Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Dao đỏ, xã Tả Phìn được thành lập từ tháng 10/2015. Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, HTX đã vượt qua vô vàn khó khăn để có chỗ đứng nhất định trên thị trường dược liệu dân tộc.
Phát triển bài thuốc truyền thống dân tộc Dao đỏ
Cuộc sống của người Dao đỏ ở Tà Phìn, trong đó có gia đình chị Tẩn Tả Mẩy từ xa xưa đã gắn liền với núi rừng nên rất am hiểu về các loại cây thuốc trong tự nhiên. Từ chỗ chỉ biết khai thác nguồn lợi sẵn có, các hộ đã bảo nhau đưa cây thuốc về trồng trong rừng, trong vườn nhà. Cây dược liệu đã cùng người Dao đỏ nói riêng, các dân tộc khác nói chung cùng nhau đi qua nhiều cơn bĩ cực.
Tuy nhiên, dưới con mắt của một người được sinh ra trong gia đình có truyền thống cắt thuốc nam, chị Mẩy không ít lần xót xa trước cảnh những cây dược liệu quý người dân phải mang đi bán rong, bị ép giá rẻ mạt, thậm chí bán không có người mua.
Chị Tẩn Tả Mẩy bên các sản phẩm do HTX chế biến và sản xuất. |
Từ thực tế đó, cùng với sự hỗ trợ từ Dự án Great của chính phủ Úc, năm 2015 chị Mẩy đã quyết định thành lập HTX Cộng đồng Dao đỏ. Chị Tẩn Tả Mẩy, Giám đốc HTX Cộng đồng Dao đỏ chia sẻ: “Có 2 lý do để tôi thành lập HTX: Thứ nhất đây là sản phẩm gia truyền của người phụ nữ Dao đỏ. Thứ 2 là muốn thông qua HTX cộng đồng Dao đỏ để giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo có thu nhập cao không cần phải đi bán hàng rong".
Chị kể, sản phẩm đầu tiên của HTX là nước tắm Dao đỏ - bài thuốc do bà ngoại chị truyền lại, được sản xuất cô đặc từ những vị thuốc quý hiếm 100% thiên nhiên của núi rừng Sapa như cây ngải cứu rừng, cây đại bi, hương nhu và 12 loại thảo dược của người Dao Đỏ.
Thời gian đầu, nhờ các mối quan hệ với hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa, chị đã có khách đến tắm thuốc và mua thuốc tắm. Thời gian trôi đi, số khách tăng dần lên, thu nhập của thành viên tăng lên và số lượng thành viên lên đến hàng trăm người. Tuy nhiên, để duy trì và gia tăng thu nhập cho chị em trong HTX, chị luôn trăn trở làm sao để mở rộng quy mô và cơ sở vật chất cũng như cải thiện dịch vụ để thu hút thêm du khách.
Để làm được điều đó, HTX bắt tay vào nghiên cứu thị trường, nhu cầu của khách… Chị Mẩy tâm sự: Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu để làm thuốc và bào chế thành các sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, trong xu thế hội nhập, các sản phẩm từ dược liệu của các nước trên thế giới sẽ đưa vào Việt Nam và ngược lại. Do đó, để những sản phẩm truyền thống giữ được thương hiệu và cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài, đồng thời đảm bảo được các tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch khi đến Sapa thì quá trình trồng trọt, thu hái nguyên liệu, chế biến, bảo quản… không thể coi nhẹ việc chuẩn hóa.
"HTX đã họp các thành viên bàn bạc, quyết định phải tìm cách sản xuất thêm những sản phẩm mới để bán, trên nền tảng là những cây thuốc của người dao đỏ để làm thuốc tắm. Theo đó, HTX đã mở rộng vùng nguyên liệu tại hai xã Tả Phìn và xã Ngũ Chỉ Sơn, với diện tích trồng và chăm sóc, bảo tồn các loại cây thuốc của người Dao đỏ hơn 115 ha", chị Mẩy cho hay.
Giúp đỡ chị em phụ nữ nghèo có thu nhập cao
Từ một sản phẩm thuốc tắm của người Dao đỏ, đến nay HTX đã cho ra đời nhiều sản phẩm khác như: thuốc tắm phụ nữ sau sinh, thuốc tắm trẻ em; thuốc ngâm chân túi lọc, thuốc ngâm chân chai nước. Bộ sản phẩm gội đầu: dầu gội đầu, xà phòng dược liệu; Bộ sản phẩm xoa bóp tinh dầu chùa dù, tinh dầu ngải cứu, cao xoa bóp ngải cứu, rượu xoa bóp xương khớp.
Vùng nguyên liệu xanh, sạch của HTX cộng đồng Dao đỏ |
"Các sản phẩm này bên cạnh là sự kết tinh của tri thức bản địa và công thức bí truyền của phụ nữ Dao đỏ, thì đây còn là sản phẩm đặc hữu của địa phương. Nhờ đó, ngày càng nhiều du khách tìm đến trải nghiệm và mua về sử dụng", Giám đốc HTX cho hay.
Với cách làm này, HTX luôn đảm bảo được nguồn nguyên liệu chất lượng, bên cạnh đó tiêu thụ các sản phẩm được làm từ dược liệu cũng trở nên thuận lợi hơn. Tạo việc làm cho 224 hộ liên kết và 120 thành viên là phụ nữ dân tộc Dao đỏ và Mông. Chị Mẩy bật mí, trung bình hàng năm doanh thu của HTX khoảng 4 tỷ đồng (chưa trừ chi phí), các thành viên cũng có thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng.
Chị Phàn Tả Mẩy, thành viên HTX cho biết: “Trước đây, chưa vào HTX, cây thuốc đi hái về cũng chỉ mang bán rong, người mua trả giá rẻ lắm. Bây giờ vào HTX rồi, cây thuốc trồng và thu hái về đã có HTX mua hết với giá cao. Nhờ đó, mà cuộc sống của gia đình cũng đỡ vất vả hơn trước nhiều”.
Ngoài việc mang lại thu nhập cho bà con trong xã, hoạt động của HTX cộng đồng Dao đỏ, còn góp phần tích cực thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao trình độ, khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
Hiện nay các sản phẩm của HTX không chỉ được phân phối tại nhiều tỉnh thành cả nước mà còn ứng dụng công nghệ mới để thúc đẩy bán hàng online trên mạng xã hội Zalo, Facebook, qua đó tăng thêm thu nhập và tạo cơ hội việc làm cho các thành viên và cộng đồng người Dao đỏ tại địa phương. "Điều khiến tôi rất vui là trong 3 tháng Tết, nhờ bán hàng online, doanh thu của tôi cũng đạt được trung bình 20 triệu đồng/tháng", chị Mẩy cho hay.
Khẳng định chỗ đứng trên thị trường dược liệu dân tộc
Với mục tiêu đưa HTX ngày càng phát triển, những tinh hoa dược liệu dân tộc có thêm nhiều người biết tới, HTX cộng đồng Dao đỏ đang xúc tiến hợp tác với đối tác Nhật Bản sản xuất hương nhang thảo dược từ bột cây ngải cứu để xuất khẩu.
“Hiện nay, cây thuốc trên rừng cũng dần cạn kiệt, chúng tôi đang tiến hành mở rộng diện tích trồng dược liệu. Trồng cây dược liệu này vừa góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho các hộ gia đình, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu sản xuất sản phẩm để HTX liên doanh xuất khẩu…”, Giám đốc Tẩn Tả Mẩy cho biết thêm.
Trước những yêu cầu đó, HTX đã thống nhất với các thành viên áp dụng chung một quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GACP-WHO để từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu chất lượng, bền vững.
Với số lượng thành viên đông đảo, HTX phải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ thuật cho các hộ trồng. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đến việc không sử dụng thuốc BVTV và phân bón hóa học. Bên cạnh đó, phân chia thành viên thành 15 nhóm nhỏ, bầu các tổ trưởng để đôn đốc, nhắc nhở các hộ thực hiện theo cam kết, có nhật ký ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc.
Ngoài ra, hàng năm, HTX tổ chức cuộc thi “sao sáng” để cổ vũ các hộ gia đình tích cực chăm lo cho vườn trồng của mình. Hộ gia đình nào thu được kết quả cao nhất về chất lượng khi thu hoạch sẽ được nhận phần thưởng của HTX. Đồng thời, sẽ có một phần thưởng riêng cho gia đình nào có sự tham gia của cả vợ và chồng nhằm tăng tình yêu thương, đoàn kết trong mỗi gia đình, giúp chị em phụ nữ đảm bảo công tác bình đẳng giới. Khi ý thức của mỗi cá nhân tăng lên, gia đình hòa thuận thì việc triển khai, thống nhất các quy trình sản xuất cũng trở nên thuận lợi hơn.
Hoàng Hà