Cooperatives | Thứ hai, 28/11/2022 | 08:06 GMT+7
0 |

Khu vực kinh tế tập thể, HTX và câu chuyện bảo tồn, phát triển trà Shan Tuyết cổ thụ của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Giang 

Một trong những sản phẩm đặc trưng của Hà Giang là trà Shan Tuyết (chè Shan Tuyết) từ nhiều năm qua được ví như “vàng xanh” của núi rừng Tây Bắc, được người yêu trà trong và ngoài nước yêu thích. Do vậy, việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, HTX ở tỉnh Hà Giang có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đưa trà Shan Tuyết đi đến thị trường trong và ngoài nước.

Hà Giang là địa phương ở tỉnh vùng cao biên giới cực Bắc của Tổ quốc, với 19 dân tộc cùng sinh sống, trong đó nhiều dân tộc thiểu số rất ít người như Pà Thẻn, Lô Lô, Bố Y, Pu Péo… Do vậy, việc phát triển sản phẩm lợi thế của địa phương gắn với mô hình kinh tế tập thể, HTX rất quan trọng để giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Shan Tuyết có nghĩa là “Tuyết trên núi”, là giống chè cổ thụ mọc trên những dãy núi cao, lá chè, búp chè được phủ một lớp nhung trắng như tuyết, đây là đặc điểm mà những giống chè trồng ở các vùng trung du và đồng bằng không thể có được. Hiện nay, những cây chè Shan Tuyết được trồng nhiều ở các huyện Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Xín Mần (tỉnh Hà Giang).

Tỉnh Hà Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng dân tộc thiểu số bình quân đạt trên 8%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 4%/năm trở lên, các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%/năm; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới.

Theo đó, việc phát triển sản phẩm trà Shan Tuyết gắn với việc cải thiện cuộc sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất quan trọng. Đồng thời, mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc vùng miền độc đáo, phong phú. Để lưu giữ những bản sắc văn hóa độc đáo ấy, những năm qua, Hà Giang luôn chú trọng và xem đó là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc bảo tồn, phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch. Và trà Shan Tuyết có đủ điều kiện để phát triển những lợi thế trên.

Thống kê trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện đang có 790 HTX. Thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Hà Giang phát triển khá ổn định, cụ thể, năm 2021 có 741 HTX, năm 2018 có 600 HTX, năm 2017 có 753 HTX và năm 2022 có khoảng 790 HTX (nguồn: Sở KH&ĐT Hà Giang).

Trong đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX ở Hà Giang hoạt động trong lĩnh vực trà Shan Tuyết chiếm tỷ lệ khá lớn, khoảng 20% trong tổng số lượng HTX. Điều đặc biệt là các HTX trà Shan Tuyết ở Hà Giang đang ngày càng phát triển, sản phẩm được phân phối tới mọi miền Tổ quốc. Theo đó, thành viên HTX – chính là những đồng bào dân tộc thiểu số có công ăn việc làm ổn định từ cây trà Shan Tuyết, đảm bảo cuộc sống.

Phát triển HTX ở Hà Giang giai đoạn 2017 – đến nay.

Thống kê cũng cho thấy Hà Giang có gần 21 nghìn ha chè, trong đó hơn 70% diện tích là trà Shan Tuyết cổ thụ. Ðây là mỏ “vàng xanh” của núi rừng bởi trà Shan Tuyết sinh sống trên núi cao, môi trường đất, nước, không khí trong lành. Từ bản chất trà Shan Tuyết là sạch, đó là sự khác biệt đối với các vùng chè trong nước nên Hà Giang xác định hướng đi bền vững cho cây chè là phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm bằng hình thức sản xuất chè an toàn, chè hữu cơ.

Để hình thành chuỗi giá trị chè, từ năm 2016 đến nay, tỉnh Hà Giang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ đối với cây chè với số vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng. Trong đó, tập trung cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn GAP cho gần 12 nghìn ha (chiếm 57%). Hình thành mối liên kết giữa gần 10 nghìn hộ trồng chè riêng lẻ với 40 cơ sở sản xuất chè VietGAP, 23 doanh nghiệp, HTX chế biến để xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và chế biến chè hữu cơ.

Tỉnh được công nhận chỉ dẫn địa lý “Chè Shan tuyết Hà Giang” cho gần 17 nghìn ha (chiếm 80,9%) chè. Đẩy mạnh áp dụng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trong các cơ sở sơ chế biến chè, nhất là đối với cơ sở có liên kết xây dựng vùng sản xuất chè hữu cơ. Đến nay, đã xây dựng, cấp chứng nhận HACCP, ISO cho 14 cơ sở.

Diện tích chè Shan Tuyết ở Hà Giang chiếm khoảng 70%.

Đáng chú ý, hiện nay, tỉnh Hà Giang có khoảng 10 DN, HTX có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu. Sản phẩm xuất khẩu đều là chè hữu cơ. Sản lượng chè búp tươi theo tiêu chuẩn GAP đạt hơn 48 nghìn tấn, giá trị đạt hơn 580 tỷ đồng; sản lượng chè hữu cơ hơn 21 nghìn tấn, giá bán bình quân từ 200 đến 300 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Giá trị sản phẩm chè búp tươi được chứng nhận GAP bình quân đạt khoảng 55 đến 70 triệu đồng/ha.

Thông qua liên kết, các hộ dân không chỉ được bao tiêu sản phẩm mà còn được hỗ trợ phân bón hữu cơ, vốn và kỹ thuật để đảm bảo sản xuất chè thực hiện theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ. Hơn nữa, nhờ liên kết sản xuất, giá trị chè Shan Tuyết từng bước được nâng cao khi chế biến thành các sản phẩm độc đáo với mẫu mã đẹp, hướng tới khách hàng cao cấp trong và ngoài nước.

Đặc biệt, nói tới câu chuyện bảo tồn và phát triển trà Shan Tuyết Hà Giang không thể không nhắc tới Hoàng Su Phì. Trong 10 năm trở lại đây, chính quyền huyện Hoàng Su Phì đã chú trọng đầu tư phát triển cây chè. Đồng bào Dao sinh sống tại thôn Phìn Hồ đã cùng nhau kinh doanh tập thể, góp vốn thành lập HTX và từng bước đưa danh tiếng sản phẩm chè Phìn Hồ vươn xa.

Từ năm 2016 đến nay, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cây chè và sản xuất các sản phẩm chè như hỗ trợ trồng mới 107ha; trồng dặm 17 ha từ nguồn vốn chương trình 30a với kinh phí 390 triệu đồng.

Huyện hỗ trợ nâng cấp dây chuyền máy móc cho HTX chế biến chè Phìn Hồ, HTX chế biến Nông lâm sản Hoàng Su Phì với kinh phí trên 1,3 tỷ đồng từ nguồn Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng bao bì, nhãn mác cho sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, mỗi sản phẩm 120 triệu đồng.

Số lượng HTX chế biến trà Shan Tuyết vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ ở Hoàng Su Phì.

Hiện nay, tổng diện tích cây chè trên địa bàn là 4.654ha, diện tích cho thu hoạch hơn 3.589ha, năng suất đạt 39 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 14.000 tấn/năm.

Thống kê cho thấy, toàn huyện Hoàng Su Phì có 8 HTX sản xuất chế biến chè quy mô từ 3-5 tấn/ngày trở lên. Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 20 cơ sở chế biến quy mô lớn theo hộ, nhóm hộ và 300 cơ sở chế biến nhỏ quy mô hộ gia đình.

Dù số lượng HTX vẫn còn khiêm tốn ở thủ phủ trà Shan Tuyết, song mô hình này cũng cho thấy rất nhiều hiệu quả từ việc chú trọng việc đăng ký nhãn mác, thương hiệu nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng ra thị trường. Hay nói cách khác, nhiều HTX chế biến trà Shan Tuyết ở Hoàng Su Phì đã phát huy được lợi thế với cách làm rất nhiều hiệu quả nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm thế mạnh này.

Đáng chú ý, để phát triển chè Shan Tuyết, mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” tại huyện Hoàng Su Phì được triển khai năm 2020 mở ra một hướng đi mới cho cây trồng thế mạnh của địa phương, góp phần đa dạng hóa phương thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Tháng 10/2020, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam có chuyến thực tế vườn chè Shan Tuyết cổ thụ của bà con dân tộc Dao đỏ tại thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên. Nhận thấy đây là cây trồng mũi nhọn với các sản phẩm đa dạng được chế biến từ chè, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã gợi mở cho HTX Chế biến chè Phìn Hồ phát triển mô hình “Cây chè Shan tuyết nhà tôi” và đích thân đặt mua tượng trưng 1 cây chè Shan tuyết cổ thụ 500 năm tuổi để phát động và hiện thực hóa ý tưởng này. Trước đó, mô hình này đã được triển khai rất thành công tại tỉnh Đồng Tháp với tên gọi “Cây Xoài nhà tôi”.

Với mô hình này, người mua và người bán sẽ thống nhất thời gian và giá bán cây chè trong một hoặc nhiều năm. Sau đó, người dân sẽ chăm sóc, thu hái sản phẩm từ cây chè theo tiêu chuẩn tốt nhất rồi chế biến, đóng gói sản phẩm mang thương hiệu riêng, rồi chuyển gửi cho người mua cây chè. Tất cả các gốc chè được mua đều đánh dấu trên Googlemap, sản phẩm chè có mã QR Code nên luôn truy xuất được nguồn gốc một cách dễ dàng. Gốc cây chè Shan Tuyết vẫn luôn thuộc quyền sở hữu của người bán và có trách nhiệm chăm sóc, bảo tồn phát triển cho cây chè. Hình thức thanh toán và giá cả theo thỏa thuận trả tiền 1 lần trong hợp đồng hoặc căn cứ theo thời vụ và sản lượng thu hoạch thực tế.

Mặc dù thời gian qua, việc phát triển sản phẩm chè Shan Tuyết, đồng thời gắn với phát triển du lịch thông qua các chuỗi giá trị liên kết giữa tổ hợp tác, HTX với doanh nghiệp. Tuy vậy, quá trình này vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định.

Trước những khó khăn đó, tỉnh Hà Giang đang đẩy mạnh phát triển về thị trường và cơ sở sản xuất chế biến, việc HTX tham gia Chương trình OCOP có thể xem là bước ngoặt lớn để hoàn thiện và phát triển hơn nữa sản phẩm trà. Sản phẩm không còn đơn thuần là thức uống quen thuộc của người tiêu dùng mà bên trong còn mang theo câu chuyện lịch sử lâu đời của những cây chè Shan Tuyết cổ thụ Hà Giang.

Đồng thời, ngành nông nghiệp tham mưu cho tỉnh Hà Giang ban hành các chính sách để người dân liên kết với nhau trong các tổ hợp tác, HTX và các cơ sở chế biến tiếp cận với nguồn vốn để xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu sạch, đổi mới công nghệ chế biến, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại.

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Hà Giang cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến chè quy mô lớn. Các doanh nghiệp sẽ liên kết trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các mô hình tổ hợp tác, HTX.

Lê Thúy

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu