Cách đây tròn 1 năm, tại ấp Hiệp Thành, xã Tân Bình (huyện Tân Thạnh) đã tổ chức khánh thành cầu Vạn Đức trong sự vui mừng của người dân và phật tử ở địa phương. Cầu Vạn Đức bắc qua kênh 2000 Nam, có chiều dài 24m, rộng 3,5m, tải trọng 3 tấn, tổng kinh phí xây dựng 470 triệu đồng.
Cùng nhau xây những cây cầu
Trong số kinh phí xây cầu Vạn Đức, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh đã vận động bà Bùi Thùy Linh - phật tử chùa Vạn Đức (Tp.HCM) hỗ trợ 100 triệu đồng, phần còn lại do ngân sách huyện, xã và các phật tử địa phương đóng góp.
Những cây cầu mới xây ở huyện Tân Thành có sự đóng góp tích cực của phật tử. |
Trước đây, xã Tân Bình có xuất phát điểm thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trong khi đó, hệ thống kênh, rạch chằng chịt. Để góp phần giúp xã Tân Bình hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới, không chỉ vận động các phật tử xây cầu Vạn Đức, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh còn làm “cầu nối” vận động tăng ni, phật tử, mạnh thường quân trong và ngoài huyện xây dựng 3 cây cầu giao thông nông thôn khác trên địa bàn xã.
Tính ra, tổng kinh phí xây dựng 4 cây cầu này là gần 2 tỷ đồng, do Thượng tọa Thích Lệ Tấn - Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh đã vận động tăng ni, phật tử, mạnh thường quân cùng vốn đối ứng của huyện Tân Thạnh và nhân dân hỗ trợ.
Các công trình hoàn thành không chỉ phục vụ tốt nhu cầu đi lại, sinh hoạt của nhân dân trong các ấp, vận chuyển hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội mà còn góp phần xây dựng xã Tân Bình đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2022.
Phật tử Lê Thị Liên (xã Tân Bình) chia sẻ: “Cầu được xây mới, chúng tôi rất vui. Giờ đây, người dân mỗi khi đi lại hay vận chuyển nông sản thuận lợi hơn rất nhiều. Mong rằng ngày càng có nhiều chương trình an sinh, xây dựng những cây cầu ý nghĩa, giúp cuộc sống chúng tôi tốt hơn và giúp cho xã tiến đến xây dựng xã nông thôn mới nâng cao”.
Trong 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, chính quyền xã Tân Bình đã huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên 246 tỷ đồng, trong đó nhân dân và các phật tử đóng góp trên 63 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân và các phật tử còn hiến đất, hàng nghìn cây cối, hàng trăm vật kiến trúc các loại và hàng nghìn ngày công để tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới.
Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn
Bên cạnh việc chung sức xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, bà con nông dân (trong đó đa phần là tín đồ theo đạo Phật) trong xã Tân Bình đã tham gia vào phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ động học hỏi những kinh nghiệm từ các HTX, các mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao và ứng dụng vào thực tế.
Bộ mặt nông thôn mới khang trang ở xã Tân Bình. |
Từ đó trong xã đã xuất hiện nhiều mô hình nông dân, phật tử sản xuất kinh doanh giỏi vượt khó, thoát nghèo vươn lên khá, giàu ngay trên mảnh đất quê hương.
Điển hình như các mô hình: Nuôi cá trê bột; nuôi ếch; nuôi dê sinh sản, thương phẩm; nuôi heo rừng, nuôi chồn hương; nuôi cá cảnh; trồng xoài khóm kết hợp nuôi cá sặc rằn, trồng cam sành; sầu riêng; trồng sen lấy ngó; làm nấm rơm, hàng năm đem về lợi nhuận cao cho bà con phật tử xã Tân Bình.
Bên cạnh xã Tân Bình, hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Thạnh phát động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh tích cực vận động tăng ni, phật tử trong và ngoài huyện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tặng quà, xây nhà cho người nghèo, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, chung tay cùng địa phương hoàn thành Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Đơn cử như xã Tân Hòa (huyện Tân Thạnh) trong thời gian qua cũng nhận được sự quan tâm của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh trong việc xây dựng cầu giao thông nông thôn.
Như năm 2022, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện phối hợp cùng chính quyền và nhân dân, phật tử xã Tân Hòa khởi công xây dựng 3 cầu giao thông nông thôn với kinh phí gần 1,3 tỷ đồng. Qua đó giúp người dân thuận tiện giao lưu hàng hóa, các em học sinh đến trường được an toàn, góp phần giúp xã Tân Hòa thực hiện hoàn thành xây dựng xã văn hóa nông thôn mới vào năm 2022.
Ông Nguyễn Văn Ron, người dân ấp Kênh Văn Phòng, xã Tân Hòa, chia sẻ: “Trước đây, cây cầu cũ xuống cấp, người dân đi lại rất khó khăn, nay được chính quyền xã Tân Hòa và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện làm cầu nối các mạnh thường quân về bắc cầu bằng bê tông, tôi và người dân trong ấp rất vui mừng phấn khởi”.
Ra sức đóng góp cùng địa phương
Còn phật tử Nguyễn Hải Minh, ngụ ấp Kinh Văn Phòng (xã Tân Hòa) bộc bạch: Các phật tử ở đây rất ủng hộ chủ trương xây dựng xã văn hóa nông thôn mới. Vì vậy, khi địa phương phát động thực hiện thì mọi người đồng tình hưởng ứng ngay. Cũng nhờ có chương trình này mà rất nhiều công trình được đầu tư xây dựng phục vụ tốt hơn cuộc sống người dân, phật tử càng thêm phấn khởi, ra sức đóng góp cùng địa phương thực hiện.
Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Tân Thạnh đã tích cực vận động các tăng ni, phật tử, mạnh thường quân đóng góp xây cầu. |
Trong việc hoàn thành xây dựng xã văn hóa nông thôn mới vào năm 2022, có thể thấy toàn hệ thống chính trị của xã Tân Hòa cùng với nhân dân, phật tử đã nỗ lực thực hiện đạt kết quả khá toàn diện.
Nhất là đời sống vật chất, tinh thần nhân dân, phật tử được nâng lên. Và đặc biệt là phong trào chuyển đổi cây trồng và vật nuôi, phát triển kinh tế hợp tác, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn…với sự tham gia tích cực của các tín đồ Phật giáo ở xã Tân Hòa.
Để góp phần hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn không chỉ cho hai xã Tân Bình và Tân Hòa mà cho các xã khác của huyện Tân Thạnh, Thượng tọa Thích Lệ Tấn cho biết thời gian tới, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền vận động tăng ni, phật tử, các nhà mạnh thường quân và các cấp thực hiện các công trình phúc lợi về giao thông nông thôn.
Có thể thấy, để hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nhất là tiêu chí giao thông đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực địa phương có hạn chế.
Do đó, việc chung tay xây dựng nông thôn mới với sự chung tay góp sức lớn của các phật tử, tăng ni và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện trong thời gian qua là rất đáng quý. Đây chính nhân tố quan trọng để giúp huyện Tân Thạnh sớm đạt tiêu chí huyện nông thôn mới vào năm 2025.
Thanh Loan