Kinh tế tập thể, HTX xóa đói giảm nghèo tại vùng dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa
Trong nhiều năm trở lại đây, nhờ áp dụng linh hoạt các chính sách của Nhà nước,địa phương cũng như xây dựng và áp dụng các mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX phù hợp, công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Có thể khẳng định, KTTT, HTX có vai trò rất quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo, đồng thời còn là mô hình chống tái nghèo hiệu quả và bền vững. Kết quả đạt được của khu vực KTTT, HTX những năm qua trong xóa đói giảm nghèo ở đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là rõ nét, đóng góp căn bản cho phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Các mô hình KTTT, HTX đã giải quyết việc làm cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm nghèo và cải thiện nâng cao đời sống hộ thành viên.
Một số HTX nông nghiệp đã năng động, linh hoạt, chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm khép kín. Từ sự liên kết chặt chẽ giữa các HTX với các thành viên, hộ gia đình để có sản phẩm đầu vào ổn định đến chế biến và liên kết với doanh nghiệp để xuất khẩu các sản phẩm của HTX. Qua đó, cùng với các thành phần kinh tế khác trở thành động lực quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
HTX kết nối thị trường đầu vào, đầu ra, liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ thông qua nhiều hình thức khác nhau như các diễn đàn kết nối nông sản, phiên chợ, hội chợ xúc tiến thương mại, xây dựng trang web, sàn giao dịch, hỗ trợ HTX tham gia phát triển vùng nguyên liệu và hình thành liên kết chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, tăng cường, đổi mới phương thức chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao.
HTX xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, trong đó đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hoạt động từ dịch vụ đầu vào sang sản xuất hàng hóa, HTX tiếp cận được nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, quỹ hỗ trợ phát triển HTX.
Cuối năm 2020, tỉnh Thanh Hóa có 7.119 hộ nghèo được hỗ trợ vay vốn tín dụng chính sách làm nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12-12-2008 và Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với tổng số tiền 177,83 tỷ đồng; 2.637 hộ được hỗ trợ làm nhà ở phòng tránh bão lụt. Có 195.888 hộ dân được hỗ trợ vay vốn xây dựng công trình nước sạch và công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn; hiện có khoảng 3,3 triệu người tham gia BHXH. Trong đó có 2,7 triệu lượt người nghèo, người cận nghèo, người DTTS được khám, chữa bệnh BHYT…
Đến cuối năm 2021, các mục tiêu giảm nghèo của tỉnh Thanh Hóa về cơ bản đã hoàn thành. Tỷ lệ hộ nghèo của các huyện miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 bình quân mỗi năm giảm 4,62%, trong đó đối với 100 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã giảm được 6,84%/năm, hộ nghèo DTTS giảm 5,82%/năm.
Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của hộ nghèo tại Thanh Hóa đạt khoảng 1,487 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 2,17 lần cuối năm 2015, đạt mục tiêu Chương trình đề ra.
Giai đoạn 2021 - 2025, Thanh Hóa đang thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, với mục tiêu thu nhập bình quân đầu người khu vực miền núi gấp 2 lần trở lên so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2,67%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm 3%/năm trở lên.
Dù đang có chuyển biến tích cực, đồng bào DTTS ở Thanh Hóa vẫn phải vật lộn với công cuộc thoát nghèo trong điều kiện rất nhiều bất lợi. Sinh kế chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp vốn là lĩnh vực sinh lời chậm, biến đổi khí hậu ngày càng gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan khiến sản xuất nông lâm nghiệp càng chịu nhiều rủi ro trong bối cảnh đất canh tác không chủ động về tưới tiêu, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thời tiết.
Tình trạng không có hoặc thiếu đất sản xuất đang diễn ra phổ biến đối với người dân vùng DTTS và miền núi nói chung, cộng đồng các DTTS nói riêng. Việc tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ của xã hội cũng đang là một vấn đề cần chú ý.
Với đồng bào DTTS, việc phổ biến kinh nghiệm từ các HTX tại địa phương cũng còn gặp nhiều khó khăn, bởi tại những khu vực này thường mật độ dân số thấp, trình độ dân trí cũng còn nhiều hạn chế, việc có thể phổ biến các điều kiện về khoa học công nghệ, hay tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại cũng còn gặp nhiều khó khăn.
Duy Thế