch vụ hỗ trợ như: tạo điều kiện cho những thành viên nghèo ứng trước giống, phân bón, tiêu thụ sản phẩm; trang bị thông tin nông lịch gieo cấy, vay vốn sản xuất,... đến vụ thu hoạch sẽ trả cho HTX. Nhờ vậy, các thành viên luôn đảm bảo mùa vụ, có việc làm ổn định và tăng thêm thu nhập, từ đó góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo tại một số địa phương.

Điều được nhất trong KTTT, HTX chính là người nông dân biết hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường, sản xuất theo kế hoạch, theo vùng quy hoạch, đặc sản, lợi thế vùng miền. Vì vậy, tỉnh Sơn La ngoài tiếp tục phát triển các mô hình HTX nông nghiệp cũng sẽ phát triển các HTX dịch vụ, vận tải và một số dịch vụ khác để hỗ trợ cho các HTX sản xuất phát triển.

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tích cực như tập trung tuyên truyền người dân nâng cao việc sản xuất nông sản số lượng lớn theo chuỗi giá trị, chất lượng cao; vận động, hướng dẫn các HTX áp dụng tiến bộ khoa học và xây dựng thương hiệu sản phẩm chủ lực cho tỉnh. Liên minh HTX tỉnh tiếp tục tổ chức tập huấn nguồn nhân lực cho các HTX, gắn với tham quan học tập kinh nghiệm và kết nối các doanh nghiệp, nhà máy để tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Qua đó, nâng cao thu nhập cho các thành viên, cũng như khẳng định vị thế của kinh tế HTX trong nền kinh tế của tỉnh.

Đại hội VI Liên minh HTX tỉnh Sơn La xác định trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 cần có giải pháp đồng bộ để giúp cho thành viên ngày càng giàu có và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển KTXH của tỉnh, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay.

Để làm được điều này, Liên minh HTX tỉnh cần tập trung tăng cường kết nối HTX với doanh nghiệp và các cấp ngành nhằm giúp các thành viên giảm chi phí, tăng giá bán, từ đó góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, từng bước giúp người dân làm giàu.

Đồng thời, Sơn La cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình tham gia, thành lập và nhân rộng các mô hình HTX tiêu cùng, HTX công nghệ cao, HTX lâm nghiệp, du lịch… Cùng với đó là gắn phát triển kinh tế hợp tác, HTX với Chương trình xây dựng NTM, góp phần xóa đói giảm nghèo nhằm nâng cao vị trí, vai trò của HTX trong công cuộc phát triển KTXH của tỉnh nói chung và góp phần đưa thu nhập của thành viên tăng ít nhất 8%/năm.

Nhằm củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX, mang lại lợi ích thiết thực và liên kết chặt chẽ thành viên, Liên minh HTX tỉnh Sơn La cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể cho Liên minh HTX tỉnh Sơn La trong nhiệm kỳ mới: Phấn đấu mỗi năm thành lập mới từ 30 HTX trở lên, khuyến khích các HTX xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, hỗ trợ tích cực cho kinh tế hộ phát triển; thành lập mới 10 THT trở lên.

Toàn tỉnh có ít nhất từ 5 liên hiệp HTX trở lên hoạt động hiệu quả, gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa phát triển bền vững. Phấn đấu nâng doanh thu, thu nhập bình quân, lợi nhuận của HTX... hàng năm tăng từ 10 - 15% trở lên.

Có thể khẳng định, tại khu vực nông thôn miền núi ở Sơn La, các mô hình KTTT, HTX đã tạo ra nhiều công ăn việc làm, không chỉ là con số 32.500 thành viên như đã thống kê đến cuối năm 2021. Do có việc làm thu nhập ổn định, người dân cũng có điều kiện để chăm sóc con cái tốt hơn, hạn chế tình trạng bỏ học sớm ở trẻ em vùng dân tộc miền núi; đồng thời, góp phần hạn chế đáng kể tình trạng di dân ra thành phố, hạn chế tình trạng phá rừng đốt nương làm rẫy…

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Sơn La, từ năm 2016 đến đầu năm 2022, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh đã cho 53 hồ sơ HTX vay, với tổng số vốn khoảng trên 13,6 tỷ đồng. Các dự án vay vốn khi đi vào hoạt động đã giải quyết việc làm cho 634 lao động thành viên và lao động tăng thêm tại địa phương, với mức thu nhập ổn định.

Nhiều mô hình HTX ở vùng DTTS tỉnh Sơn La thời gian qua đã có bước phát triển nhanh, sản xuất kinh doanh có hiệu quả ngày càng cao, thu hút người dân là đồng bào các dân tộc trong vùng vào làm thành viên hoặc làm hộ dân liên kết. Thu nhập của các thành viên HTX và hộ dân liên kết cũng ngày càng được cải thiện. Theo tính toán, thu nhập bình quân của một thành viên HTX đạt khoảng 4 triệu đồng/tháng; các hộ dân liên kết mỗi năm thu nhập tới hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như HTX Hưng Thịnh (xã Mường Bú, huyện Mường La) được thành lập tháng 11/2014 với 7 thành viên, liên kết các hộ sản xuất để chủ động tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.

Năm 2017, HTX Hưng Thịnh cùng HTX nông nghiệp xanh 26-3 (TP.Sơn La), HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh (Mai Sơn); HTX nấm Thảo Nguyên (Mộc Châu)... đã liên kết lại, thành lập Liên hiệp HTX hàng nông sản an toàn Sơn La để tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để đưa nông sản địa phương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đảm bảo bao tiêu sản phẩm và nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Ông Lò Văn Tân (bản Ta Mo, xã Mường Bú), thành viên HTX Hưng Thịnh cho biết: Những ngày đầu tham gia, ông được HTX tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để cải tạo và trồng mới gần 3 ha cây ăn quả bằng giống xoài Đài Loan, nhãn chín muộn, bưởi da xanh, táo đại theo phương pháp ghép mắt.

Đặc biệt, từ khi HTX Hưng Thịnh trở thành thành viên của Liên hiệp HTX Sơn La, gia đình ông Tân cũng như nhiều hộ nông dân trong vùng không phải lo lắng xoay xở đầu ra, hay bị tư thương ép giá như trước.

Ông Tân còn được cán bộ chuyên môn của Liên hiệp HTX phối hợp với HTX xuống tận vườn “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cách trồng nhãn, xoài,… hiểu về quy trình chăm sóc an toàn, bón phân hữu cơ, cách thức thu hái, sơ chế để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng đưa ra thị trường.

Nhờ đó, đến nay, gia đình ông Tân đã có thu nhập bình quân từ 300 - 400 triệu đồng/năm từ cây cây nhãn, cây xoài và mới đây là cây bưởi.

Ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hưng Thịnh khẳng định: Nhờ liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, marketing trong mô hình Liên hiệp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX tăng lên rõ rệt, sản lượng quả tăng gấp 3-4 lần so với trước. Riêng vụ xoài năm 2020, HTX đã xuất khẩu 250 tấn xoài theo đường chính ngạch sang Trung Quốc và Anh, tăng 40% so với năm 2019.

Đến nay, HTX Hưng Thịnh có 20 thành viên sản xuất hơn 200 ha cây ăn quả, các sản phẩm nông nghiệp của HTX Hưng Thịnh đang được tiêu thụ tại các cửa hàng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn TP Sơn La và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, như: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội...

Cùng với đó, HTX còn mở rộng kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí, kinh doanh tổng hợp, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động địa phương, doanh thu năm 2020 đạt 12 tỷ đồng.

Trong xây dựng HTX nông nghiệp, vai trò của HTX và THT rất quan trọng để tạo ra những sản phẩm có giá trị đủ sức cạnh tranh trên thị trường và kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Tại Sơn La, các HTX đã tập hợp và làm thay đổi được tập quán, tư duy sản xuất của đồng bào DTTS để xây dựng một vùng trồng, chế biến nông sản sạch, bảo vệ môi trường và khơi dậy niềm tin về mô hình HTX kiểu mới đang dần hiện hữu.

Tham gia HTX, người dân được hướng dẫn, học hỏi những kỹ thuật mới, những kinh nghiệm hay về sản xuất theo hướng hàng hóa, an toàn, bền vững. Vì thế, không còn tư duy sản xuất nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, hoặc mạnh ai nấy làm; sản phẩm làm ra cũng có giá trị gia tăng cao hơn, chất lượng đồng đều hơn và số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu liên kết với doanh nghiệp thu mua, chế biến, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Điều này được chứng minh rõ nét trong lĩnh vực trồng cây ăn quả tại tỉnh Sơn La thời gian qua.

Trong 7 năm trở lại đây, Sơn La trở thành một điểm sáng, một "hiện tượng" trong nông nghiệp của cả nước, đặc biệt diện tích cây ăn quả năm 2016 mới có 22.000 ha đến nay đã đạt gần 80.000 ha, lớn nhất miền Bắc.

Hành trình đưa Sơn La đến với thành công trong nông nghiệp là sự chuyển đổi từ tư duy đến hành động của hệ thống chính trị và bà con các dân tộc trong tỉnh, trong đó việc thành lập và phát triển các HTX, liên hiệp HTX đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi tư duy sản xuất của bà con nông dân, đặc biệt đối với một tỉnh có khoảng 80% là đồng bào DTTS.

Điển hình như HTX Đại Phát, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn. HTX được thành lập vào tháng 3/2018, với 26 thành viên, canh tác trên 102 ha đất, sản xuất các loại cây ăn quả như: Nhãn, xoài, bưởi, na, chanh leo, rau củ. 

Những ngày đầu mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật tổ chức sản xuất, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư ban đầu.

Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, HTX Đại Phát đã nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, vay 300 triệu đồng, để đầu tư giống cây ăn quả, phân bón.

Ông Lò Văn Hưởng, Giám đốc HTX Đại Phát thông tin: Vào năm 2019, HTX đã được Liên minh HTX tỉnh cho vay 300 triệu đồng để HTX mua phân bón, con giống đầu tư sản xuất, từ đó có nguồn vốn để tái sản xuất.

Hoạt động ngày càng hiệu quả, HTX đã thu hút ngày càng đông người dân trong khu vực tham gia HTX, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Ông Lò Văn Xuân, bản Nhạp, xã Cò Nòi cho biết: Từ khi vào làm thành viên HTX, kinh tế gia đình hơn hẳn so với trước kia. Theo đó, các vườn cây, vườn rau làm theo kỹ thuật nên năng suất cao hơn trước, trước đây làm ồ ạt, không theo kỹ thuật nên năng suất rất kém.

Cụ thể, sau khi tham gia làm thành viên HTX Đại Phát, ông Xuân đã được các thành viên, Ban quản trị HTX, cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo hình thức cầm tay chỉ việc. Đến nay, ông Xuân có thể tự tin làm được, đồng thời điều kiện kinh tế gia đình ông cũng khá giả hơn hẳn từ khi tham gia HTX.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh Sơn La duy trì hoạt động hiệu quả của 62 HTX, 42 THT do thanh niên làm lãnh đạo. Các mô hình KTTT, HTX này đa số đều làm ăn ngày càng hiệu quả, thu hút đoàn viên thanh niên địa phương tham gia làm thành viên hoặc liên kết sản xuất kinh doanh, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, từ đó đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo.

Tại huyện Mai Sơn, anh Lò Văn Duyên (xã Hát Lót) là một điển hình về thanh niên khởi nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Theo đó, năm 2016, anh Duyên đứng ra vận động thành lập HTX Cao Nguyên chuyên sản xuất rau, củ và trồng cây ăn quả. Sau hơn 5 năm hoạt động, HTX đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương và góp phần thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất nông nghiệp sạch.

Khi mới thành lập, HTX có 7 thành viên là các thanh niên ở xã. Từ 10 ha đất trồng ngô, sắn, HTX chuyển sang trồng xoài, bưởi, nhãn và xen canh các loại rau: Bí đỏ, bí đao, bắp cải, đậu cove, cà chua... theo quy trình VietGAP. Năm đầu sản xuất, HTX đã thu hoạch hơn 100 tấn bí đao, 70 tấn bắp cải, 40 tấn bí đỏ và trên 30 tấn rau, quả khác; tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương.

HTX đã ký kết hợp đồng với 3 công ty thu mua nông sản ở Sơn La, Hà Nội, Bắc Ninh. Đến nay, HTX đã tăng lên 13 thành viên, trồng 52 ha cây ăn quả xen canh rau màu, trong đó có 20 ha đã cho sản phẩm; đăng ký chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho hơn 10 ha rau màu và cây ăn quả. Bên cạnh đó, để bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, năm 2019, HTX đã đầu tư trên 700 triệu đồng xây dựng kho lạnh rộng 200 m², sức chứa tối đa trên 50 tấn nông sản. Năm 2021, HTX đã thu 30 tấn nhãn, 10 tấn bưởi, 60 tấn xoài, 80 tấn bí đỏ, 40 tấn bí xanh; tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.

Long Nguyễn

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu