Ông Lê Quang Bình, cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ngãi cho biết, do những đặc trưng về phong tục tập quán, đặc điểm thổ nhưỡng và khí hậu..., mỗi dân tộc trên địa bàn tỉnh có những cách thức sản xuất khác nhau. Người Ca Dong ở huyện Sơn Tây chủ yếu sống dựa vào sản xuất lâm nghiệp, chủ lực là cây keo, trong khi người H’rê ở vùng Tây Nam thuộc các huyện Ba Tơ, Minh Long, Sơn Hà có kỹ thuật sản xuất lúa nước tốt hơn, bởi khu vực sống của đồng bào H'rê có một số diện tích đất ruộng để canh tác. Vì vậy, việc thay đổi tư duy cho đồng bào DTTS có vai trò quan trọng trong việc giúp họ thay đổi cách nhìn nhận để phát triển kinh tế.
![]() |
Sản phẩm măng nứa của một số HTX trên địa bàn huyện Sơn Tây đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. |
Theo đánh giá của UBND huyện Sơn Tây, người dân đa phần vẫn còn sản xuất nông nghiệp theo quy mô nhỏ, hộ gia đình nên để tăng tính hiệu quả cần phải hình thành các HTX, tổ hợp tác (THT) liên kết sản xuất. Do đó, chuẩn bị cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đang hướng đến việc hỗ trợ thông qua các HTX.
“Tỉnh sẽ hình thành các HTX và thông qua các HTX đó để tập hợp người dân gồm cả những hộ khá giả, hộ nghèo, cận nghèo cùng hướng dẫn nhau làm kinh tế. Khi hỗ trợ thông qua các HTX sẽ thực hiện theo quy trình từ đầu vào (cây trồng, vật nuôi) cho đến theo dõi chăm sóc và cuối cùng là đưa ra thị trường. Đây gọi là sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, cũng tùy theo từng vùng để lựa chọn những loại cây, con cho phù hợp. Đảm bảo được vùng nguyên liệu, điều kiện sản xuất và kết nối tiêu thụ. Tuy nhiên, chương trình này đang ở giai đoạn thiết kế chứ chưa có định hướng cụ thể để đưa vào thực hiện. Dự kiến sẽ thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025”, ông Bình chia sẻ.
Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, số lượng HTX nông nghiệp ở các huyện miền núi như Sơn Tây ngày càng phát triển cả về lượng và chất, nhiều HTX kiểu mới đã liên kết với người dân là đồng bào DTTS tại địa phương. Điều này tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dân vùng cao về sản xuất nông nghiệp hàng hoá, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Trong đó, nhiều sản phẩm đã xây dựng được nhãn mác, dán tem truy xuất nguồn gốc, giấy chứng nhận VietGAP như ớt xiêm, ổi, gạo lúa rẫy, măng nứa của Sơn Tây... Đặc biệt, sản phẩm của một số HTX đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của tỉnh đánh giá, phân hạng đạt 3 sao như gà đen, ớt xiêm, mắm cá niên Sơn Hà. Những sản phẩm này đã được đưa vào hệ thống siêu thị Big C, Co.op Mart trong cả nước, ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa cho biết: Kể từ khi các sản phẩm gà đen, ớt xiêm, mắm cá niên của HTX được đánh giá đạt chất lượng OCOP cấp tỉnh đã mở ra cơ hội mới trong việc đưa sản phẩm cạnh tranh trên thị trường. Hiện, HTX tiếp tục mở rộng liên kết với người dân trong việc thu mua và chế biến các đặc sản của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên và người dân địa phương.
Cần sự trợ lực
Theo đánh giá của Liên minh HTX tỉnh Quảng Ngãi, mặc dù số lượng HTX có tăng về số lượng và chất lượng, nhưng so với các HTX được thành lập trước đây, thì số lượng thành viên tham gia còn rất ít. Nguyên nhân là do sức hấp dẫn của HTX đối với người dân chưa cao. Các cấp, ngành và chính quyền một số địa phương chưa thật sự quan tâm đến sự phát triển của HTX...
![]() |
Mô hình nuôi cá tầm của HTX nông nghiệp và dịch vụ Sơn Tây đang gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. |
Một trong những rào cản lớn nhất của các HTX mới thành lập là thiếu vốn, thiếu quỹ đất để phát triển sản xuất..., việc tiếp cận vốn ngân hàng của HTX nông nghiệp vẫn là bài toán khó giải. Vì vậy, để tạo tiền đề cho HTX phát triển bền vững, bên cạnh sự nỗ lực trong tư duy làm kinh tế của HTX, Nhà nước cần có chính sách về vốn cho HTX.
Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra còn thiếu đầu ra. Giám đốc HTX nông nghiệp và dịch vụ Sơn Tây Đinh Sang Sử cho biết: Ngoài một số mô hình sản xuất nông nghiệp đang được HTX triển khai đạt hiệu quả tốt, giúp các thành viên ổn định kinh tế, hiện nay mô hình thí điểm nuôi cá tầm của HTX đang gặp khó khăn.
Mô hình nuôi thử nghiệm giống cá tầm Nga được triển khai từ năm 2014 tại xã Sơn Bua, hiện đã được chuyển giao cho HTX nông nghiệp và dịch vụ Sơn Tây để tổ chức sản xuất cá thương phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Từ quy mô ban đầu 2.000 con/lứa, HTX đã đầu tư mở rộng diện tích nuôi đến nay nuôi đạt trên 8.000 con/lứa. Kết quả nuôi cho thấy, cá tầm sinh trưởng tốt trong điều kiện khí hậu của địa phương, tốc độ bình quân từ 2-2,5kg/con/12 tháng, lợi nhuận bình quân 1kg cá thương phẩm đạt từ 50.000 - 60.000 đồng.
Tuy nhiên, hiện nay, đầu ra của cá tầm chưa vào được các siêu thị lớn trên địa bàn, vì HTX không có kinh phí xây dựng thương hiệu cá sạch, an toàn thực phẩm, mới chỉ liên kết được với một số nhà hàng trong địa bàn tỉnh và huyện. Khó khăn nữa là giá thức ăn nuôi cá tầm quá cao, phải nhập từ Bình Dương hoặc Long An về.
Đồng thời, về phía chính quyền các địa phương, cần quan tâm tạo điều kiện về quỹ đất để HTX có cơ sở sản xuất. Bên cạnh đó, lựa chọn những HTX có năng lực để giao các dự án về phát triển sản xuất trong chương trình xây dựng nông thôn mới, giúp HTX tạo ra nguồn lực. Thực tế, qua phản ánh, một số HTX nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra các loại giống cây trồng hay giống gà... phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương. Tuy nhiên, thay vì mở ra cơ hội cho chính các HTX, một số địa phương lại chọn mua giống cây, con tại các tỉnh khác mang về hỗ trợ cho người dân, dẫn đến cây, con giống không hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, bị chết hàng loạt, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.
Hoàng Hà