Những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân người Tày xã Bản Liền tranh thủ thu hoạch chè, ai nấy đều phấn khởi vì việc tiêu thụ thuận lợi. Chè búp tươi trúng giá cao nên hầu hết các hộ không phải tự đầu tư phơi khô, xao suốt, chè búp khô mang ra các chợ phiên bán như trước mà bán chè tươi cho HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà.
Thoát nghèo từ cây chè
Loay hoay bên túi búp chè tươi vừa hái xong, ông Lâm A Tương 82 tuổi, người dân tộc Tày (Bắc Hà, Lào Cai) nhẹ nhàng cho vào gùi địu đến HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà đặt vào cân.
Ông Tương có 9 người con, là người dân tộc thiểu số nên thu nhập của gia đình ông chủ yếu đều từ làm nông. "Trước đây chưa có HTX thu mua chè, chúng tôi bán chỉ được 4-5 nghìn đồng/kg, nay HTX thu mua được tới 18 – 20 nghìn đồng/kg nên bà con cũng phấn khởi trồng", ông Tương cho biết.
HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà trực tiếp thu mua sản phẩm chè búp tươi tại xưởng cho hội viên trồng chè. |
Theo ông Tương, với khoảng 4 ha cây chè, trồng gần 100 gốc, vào vụ mỗi ngày gia đình ông thu hoạch khoảng 20 – 30 cân búp chè tươi. Công chăm sóc không mấy vất vả, khí hậu lại hợp nên chè cho năng suất cao.
Từ ngày là thành viên HTX, ông đã được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc chè hữu cơ, chè sạch đúng tiêu chuẩn, không sử dụng hóa chất. Vụ này ước tính gia đình ông thu về 30 – 40 triệu đồng. “HTX đã giữ đúng cam kết thu mua giá cao, ổn định suốt 4 năm qua, ai nấy đều tin tưởng HTX và cải tạo, chăm sóc cây chè Shan hữu cơ”, ông Tương cho hay.
Làm việc tại xưởng chè của HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà đã 4 năm, chị Lâm Thị Duyên, người dân tộc Tày tại xã Bản Liền cho hay, người dân ở đây chủ yếu sống nhờ cây chè. Trước đây chủ yếu chỉ trồng ngô, từ khi có HTX thu mua, đảm bảo đầu ra nên nông dân chuyển sang trồng chè.
HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều thành viên và người dân địa phương. |
“Ngoài làm việc tại xưởng, gia đình tôi cũng có 2 ha cây chè, thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng hơn 4 triệu đồng. Cây chè Shan ở đây rất dễ trồng, 2 năm là bắt đầu thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn tranh thủ đi hái chè tươi nhập cho HTX cũng được khoảng 15 - 20 triệu đồng/vụ”, chị Duyên cho biết.
Nông sản hữu cơ đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu
Đón chúng tôi tại xưởng chế biến, anh Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà vừa trò chuyện, vừa rót chén trà đặc mới pha và chia sẻ: Xã Bản Liền có khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai thích hợp để trồng chè. Chè Shan Tuyết hữu cơ ở Bản Liền ngon nhất là vụ Xuân khi sản phẩm búp chè pha nước, màu nước xanh đẹp, vị ngọt hậu và hương thơm tự nhiên, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Anh Phạm Quang Thận, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà giới thiệu về chè Shan Tuyết hữu cơ ở Bản Liền. |
Từ năm 2004, khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn ít được nhắc tới thì sản phẩm chè hữu cơ Bản Liền đã có “visa” để đến với người tiêu dùng châu Âu. Từ năm 2010, sản phẩm chè Shan Tuyết hữu cơ chủ yếu xuất sang thị trường khó tính Pháp và Mỹ. “Mỗi năm chúng tôi thu mua khoảng hơn 600 tấn chè tươi, thành phẩm hơn 100 tấn chè khô, 90% xuất sang châu Âu, còn lại cung cấp thị trường trong nước”, anh Thận bật mí.
Tuy nhiên, để “đặt chân” được vào thị trường khó tính châu Âu, sản phẩm chè của HTX phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn nghiêm ngặt do các tổ chức quốc tế quy định. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép và tuân thủ các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm.
Nhờ có thị trường xuất khẩu ổn định, mỗi năm HTX thu mua khoảng 600 tấn chè búp tươi. Để đạt được sản lượng này, HTX đã liên kết sản xuất với 310 hộ dân trong bản. Đến nay, có khoảng hơn 500ha chè Shan Tuyết, trong đó, hơn 422ha được công nhận chè hữu cơ, trung bình mỗi ha chè có thể đem lại lợi nhuận 80 đến 100 triệu đồng/năm, cao hơn nhiều lần so với các cây trồng truyền thống khác.
Hiện, HTX đang sản xuất hơn 10 loại chè khác nhau, giá dao động từ 600 – 700 nghìn đồng/kg, loại đắt nhất là chè sen lên tới 5 triệu đồng/kg. 95% sản lượng chè của HTX được xuất khẩu đến thị trường 40 nước, qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều người dân địa phương.
Sản lượng xuất khẩu tăng 10-15%/năm, doanh thu hàng chục tỷ
Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về “Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; phát huy lợi thế vùng, thời gian qua, huyện vùng cao Bắc Hà đã chú trọng thực hiện mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè shan tuyết.
Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng NN-PTNT huyện cho biết, toàn huyện hiện có 950ha chè, trong đó gần 700ha chè shan tuyết hữu cơ. Vùng sản xuất chè hữu cơ trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho trên 300 hộ dân với hơn 1.500 người, tại 04 thôn người Tày của xã Bản Liền.
Sản phẩm chè Shan tuyết Bản Liền đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao và được xuất khẩu sang 40 quốc gia. |
Trong 3 năm qua, sản lượng xuất khẩu của chè Bản Liền tăng trung bình 10-15%/năm. Bình quân mỗi năm, doanh thu từ chế biến và tiêu thụ chè của Bản Liền đạt hàng chục tỷ đồng.
Dự kiến, vùng chè Shan Tuyết của Bắc Hà sẽ được mở rộng, đến năm 2025 đạt 1.500ha, tăng 803ha so với năm 2022; đồng thời thực hiện cải tạo, thay thế diện tích chè già cỗi, trồng bổ sung đảm bảo mật độ, tập trung thâm canh tăng năng suất chè kinh doanh. Đặc biệt, huyện Bắc Hà đang mở rộng vùng canh tác chè Shan Tuyết hữu cơ lên đạt 1.500ha tại 2 xã Bản Liền và Tả Củ Tỷ. Huyện vùng núi này cũng chú trọng bảo tồn diện tích chè Shan Tuyết cổ thụ gắn với phát triển du lịch tại xã Hoàng Thu Phố.
Chia sẻ với Vnbusiness, ông Hoàng Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết, hiện chúng tôi đang định hướng một số sản phẩm du lịch kết nối các địa phương, thời gian tới kết hợp du lịch cộng đồng tại các bản Nghĩa Đô (Bảo Yên), Bản Liền, Bản Phố, Na Lo (Bắc Hà) – Bản Mế (Si Ma Cai) trong đó chè Shan Tuyết hữu cơ Bắc Hà là một trong những sản phẩm chủ lực.
Vùng chè Shan Tuyết Bản Liền đã và đang khẳng định là cây chủ lực giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào.
Hiện nay cây chè Shan Tuyết Bản Liền tự hào là sản phẩm OCOP 5 sao đầu tiên của huyện Bắc Hà tìm được chỗ đứng trên thị trường Mỹ và châu Âu. Từ phát triển cây chè Shan Tuyết đã giúp bà con dân tộc thiểu số ở Bản Liền thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên mảnh đất vùng cao.
Hoàng Anh