Cooperatives | Thứ ba, 22/11/2022 | 07:23 GMT+7
0 |

Tư tưởng tôn giáo trong chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo mô hình HTX ở vùng dân tộc thiểu số

Trên thực tế ở nước ta, nhiều giáo xứ, họ đạo trở thành những tấm gương sáng về hoạt động sản xuất,kinh doanh lành mạnh, bền vững. Thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX, đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo đã hợp tác với nhau để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường, từ đó nhân lên giá trị gấp nhiều lần cho sản phẩm.

Việt Nam là đất nước đa tín ngưỡng, tôn giáo, một số nhà nghiên cứu ví Việt Nam như “bảo tàng tín ngưỡng, tôn giáo thế giới”. Mỗi người Việt Nam thường có tín ngưỡng (thờ cúng tổ tiên) nhưng vẫn có thể theo tôn giáo, không phân biệt rạch ròi giữa tín ngưỡng và tôn giáo trong cùng một con người, điều mà hầu như không thấy ở phương Tây.

Vì vậy, việc đẩy mạnh kết nối tôn giáo, truyền bá tư tưởng tốt đời đẹp đạo có ý nghĩa rất lớn trong việc phát triển, nhân rộng liên kết sản xuất nông nghiệp theo mô hình kinh tế tập thể, HTX ở đồng bào dân tộc thiểu số. Một khi đồng bào dân tộc thiểu số có đức tin vững chắc, hướng về những việc tốt đẹp thì sẽ sẵn sàng hợp tác, bắt tay với nhau trong liên kết sản xuất, cùng nhau làm giàu, xây dựng quê hương.

Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo (trong hàng nghìn tín ngưỡng thì tín ngưỡng phổ biến là thờ cúng ông bà tổ tiên và tín ngưỡng thờ Mẫu).

Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, tính đến tháng 12/2021, Nhà nước đã công nhận và cấp đăng ký hoạt động cho 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm trên 27% dân số cả nước). Trong đó, có trên 54.000 chức sắc, 135.500 chức việc, hơn 29.600 cơ sở thờ tự tôn giáo và khoảng trên 50.000 cơ sở tín ngưỡng (Nguồn Ban Tôn giáo Chính phủ).

Số lượng tín đồ theo các tôn giáo hiện nay gồm: Phật giáo: 15,1 triệu; Công giáo: 7,1 triệu; Cao đài: 1,1 triệu; Tin lành: 1 triệu; Hồi giáo: 80.000 người; Phật giáo Hòa hảo: 1,3 triệu, còn lại là các tôn giáo khác (Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Tứ ân Hiếu nghĩa, Bà La môn, Bửu Sơn Kỳ Hương, Minh sư đạo, Minh lý đạo…).

Phật giáo có tỷ lệ tín đồ theo nhiều nhất.

Với chính sách tôn giáo đúng đắn, tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của mọi người, số lượng chức sắc, chức việc, cơ sở thờ tự ngày càng gia tăng; quy mô hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo lớn. Chính quyền các cấp đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các hoạt động tôn giáo có đông người dân và du khách nước ngoài tham dự...

Chẳng hạn như ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nơi có đa số người H'Mông theo đạo Tin lành, chỉ trong 4 năm trở lại đây, đã có 70 điểm nhóm Tin lành được cấp đăng ký sinh hoạt.

Sinh hoạt tôn giáo được tạo điều kiện, bà con có cơ sở để tập trung. Trước đây, khi chưa đăng ký thì giáo dân chủ yếu sinh hoạt tại gia. Đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đạo Tin lành có giáo lý, giáo luật, hiến chương nên được Nhà nước cấp phép sinh hoạt, được tự do truyền đạo cho giáo dân.

Cứ vào mỗi buổi Chủ nhật sinh hoạt định kỳ, tại căn nhà gỗ khang trang rộng rãi, bà con cùng nhau trao đổi cách làm ăn kinh tế như trồng cây ăn quả, nuôi trâu bò và cả những biện pháp giữ gìn vệ sinh giữa tình hình dịch bệnh COVID-19. Cùng nhau vui vẻ hát Thánh ca, nghe giảng về lòng kính Chúa, yêu nước, yêu thương con người, tuân thủ pháp luật…

Hay tính đến năm 2020, khu vực Tây Nguyên có khoảng 580.000 tín đồ đạo Tin lành thuộc 33 tổ chức, hệ phái, nhóm Tin lành đang sinh hoạt tại 311 chi hội, 183 nhà thờ, hơn 1.700 điểm nhóm được chính quyền địa phương cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung. Tại khu vực miền núi phía Bắc có khoảng 250.000 tín đồ đạo Tin lành đang sinh hoạt tại 14 chi hội và hơn 1.600 điểm nhóm, trong đó chính quyền địa phương đã cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho gần 800 điểm nhóm.

Đặc biệt, Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016. Luật đã tác động tích cực đến đời sống tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam tạo hành lang pháp lý vững chắc để bảo đảm thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Việc sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của bà con cũng rất thuận lợi.

Đáng chú ý, trong hai năm 2020 và 2021, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu và tại Việt Nam, các tổ chức tôn giáo đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao với đất nước, với nhân dân bằng những nghĩa cử cao đẹp, với nhiều đóng góp to lớn về con người, vật chất và tinh thần, góp phần cùng chính quyền và nhân dân cả nước sớm kiểm soát tình hình dịch bệnh và ổn định lao động, sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Chức sắc, chức việc, đồng bào các tôn giáo ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho Quỹ vaccine, hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ phòng, chống COVID-19 ở Trung ương và địa phương; cử trên 3.000 tình nguyện viên tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch; tặng 24 xe cứu thương, nhiều trang thiết bị, vật tư y tế cho các vùng dịch và triển khai hàng nghìn tỷ đồng cho các hoạt động từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội; những mô hình "Siêu thị 0 đồng", "Gian hàng 0 đồng", "ATM gạo", "Bếp yêu thương"… cùng hàng triệu suất ăn miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân có hoàn cảnh khó khăn đã lan tỏa tình yêu thương và tiếp thêm sức mạnh để đất nước vượt qua đại dịch.

Theo Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có 28.237 HTX, trong đó 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp (2.255 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 2.293 HTX thương mại – dịch vụ, 1.582 HTX vận tải, 905 HTX xây dựng, 542 HTX môi trường, 1.181 Quỹ tín dụng nhân dân và 694 HTX khác.

Tính đến 30/6/2022, cả nước có 130.760 tổ hợp tác; trong đó 79.381 tổ hợp tác nông nghiệp (chiếm 60,7%) và 51.379 tổ hợp tác phi nông nghiệp (chiếm 39,3%); các vùng có tổ hợp tác chiếm tỷ trọng lớn như Bắc Trung Bộ - 22.824 tổ hợp tác, Đông Bắc - 21.150 tổ hợp tác, Đồng bằng sông Cửu Long - 19.194 tổ hợp tác.

Hợp tác xã và tổ hợp tác nông nghiệp chiếm tỷ lệ đa số.

Về liên hiệp hợp tác xã, cả nước có 120 Liên hiệp HTX; vùng có nhiều Liên hiệp HTX như Đồng bằng sông Hồng - 33 Liên hiệp HTX, Đông Bắc - 18 Liên hiệp HTX, Tây Nguyên - 16 liên hiệp HTX.

Đáng chú ý, số lượng HTX của đồng bào dân tộc thiểu số có tôn giáo chiếm khoảng 20% (trong đó, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm 16%, HTX phi nông nghiệp chiếm 4%). Các HTX hoạt động ở mọi miền đất nước, trong đó tập trung hơn ở các khu vực miền núi Phía Bắc, Đồng bằng Sông Hồng, Tây Nguyên, Tây Nam, Đông Nam Bộ. Các HTX của đồng bào có tôn giáo hoạt động ở đa lĩnh vực như nông nghiệp, phi nông nghiệp...

Đặc biệt, số lượng HTX, Liên hiệp HTX, Tổ hợp tác thành lập mới và hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên tăng khá ở đồng bào dân tộc thiểu số có theo đạo, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và địa bàn miền núi cho thấy mô hình kinh tế tập thể phù hợp với nhu cầu tổ chức sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo, liên kết chuỗi giá trị với doanh nghiệp.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX, Liên hiệp HTX, tổ hợp tác ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo ngày càng phát triển. Các HTX nông nghiệp đẩy mạnh sản xuất, liên kết chuỗi giá trị để tăng sản lượng, năng suất, giảm chi phí đầu vào, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm OCOP, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. HTX vận tải và cung ứng dịch vụ phục hồi khá nhanh do nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước tăng; Quỹ tín dụng nhân dân phát triển thành viên mới, tăng dư nợ và hiệu quả cho vay.

Đặc biệt, nhiều HTX, Liên HTX, tổ hợp tác của đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ cao trong canh tác và chế biến, ứng dụng kỹ thuật số để truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu, đa dạng hoá sản phẩm và kênh tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu (Facebook, Zalo, Fanpage, Group, Shopee, Sendo, Tiki, Ladaza, Voso, Postmart,...); liên kết chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa các HTX, THT, giữa doanh nghiệp với HTX, THT tiếp tục phát triển; xuất hiện nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như công nghệ sản xuất lúa gạo "không dấu chân"...

Trên thực tế ở nước ta, nhiều giáo xứ, họ đạo trở thành những tấm gương sáng về hoạt động sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bền vững thông qua mô hình kinh tế tập thể, HTX. Như giáo xứ Ka Đơn (Đơn Dương, Lâm Đồng), thể hiện rất rõ trách nhiệm với cộng đồng, mong muốn xây dựng khu dân cư đáng sống, đã mạnh dạn đi đầu trong xây dựng mô hình “rau sạch hữu cơ”, được nhân rộng ra cộng đồng, góp phần nâng cao ý thức cho người dân về việc sản xuất ra sản phẩm rau, củ, quả sạch, an toàn. Trong đó có những HTX điển hình như HTX rau an toàn xã Ka Đơn.

Tuy nhiên, hoạt động của HTX chủ yếu mới làm được khâu dịch vụ đầu vào, chưa làm tốt khâu đầu ra - tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân là do các HTX đang thiếu người đứng đầu năng động, có tư duy kinh tế thị trường và chịu khó để tìm kiếm bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng đang ở quy mô nhỏ, đặc biệt là mô hình sản xuất và sản phẩm chưa có yếu tố nổi trội, vượt lên. Sản phẩm của HTX làm ra muốn bán được thì phải kết nối để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Thống kê về khó khăn của các HTX nông nghiệp do đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo.

Đặc biệt, dưới tác động của xu thế toàn cầu hóa và những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng cũng đang chịu những tác động mạnh và có sự chuyển đổi để vừa thích ứng vừa đáp ứng với đòi hỏi của bối cảnh mới.

Tôn giáo được nhìn dưới góc độ văn hóa và phát triển, xem tôn giáo là nguồn lực cần được huy động, chuyển hóa sức mạnh tinh thần hướng vào phát triển bền vững xã hội. Theo đó, thông qua việc truyền bá tư tưởng tốt đời đẹp đạo của tôn giáo là việc phổ biến những kiến thức sản xuất nông nghiệp, chuyển hướng từ chạy theo sản lượng sang chất lượng, tư duy kinh tế nông nghiệp, thu hút nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có theo đạo phát triển các mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời khi đề cập tới những nền tảng giá trị đoàn kết, nhân văn, nhân ái chung của các học thuyết cách mạng và tôn giáo, đã nói: "Chúa Jesus dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa"; "Lương-giáo đoàn kết, toàn dân đoàn kết, cả nước một lòng, nhân dân ta nhất định thắng lợi".

Lời dạy đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị về sự thống nhất, đoàn kết trong đa dạng, tôn trọng sự khác biệt của các tôn giáo, tạo nên truyền thống, bản sắc, văn hóa, sức mạnh, nguồn lực đại đoàn kết của toàn dân tộc. Đồng bào có đạo là bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo là bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam.

Mỗi tín ngưỡng, tôn giáo mang những nét văn hóa riêng nhưng đều hướng đến các giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Bởi vậy, các tín ngưỡng, tôn giáo có sự dung hợp, đan xen và hòa đồng, thống nhất trong đa dạng.

Theo đó, “Sống tốt đời, đẹp đạo" có lẽ là kim chỉ nam hành động của các tổ chức tôn giáo với biết bao nhiêu nghĩa cử cao đẹp về tính nhân văn, tình đoàn kết in đậm trong mỗi chúng ta trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Đặc biệt, để ứng phó với những biến động của thị trường, đưa sản phẩm nông sản Việt Nam đi xa hơn, giúp người nông dân hay đồng bào dân tộc thiểu số có cuộc sống ấm no, các tổ chức tôn giáo đã truyền thông, đẩy mạnh tinh thần đoàn kết, gắn bó, bắt tay nhau để phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX.

Chỉ khi tham gia vào kinh tế tập thể, HTX, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo mới thoát khỏi tình cảnh được mùa, mất giá. Đồng thời, hợp tác với nhau để tạo ra những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường khó tính nhất, nhân lên giá trị gấp nhiều lần cho sản phẩm.

Theo đó, các chính sách cần tiếp tục quan tâm, có chính sách cụ thể nhằm động viên về vật chất và tinh thần người tiêu biểu có thành tích trong các phong trào thi đua yêu nước. Chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là vùng đồng bào tôn giáo ở vùng khó khăn vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Lê Thúy 

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu