Cooperatives | Thứ tư, 20/7/2022 | 12:13 GMT+7
0 |

'Thời điểm vàng' để thay đổi tư duy sản xuất lúa trong cơn bão giá

..................

Nông nghiệp xanh đang là xu hướng toàn cầu. Giữa thời điểm vật giá liên tục leo thang, nhiều HTX, nông dân cho rằng, đây là “thời điểm vàng” để chuyển đổi tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhằm tiết kiệm chi phí.

...............................

Trung tuần tháng 7/2022, tại Hội nghị “Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu 2022, triển khai kế hoạch sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2022 tại Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long" do Bộ NN&PTNT tổ chức, thống kê cho thấy, diện tích nông dân “bỏ lúa” ngày càng lớn vì gánh nặng chi phí.

Theo bà Hồ Thị Ngọc Lan, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An, tính đến đầu quý III/2022, vì giá vật tư nông nghiệp tăng cao, chi phí sản xuất đội lên nhiều lần, đặc biệt là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, nên nông dân Long An đã giảm diện tích trồng lúa hơn 4.000ha.

"Mặc dù đạt kế hoạch hè thu 2022 nhưng so với cùng kỳ 2021 thì diện tích lúa tại Long An giảm. Nguyên nhân chính là người dân trồng lúa không có lợi nhuận (nhất là người trồng lúa thuê) đã trả đất cho chủ ruộng. Vấn nạn phân bón giả vẫn là điều gây bức xúc dư luận", bà Lan cho hay.

Không chỉ ở Long An, việc giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp liên tục tăng nóng thời gian gần đây khiến nông dân trồng lúa ở khắp các tỉnh thành trên cả nước gặp nhiều khó khăn, bởi chi phí đầu vào tăng phi mã trong khi giá lúa không tăng.

Ông Phan Văn Hiển (Phú Tân, An Giang) cho biết, dự kiến sẽ không làm vụ thu đông 2022 do giá phân bón đang tăng chóng mặt. Bão giá leo thang, nông dân đang khốn khổ. Nếu cơ quan quản lý không có giải pháp, nông dân trồng lúa cầm chắc phần lỗ.

“Giá lúa lúc nào cũng 5.000 - 6.000 đồng/kg nhưng phân bón lại liên tục tăng. Chưa kể không cẩn thận là mua phải phân bón giả, vừa tốn kém vừa kéo giảm năng suất, chất lượng, thương lái lắc đầu bỏ đi. Chăm cây lúa mất ít nhất 3 tháng, không có lãi thì bỏ chứ làm tiếp sao nổi”, ông Hiển thổ lộ.

Tương tự, ông Đỗ Tiến Thành (Thoại Sơn, An Giang) cho biết đang triển khai hơn 8ha lúa OM18 chất lượng cao, nhưng rất phân vân vụ Thu Đông khi thấy giá phân bón, vật tư đầu vào tăng quá cao.

Nếu so sánh cùng kỳ năm 2021, các loại phân bón hiện đã tăng 2-3 lần. Nông dân hầu như không ham làm lúa nữa. Nhiều người trồng lúa như ông Thành đều muốn bỏ ruộng vì sản xuất lúa không lời, thậm chí lỗ nặng.

Cụ thể, theo tính toán của ông Thành, chi phí sản xuất lúa hiện nay trên 3,5 triệu đồng/công (1.000m2). Nếu một công lúa thu hoạch được 8 tạ lúa và bán lúa với giá 5.000 đồng/kg, nông dân lời được 500.000 đồng/3 tháng. Nếu năng suất đạt 6 tạ/công, nông dân cầm chắc lỗ.

“Nếu giá vật tư không giảm, có thể tôi sẽ chỉ triển khai khoảng 50-60% diện tích, còn lại bỏ hoang. Cứ đà này, sẽ còn nhiều nông dân bỏ ruộng”, ông Thành tâm sự.

Vật giá leo thang đang khiến nhiều người trồng lúa chao đảo. Nhưng giữa muôn trùng khó khăn bủa vây, không ít nông dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và trên cả nước thừa nhận đây là "thời điểm vàng" để thay đổi tư duy sản xuất, ứng dụng canh tác hữu cơ để nâng cao giá trị sản xuất.

Vụ lúa đông xuân 2021 - 2022, hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… đã thắng lớn với mô hình sản xuất lúa gạo sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, không sử dụng phân, thuốc vô cơ.

Cùng với sự tham gia của "4 nhà" theo hướng hữu cơ, nhiều nông dân đã sản xuất các loại nông sản sạch, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Với mô hình này, nhiều nông dân bắt đầu làm quen với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm lượng thuốc hóa học.

Ông Dương Văn Thành, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Tiến (Tam Bình, Vĩnh Long), cho biết sau hơn 3 năm thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo sạch, không sử dụng phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, số lượng thành viên của HTX được mở rộng từ 33 lên 82, với tổng diện tích canh tác khoảng 45ha.

"Năng suất những vụ đầu chỉ đạt 3,8 tấn/ha, nhưng sau khi thành thạo, năng suất canh tác của HTX đạt bình quân gần 8 tấn/ha. Thành viên và nông dân trong vùng sản xuất đều trúng đậm", ông Thành cho hay.

Thực tế, ở Vĩnh Long những năm qua đã xuất hiện nhiều mô hình sử dụng phân hữu cơ hoặc sản xuất theo hướng hữu cơ. Bên cạnh cánh đồng sản xuất lúa sạch của HTX nông nghiệp Tân Tiến, còn có mô hình sản xuất gạo hữu cơ thảo dược Tấn Ðạt của HTX sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt (xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm), mô hình chuỗi giá trị lúa gạo hữu cơ tại HTX nông nghiệp Làng hữu cơ Hiếu Thuận (xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm...).

Ông Ðoàn Tấn Tài, Giám đốc HTX Sản xuất dịch vụ nông nghiệp Tấn Ðạt cho hay, chứng nhận hữu cơ đã tạo điều kiện cho sản phẩm lúa, gạo của HTX vươn xa hơn trên thị trường thế giới. Cũng nhờ chất lượng vượt trội, HTX được doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm giá cao.

Ngoài sản xuất lúa theo hướng hữu cơ kết hợp chặt chẽ với sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lúa của HTX được sơ chế, đóng gói nên lợi nhuận cao hơn 1,4-1,5 lần so với sản xuất lúa chất lượng cao thông thường. HTX còn nghiên cứu và chế biến trà gạo thảo dược từ gạo hữu cơ cung ứng cho thị trường 200-300 sản phẩm/tháng.

Đáng chú ý, khi tham gia HTX Tấn Đạt, thành viên và nông dân liên kết sẽ được định hướng tư duy sản xuất an toàn, hướng đến sản xuất sạch nhằm bảo đảm năng suất, chất lượng, qua đó nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, tạo ra những giá trị bền vững.

Với điểm tựa từ HTX, thành viên HTX luôn bán được lúa gạo với số lượng lớn, giá cao, không còn lo “được mùa mất giá”, thương lái o ép, làm khó. Ngoài ra, các thành viên HTX còn tổ chức lịch xuống giống, thu hoạch cụ thể, đồng loạt để đảm bảo yêu cầu của các doanh nghiệp bao tiêu.

"Nông dân tham gia HTX sẽ ký hợp đồng giao đất cho HTX sản xuất với giá 2 triệu đồng/công/vụ. Sau đó, nông dân ký lại hợp đồng với HTX để phối hợp làm các công đoạn trong sản xuất theo hướng tập trung, qua đó đảm bảo thu nhập cao hơn", Giám đốc HTX Đoàn Tấn Tài phấn khởi nói.

Bàn về vấn đề thay đổi tư duy sản xuất của nông dân, GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia hàng đầu về cây lúa, cho rằng 15 năm qua, Nghị quyết Trung ương 7 khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã phần nào giúp nền nông nghiệp chuyển biến tích cực, người dân khá lên, diện mạo nông thôn thay đổi theo hướng tích cực.

Cụ thể, người dân trồng lúa đã có chuyển biến tốt, dần thay đổi tư sản xuất, sử dụng ít lượng giống gieo sạ, đang thay thế phân vô cơ bằng hữu cơ, hạn chế thuốc hóa học làm môi trường không bị tác động nhiều.

"Người dân đang tiến dần đến việc chỉ sử dụng 1/4 phân hóa học so với trước đây. Việc làm này hạn chế tác động phát thải nhà kính. Thời gian qua đã có nhiều HTX ở Đồng bằng Sông Cửu Long được hình thành, liên kết với doanh nghiệp trong việc sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp cũng đã quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm, ưu tiên đầu ra đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường", GS. Võ Tòng Xuân nói.

Có thể thấy, sản xuất sạch là đòi hỏi tất yếu trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng lan rộng trên toàn cầu. Nếu chuyển đổi nhanh, nghiên cứu kỹ, các HTX, nông dân chắc chắn có thể nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, gia tăng giá trị và lợi nhuận từ cây lúa.

Một trong những điển hình nhất trong việc chuyển đổi nhanh là trường hợp của ông Lê Văn Đấu (75 tuổi, ngụ huyện Tam Nông, Đồng Tháp). Hơn 2 năm qua, ông không còn sản xuất lúa theo kiểu thông thường như bao nông dân vùng Đồng Tháp Mười nữa mà chuyển sang sử dụng phân vi sinh, phân hữu cơ để trồng lúa huyết rồng theo hướng sạch, an toàn hơn để cung cấp ra thị trường.

Với 10ha lúa huyết rồng tự trồng, tự thu hoạch và mang về xay xát và cung cấp ra thị trường, ông Đấu cho biết gạo huyết rồng và bột gạo huyết rồng của ông đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao của Đồng Tháp.

"Tôi nghĩ đã đến lúc bà con nông dân phải tự cứu mình, làm sao cho chi phí sản xuất thấp xuống. Tôi làm tiết kiệm hơn bà con nhiều lắm, nếu bà con sản xuất phân vô cơ trên 2 triệu đồng/công thì tôi chỉ tốn 1,5 triệu đồng tiền phân để sản xuất lúa thôi", ông Đấu chia sẻ.

Mọi diễn biến từ thực tế đều cho thấy, đây là "thời điểm vàng" để người trồng lúa thay đổi tư duy sản xuất trong bối cảnh bão giá. Tuy nhiên, để nông dân có thể tự lực vươn lên, vẫn cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ từ cơ quan chức năng, địa phương đồng hành.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, giá phân bón hiện nay cao đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp. Do đó, các địa phương phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phân, thuốc để tiết kiệm sản xuất hiệu quả hơn.

Cùng góc nhìn, ông Lưu Văn Tiến, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông (Đồng Tháp), cũng cho rằng đây là "thời cơ vàng" để vận động nông dân chuyển sang sản xuất lúa hữu cơ, lúa sạch.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ, điển hình như giấy chứng nhận VietGAP và GlobalGAP chỉ có hiệu lực vài năm rồi phải cấp lại, chi phí sản xuất của nông dân bị đội lên.

Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành "nơi đáng sống" văn minh, xanh, sạch, đẹp.

"Do đó, các cơ quan quản lý, HTX, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ nông dân nhằm khuyến khích nông dân tham gia sản xuất hữu cơ, tạo ra những giá trị bền vững", ông Tiến nói.

Ngành nông nghiệp đang chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ "đơn giá trị" sang "đa giá trị". Để hiện thực hóa mục tiêu, sẽ cần sự nỗ lực của cả hệ thống trong phát triển nông nghiệp theo xu hướng tiêu dùng xanh. Từ đó, tạo điểm tựa cho người nông dân nói chung và người trồng lúa “biến nguy thành cơ” trong bối cảnh vật giá leo thang.

......................................

Hưng Nguyên

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu