Đạ K'Nàng là xã vùng sâu của huyện nghèo Đam Rông với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như: K’Ho, M’Nông và một số đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào lập nghiệp như: Tày, Nùng, Dao, Mường, Thái, Hoa và H’Mông sinh sống.
Thành công từ bỏ cà phê, trồng chuối
Nhiều năm nay, người dân nơi đây chủ yếu canh tác cà phê. Tuy nhiên, do hạn chế về khoa học kỹ thuật, ít chăm sóc nên diện tích vườn cà phê của các hộ trồng lâu năm già cỗi, cho năng suất không cao. Hơn nữa giá cà phê những năm qua xuống thấp nên thu nhập chỉ đạt từ 30 - 35 triệu đồng/ha.
Trước những khó khăn thách thức ấy, với khát vọng làm giàu, anh Nguyễn Huy Phương ở xã Đạ K’Nàng đã trăn trở tìm tòi, học hỏi ở một số nơi và các chuyên gia nông nghiệp. Nhận thấy cây chuối phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng Đạ K’Nàng, anh quyết định lựa chọn cây chuối Laba để trồng thay cho vườn cây cà phê già cỗi của gia đình, đồng thời tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
![]() |
Lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng khảo sát cơ sở sơ chế chuối xuất khẩu của HTX Laba Banana Đạ K'Nàng. |
Vừa làm, anh vừa tuyên truyền, thuyết phục các hộ gia đình trong xã có vườn cà phê già cỗi chuyển đổi sang trồng chuối Laba và vận động thành lập HTX Laba Banana Đạ K'Nàng tại thôn Đạ Mur, xã Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Liên minh HTX tỉnh Lâm Đồng và sự đồng lòng của người dân, tháng 10/2018, HTX Laba Banana Đạ K'Nàng chính thức thành lập với 7 thành viên, diện tích đất sản xuất ban đầu là 20 ha.
Diện tích chuối của HTX phát triển tốt, quy mô sản xuất từng bước được mở rộng, chất lượng chuối thương phẩm được bảo đảm nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, có truy xuất nguồn gốc. Với sự năng động của Ban giám đốc và các thành viên, nên ngay từ năm đầu tiên, sản phẩm chuối đã tìm được thị trường xuất khẩu Nhật Bản và được chấp nhận bởi thương hiệu và chất lượng. Đến nay, bình quân mỗi tháng HTX xuất khẩu hơn 100 tấn chuối sang Nhật Bản.
Hiện toàn bộ quy trình sản xuất và sơ chế chuối Laba của HTX liên kết với nông dân đều được phía Nhật Bản chuyển giao, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm toàn cầu. Trong đó có 50 ha diện tích chuối được doanh nghiệp Nhật gắn chip theo dõi và điều khiển chế độ chăm sóc hàng ngày, đảm bảo dinh dưỡng cho cây trồng trong môi trường an toàn.
Nỗ lực tìm đường xuất khẩu
Sau gần 3 năm xuất khẩu thành công sang thị trường Nhật Bản, sản phẩm chuối Laba của HTX Laba Banana Đạ K’Nàng tiếp tục cung ứng qua thị trường Hàn Quốc rồi tiến thẳng qua thị trường Mỹ, trở về thị trường Malaysia, Singapore… mở ra cơ hội phát triển rộng lớn vùng nguyên liệu chuối đặc trưng của vùng đất Nam Tây Nguyên này.
Từ hơn 20 ha ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng diện tích canh tác chuối Laba GlobalGAP ra diện tích 255 ha của HTX và của 70 hộ nông dân xã Đạ K’Nàng, Phi Liêng, huyện Đam Rông và các xã lân cận thuộc huyện Lâm Hà.
![]() |
Chuối của HTX Laba Banana Đạ K'Nàng chất lượng và thường xuyên tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá nông sản trong và ngoài tỉnh Lâm Đồng. |
Anh Nguyễn Huy Phương, Giám đốc HTX cho biết: “Cây chuối được trồng, chăm sóc, giám sát chặt chẽ theo quy trình của đối tác Nhật Bản, sản phẩm chuối không sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học, việc chăm sóc chuối chủ yếu là phân chuồng, phân sinh học. Dự kiến đến năm 2025, HTX sẽ huy động nhân dân trên địa bàn trồng 1 ngàn ha chuối mới cung cấp đủ sản phẩm chuối cho thị trường trong và ngoài nước, đồng thời giải quyết việc làm cho 30 đến 40 lao động tại địa phương.
Cùng với đó, HTX tiếp tục mở rộng diện tích ứng dụng công nghệ cao trong trồng chuối Laba, đầu tư hoàn thiện máy móc phục vụ tốt hơn cho khâu chế biến, bảo quản sản phẩm... để nâng cao năng suất lao động, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hơn 2 năm gắn bó với HTX chuối Laba Đạ K’nàng, chị K’Hồng, ở thôn Pul, xã Đạ K’Nàng cho biết, trước đây khi chưa có HTX, chị phải đi làm công cho các hộ dân ở xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà. Làm ngày nào hưởng ngày đó nên thu nhập không ổn định. Từ khi về làm việc tại đây, chị được Ban lãnh đạo HTX quan tâm tạo điều kiện làm việc trong môi trường cạnh tranh, mỗi tháng được nghỉ 4 ngày, làm thêm giờ được tính theo công.
“Bình quân mỗi tháng, lương ổn định từ 7 - 8 triệu đồng. Đây là số tiền tương đối lớn nhằm bảo đảm cuộc sống cho gia đình, nuôi con ăn học”, chị K’Hồng nói.
Có thể thấy, mô hình HTX đang phát huy hiệu quả, giúp nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, góp phần quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của địa phương đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đặc biệt HTX đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, nhất là đối với lao động người dân tộc thiểu số.
Phương Nam
Bài 2: Hiệu quả kinh tế từ nuôi cá tầm