Cooperatives | Thứ ba, 6/12/2022 | 07:19 GMT+7
0 |

HTX thu hút đồng bào theo đạo Tin Lành người H’Mông tham gia phát triển KT-XH

Với vai trò tiên phong, liên kết các hộ gia đình chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung tự cấp sang sản xuất quy mô lớn, theo quy chuẩn tiêu chuẩn và quy hoạch, các HTX đã từng bước nâng cao giá trị nông sản tại địa phương, từ đó tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo. Vì vậy, khu vực kinh tế tập thể, HTX đã đóng góp tích cực vào công tác dân tộc và tôn giáo, trong đó có giáo dân đạo Tin Lành là người H’Mông.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người H’Mông ở Việt Nam có dân số 1.393.547 người, đứng hàng thứ 6 trong bảng danh sách các dân tộc ở Việt Nam, cư trú tại 62 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố.

Trong đó, người H’Mông sinh sống tập trung tại: Hà Giang (292.677 người, chiếm 31,9% dân số toàn tỉnh và 21,7% tổng số người H’Mông tại Việt Nam), Điện Biên (228.279 người, chiếm 34,8% dân số toàn tỉnh và 16,0% tổng số người H’Mông tại Việt Nam), Sơn La (200.480 người, chiếm 14,6% dân số toàn tỉnh và 14,7% tổng số người H’Mông tại Việt Nam), Lào Cai (183.172 người, chiếm 23,8% dân số toàn tỉnh, 13,7% tổng số người H’Mông tại Việt Nam), Lai Châu (110.323 người), Yên Bái (107.049 người), Cao Bằng (61.579 người), Đắk Lắk (39.241 người), Đắk Nông (34.976 người), Nghệ An (33.957 người), Bắc Kạn (22.608 người), Tuyên Quang (21.310 người), Thanh Hóa (18.585 người), Thái Nguyên (10.822 người).

Do đặc điểm dân tộc từ xa xưa để lại, người H’Mông thường sống ở những vùng núi cao, có điều kiện vị trí địa lý xa xôi, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt. Chính vì vậy, việc phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào H’Mông nói riêng mặc dù đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương quan tâm, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế nhất định.

Đặc biệt, đạo Tin Lành xâm nhập và phát triển chủ yếu trong người H’Mông và người Dao - 2 tộc người vốn có đặc điểm lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị khác nhiều so với các tộc người khác trong khu vực miền núi.

Đáng chú ý, tại những vùng có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gia tăng các hoạt động kích động tư tưởng ly khai, tự trị, truyền đạo trái phép, lôi kéo người dân đi theo tà đạo, di cư tự do… gây mất an ninh trật tự, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, hòng làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên một số địa bàn, ảnh hưởng đến công tác tư tưởng.

Chính vì vậy, việc thực hiện tốt chính sách dân tộc và tôn giáo sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc H’Mông nói riêng, từ đó tăng niềm tin của bà con các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, đấu tranh đẩy lùi các tư tưởng sai lệch phản động, đẩy lùi tà giáo, hướng đồng bào theo đạo sống “tốt đời, đẹp đạo”.

Trong những năm qua, một trong những thành phần kinh tế được các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc H’Mông quan tâm là khu vực kinh tế tập thể, HTX. Với vai trò tiên phong, liên kết các hộ gia đình chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung tự cấp sang sản xuất quy mô lớn, theo quy chuẩn tiêu chuẩn và quy hoạch, các HTX đã từng bước nâng cao giá trị nông sản tại địa phương, từ đó tạo công ăn việc làm, góp phần giảm nhanh tỷ lệ đói nghèo. Khu vực kinh tế tập thể, HTX, vì vậy, cũng đóng góp tích cực vào công tác dân tộc và tôn giáo của Đảng và Nhà nước.

Cùng với sự phát triển chung của phong trào HTX trên cả nước, trong những năm gần đây, các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc H’Mông đã quan tâm phát triển kinh tế hợp tác, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác, thu hút ngày càng đông đảo đồng bào các dân tộc tham gia. Các HTX hoạt động hiệu quả ngày càng nhiều và chứng minh được tính ưu việt của mô hình kinh tế này.

Tính tới cuối năm 2021, tỉnh Hà Giang có 736 HTX, vốn điều lệ của các HTX là 1.018,65 tỷ đồng, số vốn điều lệ bình quân 1,442 tỷ đồng. Trong đó có 428 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 70 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 93 HTX xây dựng và khai thác vật liệu xây dựng; 90 HTX thương mại, dịch vụ; 36 HTX vận tải; 10 quỹ tín dụng nhân dân; 9 HTX hoạt động trong các lĩnh vực khác. Toàn tỉnh hiện có 1.445 tổ hợp tác (THT) được thành lập và hoạt động theo Nghị định 77/2019/NĐ-CP của Chính phủ. Các THT chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, cung ứng các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho thành viên.

Tại Sơn La, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 200 tổ hợp tác, 759 HTX và 6 liên hiệp HTX, tổng vốn điều lệ trên 3.700 tỷ đồng. Doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/HTX; thu nhập bình quân của thành viên đạt 4 triệu đồng/tháng.

Tại Điện Biên, tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 264 HTX, 470 tổ hợp tác. Doanh thu trung bình 745 triệu đồng/HTX/năm, 115 triệu đồng/ tổ hợp tác/năm.

Tại Lai Châu, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 255 tổ hợp tác, tạo việc làm cho 2.010 thành viên và lao động, doanh thu bình quân ước đạt 270 triệu đồng/tổ hợp tác/năm, thu nhập bình quân của thành viên ước đạt 3,65 triệu đồng/người/tháng. Toàn tỉnh có 348 HTX, tổng vốn điều lệ hơn 826 tỷ đồng; vốn điều lệ bình quân 1 HTX: 3,1 tỷ đồng. Các HTX tạo việc làm cho gần 6.000 người (gồm 3.042 thành viên và 2.851 lao động). Doanh thu bình quân của 1 HTX đạt 1.071 triệu đồng/HTX; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt 4,16 triệu đồng/người/tháng.

Tại tỉnh Lào Cai, tính đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 435 HTX với tổng số 6.300 thành viên. Tổng số lao động làm việc thường xuyên 7.875 người. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên đạt 38 triệu đồng/năm. Doanh thu bình quân/HTX là 773 triệu đồng. Lợi nhuận bình quân/HTX/năm ước đạt 93 triệu đồng.

Tại tỉnh Yên Bái, tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 5.643 tổ hợp tác với trên 33.800 thành viên, doanh thu bình quân 231 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng. Toàn tỉnh có 582 HTX; tổng vốn điều lệ của các HTX 1.335,8 tỷ đồng. Tổng số thành viên gần 29.398; doanh thu bình quân của HTX: 2,05 tỷ đồng; lợi nhuận bình quân khoảng 372,6 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân người lao động: 58,2 triệu đồng/năm.

Biểu đồ: Số HTX tại 6 tỉnh có trên 100.000 người dân tộc H’Mông

HTX thay đổi tư duy sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành người H’Mông nói riêng

Có thể khẳng định, một trong những đóng góp lớn nhất của khu vực kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX và tổ hợp tác, là dần làm thay đổi tư duy sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin Lành người H’Mông nói riêng.

Theo đó, từ phương thức sản xuất tự phát nhỏ lẻ, tự cung tự cấp, đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc H’Mông ở nhiều địa phương đã chuyển sang phương thức sản xuất hàng hóa, quy mô lớn hơn trước nhiều lần, có sự liên kết cùng thực hiện theo tiêu chuẩn chung, từ đó gia tăng giá trị nông sản và đặc sản.

Việc sản xuất cũng có kế hoạch, theo quy hoạch của địa phương, giảm được tình trạng được mùa rớt giá hoặc phải giải cứu. Bà con tham gia làm thành viên HTX có điều kiện để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, được học tập, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiên tiến, thực hiện nghiêm các quy định của HTX về chất lượng sản phẩm, giữ chữ tín với đối tác doanh nghiệp thu mua trong việc tuân thủ hợp đồng.

Một ví dụ điển hình về việc HTX thay đổi tư duy sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, người H’Mông nói riêng là HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang.

Theo đó, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và đất đai màu mỡ cùng sự đoàn kết của những người trồng cam, HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc được thành lập ngày 3/6/2017.

Với hơn 300 ha cây ăn quả có múi như cam sành, cam vàng, cam đường canh…, doanh thu của HTX đạt hàng chục tỷ đồng.

HTX hiện có hơn 15 thành viên, phần lớn là người dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc H’Mông, đồng thời tạo việc làm cho 200 lao động thời vụ, chủ yếu là người dân tộc bản địa với thu nhập khoảng 250.000 đồng/người/ngày…

Trong quá trình sản xuất, HTX ký hợp đồng với công ty cung ứng phân bón thông minh để cung cấp phân bón cho các hộ thành viên, với các loại phân hữu cơ từ chất thải của gia súc hay từ đậu tương, ngô… Đồng thời, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc chiết xuất từ tỏi, ớt và các loại thuốc trừ sâu sinh học, tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ trong toàn bộ quá trình chăm sóc, sản xuất cam.

Chính quyền địa phương đánh giá, HTX nông dân trồng cam sạch xã Vĩnh Phúc đã đem lại hiệu quả cao cho các thành viên, tạo sự liên kết giữa các hộ gia đình trong toàn xã, tương trợ nhau trong ứng dụng công nghệ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Qua hợp tác sản xuất, các hộ dân tham gia vào HTX đã tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm về số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Trong quá trình đó, HTX đã đứng ra giám sát về cây, con giống, phân bón, thức ăn, thuốc thú y và xử lý dịch bệnh, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các hộ thành viên…

Đồng thời, HTX đã từng bước chuyển dịch sang sản xuất cam an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, các thành viên HTX ký cam kết thống nhất quy trình kỹ thuật cơ bản và hệ thống quản lý chất lượng để áp dụng trong toàn bộ HTX; đầu tư trang bị vật dụng thiết yếu để đảm bảo việc kiểm định, giám sát về an toàn thực phẩm; tuân thủ thực hiện các biện pháp kỹ thuật trong trồng trọt, dịch vụ vật tư nông nghiệp.

Điểm nổi bật là giá cam của HTX luôn cao hơn so với sản phẩm tương đương sản xuất theo phương pháp truyền thống. Hiện, các sản phẩm cam của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành và trung tâm thương mại như: Hà Nội, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Siêu thị Tmart, Winmart...

Lãnh đạo HTX cho biết, mục tiêu của HTX trong thời gian tới là tiếp tục tạo ra khối lượng lớn sản phẩm quả có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm với quy trình nghiêm ngặt từ khâu sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm. Đó cũng là nền tảng giúp HTX tạo niềm tin để tiếp tục chinh phục thị trường.

HTX tích cực tham gia Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ đó đóng góp quan trọng vào công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các HTX có vị trí quan trọng để có thể hoàn thành được tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (tiêu chí số 13) và 3 tiêu chí còn lại trong nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất (tiêu chí số 10 - thu nhập; tiêu chí số 11 - nghèo đa chiều; tiêu chí số 12 - lao động).

Với Chương trình OCOP, các HTX cũng là một trong những chủ thể quan trọng được các địa phương quan tâm hỗ trợ để xây dựng sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, 4 sao và 5 sao. Việc được công nhận sao OCOP giúp nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm, từ đó mang lại giá bán cao hơn, thị trường rộng mở hơn, vì thế thu nhập của người lao động, trong đó có các thành viên của HTX ngày càng được nâng lên. Các HTX ngày càng thu hút được đông đảo bà con địa phương, trong đó có người H’Mông nói chung, người H’Mông theo đạo Tin Lành nói riêng tham gia, cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo và vươn lên khá giả.

Một trong những điển hình về HTX tham gia chương trình OCOP là HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, xã Bình Lư, huyện Tam Đường (Lai Châu).

Theo đó, năm 2018, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương về vốn vay, các thủ tục hành chính, HTX Nông nghiệp dịch vụ Bình Lư, tại xã Bình Lư đã mạnh dạn liên kết các hộ sản xuất sản phẩm miến dong. Hàng chục hộ dân làm nghề sản xuất miến quy tụ lại để sản xuất theo dây chuyền tiêu chuẩn VietGAP và phấn đấu xây dựng thành sản phẩm OCOP.

Sau 4 năm triển khai, đến năm 2022, mỗi năm HTX Bình Lư đã sản xuất được từ 250 - 300 tấn miến dong và sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao. Nhờ có tư cách pháp nhân là HTX, sản phẩm miến dong Bình Lư được tham gia triển lãm, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong nước và quốc tế, từng bước chiếm lĩnh lòng tin của người tiêu dùng, khẳng định thương hiệu trên thị trường.

Theo đại diện HTX, từ vùng dong riềng vài chục héc ta ban đầu, đến nay vùng nguyên liệu đã có hàng trăm héc ta. Việc liên kết sản xuất với các hộ dân đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất cũng như sản phẩm của HTX ngày càng lớn và đa dạng hơn. Mục tiêu của HTX thời gian tới là phấn đấu nâng cấp thành sản phẩm OCOP 5 sao; đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và có mặt tại các hệ thống siêu thị và xuất khẩu.

Trong khi đó, lãnh đạo huyện Tam Đường thông tin: các HTX trên địa bàn đã quy tụ được gần 500 thành viên, hàng năm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 1.000 lao động. Cùng với đó, các HTX cũng đã xây dựng được gần 10 sản phẩm OCOP và đưa nhiều sản phẩm có giá trị ra thị trường như: miến dong, sơn tra, chè, cá nước lạnh và các loại gạo cao sản... Nhờ phát triển kinh tế HTX, nhiều hộ nông dân trên địa bàn không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ các ngành, nghề sản xuất của gia đình.

HTX là nơi thanh niên người H’Mông khởi nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương

Có thể nói, mô hình kinh tế tập thể, HTX phát huy được thế mạnh ở những khu vực có đông đồng bào người dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc H’Mông. Và trong thời gian qua, phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương từ mô hình HTX đã giúp nhiều thanh niên dân tộc thiểu số thể hiện khát vọng vượt lên đói nghèo, vươn lên làm giàu của tuổi trẻ.

Tại những địa phương có đông đồng bào dân tộc H’Mông sinh sống, có không ít HTX đã được thành lập do thanh niên làm lãnh đạo quản lý, hoạt động ngày càng hiệu quả, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Từ đó, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, không nghe theo kích động tuyên truyền của các thế lực phản động, các tà giáo…

Một điển hình về thanh niên người H’Mông lập thân, lập nghiệp từ HTX là chị Sùng Thị Si - Giám đốc HTX dịch vụ tổng hợp nông lâm nghiệp Sà Phìn A (thường được gọi là HTX Lanh Trắng) ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Theo đó, Sùng Thị Si sinh năm 1989 trong gia đình người H’Mông có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nên lúc nhỏ chị không được đến trường đi học.

Cũng như bao phụ nữ H’Mông khác, chị Si lấy chồng và có con khá sớm. Hai vợ chồng không có công việc ổn định, thu nhập bấp bênh. Khi có con, chồng chị tin lời kẻ xấu sang Trung Quốc lao động “chui” và bị lừa hết tiền công, phải trở về nước tay trắng. Người chồng chán nản, bất lực trước gia cảnh nghèo nên thường xuyên uống rượu say xỉn, đánh vợ.

Không cam chịu hoàn cảnh nghiệt ngã, chị Si mày mò, học hỏi kinh nghiệm thoát nghèo. Thế rồi, cơ hội đổi đời với gia đình chị đã đến khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn vận động chị tham gia, thành lập HTX Lanh Trắng của xã Sà Phìn (thành lập ngày 23/11/2017).

Từ ngày có thu nhập từ công việc tại HTX, cuộc sống gia đình chị Sùng Thị Si trở nên đầm ấm, hòa thuận, con cái được học hành đầy đủ. Người chồng của chị cũng không còn uống rượu nữa mà trở thành thành viên giúp việc của HTX Lanh Trắng.

Theo chị Sùng Thị Si: Khi đã có công việc ổn định, có thu nhập, vị thế người phụ nữ H’Mông trong gia đình, cộng đồng được nâng cao hơn, tự tin hơn ngoài xã hội chứ không chỉ quẩn quanh bếp núc, ruộng nương và cam chịu bạo hành như trước nữa.

Hiện nay, HTX Lanh Trắng có 20 thành viên, đều là đồng bào dân tộc H’Mông. Các chị em đều có hoàn cảnh khó khăn, có người bị tàn tật, có người đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình, có người từng bị lừa bán sang Trung Quốc.

Những ngày đầu HTX Lanh Trắng mới thành lập, chị Si cùng các thành viên sáng lập đến từng nhà chị em trong xã Sà Phìn, tìm hiểu tâm tư, động viên chị em tham gia HTX để có việc làm, có thu nhập ổn định.

Các chị em được dạy nghề thêu, dệt lanh và làm các sản phẩm từ lanh trắng. Sau khóa học nghề ngắn hạn, nhiều chị em đã tự tin tham gia làm việc tại HTX Lanh Trắng, thu nhập ổn định 4-6 triệu đồng/tháng.

Dưới sự điều hành của Giám đốc Sùng Thị Si, HTX Lanh Trắng ngày càng phát triển. Cùng sự nỗ lực, gắn kết của các thành viên, HTX đã tạo ra nhiều mặt hàng độc đáo với bản sắc riêng, có giá trị trên thị trường, mang lại cuộc sống đủ đầy, ấm no hơn cho nhiều gia đình hội viên phụ nữ ở xã Sà Phìn.

Hiện nay, để phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của xã hội, HTX Lanh Trắng không chỉ may, thêu trang phục truyền thống mà còn mở rộng mặt hàng, đa dạng các sản phẩm từ lanh với các sản phẩm như: Túi xách, ví, túi đựng điện thoại, tranh treo tường, ga, gối...

Sản phẩm của HTX không chỉ được bày bán tại Dinh thự nhà Vương mà còn được bán rộng rãi tại các điểm du lịch ở phố cổ Đồng Văn, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Hà Nội…, và vinh dự được trưng bày tại một số sự kiện của Liên hợp quốc.

Đặc biệt, những sản phẩm của HTX Lanh Trắng được giới thiệu trên trang web https://thocamlanhtrangdongvan.com đã được giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, giúp người có nhu cầu có thể đặt mua online, trong đó có nhiều khách hàng nước ngoài.

HTX Lanh Trắng làm ăn ngày càng hiệu quả, không chỉ trở thành chỗ dựa tin cậy cho nhiều lao động người dân tộc H’Mông ở Đồng Văn mà còn góp phần bảo tồn, phát triển nghề thủ công truyền thống từ cây lanh của người H’Mông.

Lan Phương

 

Tin khác

Đăng nhập

Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

Đăng ký
Qui định
Quy định về đăng ký tài khoản và nội dung "Ý kiến của bạn" trên Vnbusiness

Hình đại diện và tên đăng ký ko phản cảm, ko có các thông tin bao gồm: link web, số điện thoại, email hoặc tên riêng..mang tính quảng cáo, thương mại cho cá nhân, tổ chức hoặc mang nội dung gây hại cho các tổ chức, cá nhân khác.

Các hoạt động của User ko vi phạm pháp luật và các qui định của Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam

Nội dung bình luận ko chia sẻ link, số điện thoại, email hoặc quảng cáo cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào

Nội dung bình luận không vi phạm đạo đức, pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam

Nội dung bình luận không vu cáo, bôi nhọ, miệt thị, xuyên tạc, gây hại cho tổ chức, cá nhân

Nội dung bình luận không chửi bới, thô tục

Khi phạm qui, tài khoản sẽ bị khóa tạm thời.

Thông báo

Đăng ký thành công. Hãy kiểm tra email và kích hoạt tài khoản

Quên mật khẩu