Xóm Khuổi Khon (xã Kim Cúc) là vùng đất sinh sống lâu đời của đồng bào Lô Lô, nằm cách trung tâm huyện Bảo Lạc 16km, xóm có 62 hộ dân sinh sống với gần 300 nhân khẩu. Trước đây, 50% hộ trong xóm là hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhưng nay, mọi thứ đã đổi thay đầy tích cực.
Người Lô Lô làm du lịch
Ở Khuổi Khon giờ nhà nhà, người người làm du lịch. Hộ nào có điều kiện thì xây dựng homestay, đón khách du lịch cả trong và ngoài nước, tổ chức các dịch vụ lưu trú, trải nghiệm các ngành nghề, nét văn hóa của địa phương, hộ không có điều kiện thì tổ chức dịch vụ ngay tại nhà.
Chị Chi Thị Phêng là một trong những người tham gia làm du lịch homestay từ sớm. Không chỉ khách du lịch trong nước, homestay của chị Phêng còn đón hàng trăm khách du lịch quốc tế mỗi năm, đến thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của người dân Lô Lô.
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Bảo Lạc đang được định hướng phát triển du lịch cộng đồng (Ảnh: BHG). |
“Khách du lịch đến nơi đây vừa được hít thở bầu không khí trong lành, tận hưởng những cảnh đẹp của núi rừng trùng điệp, vừa được hòa mình vào với cuộc sống của bà con Lô Lô như tham gia dệt thổ cẩm, làm nông nghiệp chế biến các món ăn truyền thống…”, chị Phêng chia sẻ.
Nhờ làm du lịch, đời sống của người Lô Lô ở Khuổi Khon những năm qua liên tục được nâng lên, nhiều hộ có thu nhập 150-300 triệu đồng/năm, hộ kinh doanh nhỏ cũng thu nhập 30-50 triệu đồng/năm.
Để có được kết quả đó, người dân Khuổi Khon luôn nhắc nhau về Đề án “Bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm du lịch cộng đồng”. Trong năm 2020, Đề án đã đầu tư 5 tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa 5 nhà ở truyền thống, 1 nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng và một số công trình phụ trợ khác… Đặc biệt, Đề án đã mở được lớp tập huấn để hướng dẫn bà con trong xóm làm du lịch.
Nâng cao vai trò của HTX
Phát triển du lịch trải nghiệm là một trong những chính sách mang lại hiệu quả cao trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại của huyện Bảo Lạc những năm qua. Bên cạnh du lịch cộng đồng, huyện cũng tích cực thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa.
Bảo Lạc có 5 xã biên giới gồm Cốc Pàng, Thượng Hà, Cô Ba, Khánh Xuân, Xuân Trường với địa hình chia cắt mạnh. Tổng diện tích tự nhiên của huyện đạt trên 91,9 nghìn ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp chiếm trên 89%. Kinh tế rừng là một trong những thế mạnh của huyện.
Điển hình như ở Cốc Pàng, một trong những xã có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao nhất của huyện, chiếm trên 90%. Để nâng cao đời sống cho người dân, Cốc Pàng đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật vào canh tác nâng cao sản lượng, mở rộng diện tích phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương như cây hồi, quế, sa mộc...
Trong hàng loạt cây trồng thế mạnh, cây sở đang cho giá trị cao ở Cốc Pàng. Kể từ năm 2015 đến nay, diện tích trồng cây sở trên địa bàn xã Cốc Pàng liên tục được mở rộng. Từ vỏn vẹn vài ha, toàn xã hiện đã có trên dưới 50 ha đang vào thời kỳ thu hoạch.
Bảo Lạc cũng đang định hướng nông dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa (Ảnh: BHG). |
Có kinh nghiệm nhiều năm với mô hình trồng sở, anh Lương Văn Dũng, người dân tộc Tày, thành viên Tổ hợp tác nông nghiệp xóm Cốc Mòn chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 ha sở. Những năm gần đây, giá bán sở ổn định ở mức 10 - 15 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, tôi thu về 50 - 70 triệu đồng/năm”.
Đáng chú ý, nhận thức rõ tiềm năng của cây sở, anh Dũng cùng các thành viên Tổ hợp tác Cốc Mòn đã chủ động ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc mới, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, giá bán sản phẩm. Không chỉ bán trong nước, quả sở hiện đã được xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc.
Tương tự, ở xã Xuân Trường những năm qua cũng hình thành nhiều cây trồng thế mạnh phù hợp với lợi thế tự nhiên của địa phương. Một trong số đó là cây xỏm đeng – giống dược liệu quý, chuyên để chế biến các sản phẩm như trà cao thực vật, thạch... được khách hàng gần xa ưa chuộng.
Cây xỏm đeng hay còn gọi là cây chàm tía, dạ chàm mọc tự nhiên và được trồng phổ biến ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta. Cây mọc thành bụi, cao khoảng 1 - 2m, thân già tròn màu xám bạc, lá đơn mọc đối, phiến lá hình bầu dục, đầu nhọn, mép hình răng cưa đều đặn, mặt trên lá màu xanh đậm còn mặt dưới màu tím đỏ. Tại Cao Bằng, loài cây này có nhiều ở các huyện Bảo Lạc, Hòa An, Quảng Hòa.
Đưa chính sách vào cuộc sống
Để phát huy thế mạnh từ cây xỏm đeng ở Xuân Trường, HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Phương Anh, xóm Thua Tổng được thành lập. Nhờ những đóng góp của HTX trong sản xuất, làm thương hiệu, năm 2021, sản phẩm trà cao xỏm đeng của địa phương đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Hiện, HTX Thương mại - Dịch vụ - Nông nghiệp Phương Anh niêm yết sản phẩm trà cao xỏm đeng trên các sàn thương mại điện tử, giới thiệu, phân phối tại các gian hàng trong và ngoài tỉnh.
Ngoài ra, để khai thác tối đa những lợi ích của loại cây dược liệu này, HTX còn sáng tạo nên món thạch xỏm đeng mới lạ, độc đáo. Miếng thạch dẻo dai, trong suốt, màu vàng óng ánh như hổ phách, khi ăn có mùi thơm, vị ngọt nhẹ, thanh mát đặc trưng. Món ăn dân dã đang rất được lòng khách thập phương.
Có thể thấy, vùng biên Bảo Lạc sau nhiều năm khó khăn, nay đã có nhiều thay đổi tích cực về kinh tế, xã hội. Đời sống người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên.
Đặc biệt, những năm qua, công tác đào tạo nghề, tạo việc làm mới cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo nghề cho người nghèo, người cận nghèo, dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai và có nhiều chuyển biến tích cực.
Qua đó, giúp người dân chủ động hơn trong việc tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm. Nhờ vậy, năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn xấp xỉ 5%. Người dân ngày càng được tiếp cận với nhiều nguồn vốn ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo, làm giàu cho người dân, huyện dự kiến quy hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp theo từng vùng tập trung, phát triển mạnh cây đặc sản, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn nhằm thu hút đầu tư và thuận lợi cho tiêu thụ.
Thúc đẩy hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích cực nhân rộng các mô hình sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả đã được tổng kết, đánh giá từ thực tiễn. Tăng cường quảng bá, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, thu hút các HTX, doanh nghiệp đầu tư sản xuất nông nghiệp, thực hiện tốt liên kết “4 nhà”...
Lệ Chi