Ứng dụng công nghệ cao trong khu vực HTX phi nông nghiệp vùng ĐBDTTS ở Đồng bằng sông Hồng
Đồng bằng sông Hồng với các tỉnh, thành phố trọng điểm về kinh tế là một trong những điểm sáng về triển khai công nghệ cao trong sản xuất trên cả nước. Đặc biệt, khu vực HTX phi nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang có những đóng góp ngày càng tích cực.
Đồng bằng sông Hồng là một vùng rộng lớn nằm quanh lưu vực sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Các tỉnh đồng bằng sông Hồng bao gồm Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ninh.
Mặc dù chỉ chiếm 7% diện tích, nhưng dân số Đồng bằng sông Hồng chiếm 22,7% tổng dân số Việt Nam. Đa số họ là người Kinh. Còn lại là người Mường, Tày, Nùng, Hoa,…
Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu tạp chí Kinh Doanh (cơ quan của Liên minh HTX Việt Nam), về thực trạng và nhu cầu, khả năng tiếp cận cộng nghệ nói chung của các HTX phi nông nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại khu vực Đồng bằng sông Hồng đang có những chuyển biến tích cực. Các kết quả cho thấy Đồng bằng sông Hồng là một trong những vùng miền có tỷ lệ HTX phi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cao nhất cả nước.
Cụ thể, cuộc khảo sát (theo phương thức điều tra xã hội học) của nhóm nghiên cứu Tạp chí Kinh doanh được thực hiện tại 55 HTX phi nông nghiệp có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số, phân bố đều tại 11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng (bình quân mỗi tỉnh, thành từ 4-6 HTX). Trong đó, có 40% là các HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (ngành nghề chính là đan lát, mộc mỹ nghệ, thêu ren, dệt, gốm,…), 10% là các HTX thương mại, 20% là các HTX vận tải, 15% là các HTX xây dựng, 15% là các HTX thuộc các lĩnh vực khác như môi trường, nhà ở, y tế, trường học...
Kết quả cho thấy, đang có khoảng hơn 90% HTX phi nông nghiệp (tương đương 50 đơn vị) đang ứng dụng một phần công nghệ cao vào sản xuất; gần 10% HTX còn lại (tương đương 5 đơn vị) sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao và ứng công nghệ cao, chuyển đổi số, đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng hiện đại. Không có HTX phi nông nghiệp nào chưa từng tiếp cận và chưa sẵn sàng đổi mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Các HTX chưa ứng dụng chuyển đổi số là do những hạn chế về thông tin, năng lực tài chính, trình độ nhân lực, đất đai, điều kiện vật chất, cùng nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác.
Đáng chú ý, trong số các HTX phi nông nghiệp có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số được khảo sát, 100% HTX trong lĩnh vực tín dụng đã áp dụng chuyển đổi số, ít nhất là trong việc ứng dụng các phần mềm kế toán, lưu trữ thông tin, hồ sơ, dịch vụ thanh toán, tiếp xúc trao đổi thông tin giữa khách hàng và HTX qua kênh internet…
Tiếp theo là nhóm HTX vận tải và xây dựng có tỷ lệ ứng dụng công nghệ cao với khoảng 96% đơn vị đã ứng dụng các loại máy móc, thiết bị điện tử vào quá trình sản xuất, kinh doanh.
Đơn cử, trong các HTX giao thông vận tải đang xây dựng các nền tảng phát triển thu phí, giao thông thông minh, quản lý phương tiện giao thông, kiểm soát nhận dạng phương tiện, giám sát hành trình… Đặc biệt, việc áp dụng hóa đơn điện tử giúp HTX và khách hàng thực hiện dịch vụ thuận tiện trong việc lưu trữ tư liệu, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Về năng lực đội ngũ cán bộ quản lý HTX phi nông nghiệp có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số trong ứng công nghệ cao, chuyển đổi số. Dù đã có những chuyển biến lớn, tuy nhiên, xét trên mặt bằng chung, tỷ lệ cán bộ quản lý đã qua đào tạo bậc cao đẳng, đại học trong các HTX phi nông nghiệp có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số còn khá thấp, chỉ chiếm 25-33% tùy theo lĩnh vực và địa phương. Đa số cán bộ quản lý HTX mới chỉ được đào tạo qua sơ cấp và trung cấp hoặc học tại các trường nghề.
Về mức độ sẵn sàng trong ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số trong quá trình sản xuất, kinh doanh của đội ngũ cán bộ tại các HTX phi nông nghiệp, trong một cuộc khảo sát theo phương pháp điều tra xã hội học của nhóm nghiên cứu Tạp chí Kinh Doanh cho thấy tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung cả nước.
Cụ thể, khảo sát của nhóm nghiên cứu Tạp chí Kinh Doanh được thực hiện trên số lượng 50 HTX phi nông nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải, tín dụng, mộc mỹ nghệ, tiểu thủ công nghiệp, tại 11 tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Hồng.
Kết quả, có trên 93% số HTX có sử dụng máy tính để bàn để phục vụ công tác kế toán, gửi nhận thư điện tử, tìm kiếm tin tức về thị trường, mẫu mã, bao bì sản phẩm. Trong số HTX đang sử dụng máy tính để bàn, có khoảng 50% HTX tận dụng tốt thị trường thương mại điện tử, có website để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm cho người tiêu dùng.
Đáng chú ý, có một điểm sáng là các cán bộ quản lý tại các HTX phi nông nghiệp, trong đó có nhiều cán bộ là người dân tộc thiểu số, đang rất tích cực sử dụng các mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok… được cài đặt trên điện thoại di động để quảng bá sản phẩm. Khảo sát cho thấy tỷ đang có gần 90% các HTX đang sử dụng phương thức này, lý do là bởi tính tiện lợi, khả năng phủ sóng cao, nhanh gọn, chi phí thấp và dễ thực hiện.
Về năng lực ứng dụng công nghệ cao của lao động dân tộc thiểu số tại các HTX phi nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng. Nhìn chung chất lượng nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số còn hạn chế. Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực quản trị HTX còn thiếu số lượng và yếu về chất lượng. Lao động trong các HTX vùng dân tộc thiểu số về cơ bản vẫn là lao động phổ thông, tỷ lệ qua đào tạo mới khoảng trên dưới 35%. Dù còn nhiều khó khăn nhưng so với mặt bằng chung cả nước, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng vẫn là điểm sáng trong đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lao động khu vực HTX, đặc biệt là tại các HTX phi nông nghiệp. Đội ngũ lao động là người dân tộc thiểu số cũng đang được quan tâm rất tốt.
Trong cuộc thăm dò từ hơn 20 HTX phi nông nghiệp có thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Hà Nội, được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của Tạp chí Kinh Doanh, đang có khoảng 35% lao động được đào tạo nghề chuyên nghiệp, còn lại được đào tạo sơ cấp qua các khóa học ngắn ngày, hoặc phương pháp “cầm tay chỉ việc”, truyền miệng tại địa phương.
Con số trên phản ánh chất lượng và hiệu quả việc làm của lao động dân tộc thiểu số tại các HTX, đặc biệt là khả năng tiếp nhận, ứng dụng công nghệ cao vào quá trình sản xuất còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thực tế, nhưng cũng có những chuyển biến tích cực so với mặt bằng chung.
Có một điều đáng chú ý là lao động dân tộc thiểu số được đào tạo trong HTX thường bắt đầu làm việc sớm hơn so với lao động dân tộc thiểu số ít được đào tạo. Ở độ tuổi cao (trên 55), chất lượng lao động dân tộc thiểu số bắt đầu giảm sút rõ rệt, nhất là về thể trạng, sức khỏe, trong khi loại hình lao động chủ yếu là lao động phổ thông.
Hiến Nguyễn