HTX lưu giữ tinh hoa nghề dệt vùng dân tộc thiểu số ở Lào Cai
Để tăng lợi thế cạnh tranh cũng như phát triển nghề dệt truyền thống của người dân, chỉ có phát triển mô hình HTX là mang lại hiệu quả tối ưu. Bởi lẽ, đây là mô hình kinh tế đang được Nhà nước ưu tiên phát triển, phù hợp với đặc điểm của người dân tộc thiểu số và tận dụng được thế mạnh về lao động ở tỉnh Lào Cai.
Phát triển nghề dệt thông qua HTX sẽ góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, đặc biệt là người cao tuổi, phụ nữ, người yếu thế trên địa bàn tỉnh Lào Cai nói chung. Đồng thời, góp phần duy trì nghề thổ cẩm, qua đó gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống lâu đời của địa phương và lan tỏa nét đẹp đó đến với du khách trong và ngoài nước.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh của các sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm công nghiệp đang diễn ra rất mạnh mẽ khiến nghề truyền thống này đang đối diện với nguy cơ thất truyền. Để bảo tồn những giá trị bản sắc của nghề và phát triển nghề truyền thống thêu, dệt thổ cẩm, nhất là gắn với du lịch là một biện pháp cần được chú trọng. Hiện Nhà nước và tỉnh Lào Cai đang tập trung vào một số chính sách sau:
Một là, định hướng phát triển nghề thêu dệt gắn với du lịch thông qua mô hình HTX. Việc gắn quá trình sản xuất và sáng tạo sản phẩm thêu, dệt thổ cẩm phục vụ du lịch được bắt đầu từ những chủ trương của cấp ủy, chính quyền địa phương. Định hướng sẽ hình thành những mục tiêu thống nhất, đồng bộ, là cơ sở để xây dựng các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển nghề thêu thổ cẩm truyền thống gắn với du lịch.
Hai là, Có chính sách về quy hoạch, đầu tư, tư vấn, đào tạo nghề, tôn vinh các nghệ nhân, HTX. Những chính sách này tạo động lực cho người làm nghề, thành viên HTX từ đó thu hút sự tham gia của nguồn lực lao động trẻ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương.
Ba là, khai thác và phát triển thị trường du lịch gắn với làng nghề truyền thống. Du lịch nhân văn, trong đó có HTX làng nghề truyền thống gắn với du lịch còn gặp nhiều khó khăn, thách thức trong việc khai mở thị trường và thu hút khách du lịch. Bản chất của hoạt động du lịch làng nghề thông qua HTX là gắn với sự trải nghiệm, một xu thế đang nhận được nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước.
Bốn là, tăng cường hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước thông qua các con đường khác nhau, như: ngoại giao, văn hoá, kinh tế… Xây dựng những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi nhằm khích lệ HTX dệt thổ cẩm liên kết với doanh nghiệp khai thác du lịch. Tăng cường hoạt động quảng bá các tour du lịch làng nghề thêu, dệt thổ cẩm cũng như sản phẩm của làng nghề, HTX.
Năm là, bảo đảm sự phát triển lành mạnh, bền vững của mô hình kinh tế tập thể, HTX. Từ đó đưa HTX làng nghề phát triển, đem lại lợi ích kinh tế, cải thiện đời sống cho người dân làm nghề; vừa phải bảo tồn, gìn giữ những giá trị độc đáo, giàu bản sắc của sản phẩm làng nghề.
Việc thành lập mô hình HTX Mường Hoa với những nét mới về nghề dệt đã giúp người dân xã Tả Van thay đổi quan niệm về nghề này, khiến vị trị người phụ nữ H’Mông trong gia đình ngày càng được củng cố.
HTX không chỉ là nơi tạo việc làm từ một nghề thủ công riêng biệt, đem lại nguồn thu ổn định cho người phụ nữ trong thời gian nông nhàn. Nghề truyền thống này có thể giúp phụ nữ, người già và trẻ em Tả Van có thêm thu nhập ngoài mùa vụ.
Ngày càng nhiều mặt hàng được người H’Mông, cũng như thành viên HTX Mường Hoa sáng tạo để phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, những nhà làm được nhiều sản phẩm thủ công có thể bán hàng hoặc thông qua HTX Mường Hoa để đưa hàng lên Sa Pa bán vào thứ 6, thứ 7, Chủ nhật khi có phiên chợ.
Các sản phẩm hàng hóa làm ra được HTX “xuất khẩu tại chỗ” bằng cách bán trực tiếp cho khách du lịch, hoặc có thể bán gián tiếp cho du khách thông qua việc cung cấp cho các quầy thổ cẩm ở các chợ vùng cao trong tỉnh, các cửa hàng bán đồ lưu niệm tại thị trấn Sa Pa và các vùng lân cận. Từ đó có thể thấy việc buôn bán hiện nay ở Tả Van có nhiều phương thức phát triển.
Tuy nhiên, khó khăn của HTX Mường Hoa nói chung và nghề dệt thổ cẩm tại tả Van nói chung đó là hiện nay, việc trao truyền nghề trong mỗi gia đình không còn là một luật tục bắt buộc.
Khi bé gái được mẹ hướng dẫn thêu hoa văn và dệt vải, bé gái có thể theo nghề hoặc không tùy vào khả năng và sở thích của mình. Hiện nay, ở Tả Van nhiều người H’Mông cũng không quá đặt nặng việc phải biết thêu dệt mới là phụ nữ khéo léo như trước. Đây cũng là nguyên nhân khiến HTX rơi vào cảnh khó có người kế cận để phát triển nghề.
Để đẩy mạnh phát triển nghề dệt gắn với phát triển kinh tế tập thể, HTX, không chỉ ở Tả Van mà tỉnh Lào Cai cũng cần quan tâm phát triển các HTX trong làng nghề và HTX liên quan đến nghề dệt thổ cẩm ở Tả Van hay Lào Cai đều có vai trò quan trọng.
Điều này giúp chính quyền địa phương dễ dàng xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường... Tạo điều kiện phát triển kinh tế tập thể dựa trên cơ sở phát triển và phát huy vai trò của kinh tế hộ.
Các cấp quản lý nhà nước nên hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào H’Mông phát triển làng nghề dệt. Đồng thời, triển khai các cơ chế chính sách đồng bộ với các cấp quản lý để khuyến khích mô hình HTX nghề dệt phát triển sâu rộng và bền vững.
Chính quyền địa phương cần xây dựng đề án để hỗ trợ thành viên HTX tại các làng nghề dệt. Trong quá trình thực hiện, ban giám đốc HTX sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn tại Sa Pa, Lào Cai thông qua các đề án và phương cách thực hiện đồng bộ nhằm phát triển nghề dệt bền vững. Bên cạnh đó, xã cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các HTX làm nghề truyền thống và các nghệ nhân.