- Cam bù Hương Sơn thu 'mùa vàng' nhờ sản xuất VietGAP
- Mặn mòi vị nước mắm truyền thống Thu Hùng
![]() |
Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Tĩnh chỉ còn 3%, giảm 8,4% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020. |
Trong công tác đoàn kết dân tộc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải kể đến vai trò của kinh tế hợp tác giúp xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM).
Tốc độ giảm nghèo nhanh
Luôn xác định vấn đề dân tộc, công tác dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược quan trọng trong cách mạng nước ta, Đảng đã đề ra các chủ trương, chính sách dân tộc, với những nội dung cơ bản là: Bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển.
Từ những chủ trương của Đảng về công tác dân tộc, những năm qua, Nhà nước đã ban hành hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ toàn diện để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, các địa phương đặc biệt khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
Trong công tác xoá đói giảm nghèo, Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiên phong. Tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo tại Hà Tĩnh chỉ còn 3%, giảm 8,4% so với đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020; hộ cận nghèo còn 4,00%, giảm 4,4% so với đầu nhiệm kỳ, thuộc nhóm tỉnh có tốc độ giảm nghèo nhanh nhất cả nước.
Đặc biệt với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh có những chính sách riêng để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Điển hình như tại huyện Hương Khê có 4 bản dân tộc thiểu số, với 274 hộ, 956 nhân khẩu, trong đó: Bản Rào Tre (xã Hương Liên) 43 hộ, 150 khẩu; bản Giàng II (xã Hương Vĩnh) 15 hộ 48 khẩu; bản Phú Lâm (xã Phú Gia) 65 hộ, 242 khẩu; bản Lòi Sim (xã Hương Trạch) 151 hộ, 516 khẩu.
Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ven rừng thuộc địa bàn các xã khó khăn, biên giới; diện tích đất canh tác ít, sản xuất lương thực không đủ ăn, nên trước đây chủ yếu dựa vào trợ cấp của Nhà nước; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội yếu kém.
Thực hiện Đề án phát triển đồng bào dân tộc thiểu số, các bản dân tộc thiểu số ở Hà Tĩnh ngày càng đổi thay đáng kể. Ví dụ, tại bản Rào Tre (xã Hương Liên), nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển đồng bào dân tộc Chứt đã được triển khai... Đến nay, đồng bào khai hoang, cải tạo mở rộng được 80 ha (gồm đất ở và đất sản xuất, tăng 77,5 ha so với năm 2014); cơ bản xóa nhà tranh tre tạm bợ; hỗ trợ làm mới 15 nhà, sửa chữa 20 nhà; đầu tư nâng cấp bê tông hóa 2,7km đường giao thông; xây dựng trạm biến áp và đường điện hạ thế cung cấp điện sinh hoạt; cung cấp nước sạch, kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất,... với tổng nguồn đầu tư từ ngân sách và nguồn xã hội hóa trên 46 tỷ đồng.
Trong công tác đoàn kết dân tộc thực hiện mục tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải kể đến vai trò của kinh tế hợp tác trong việc đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất, giải quyết việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; giúp xóa đói giảm nghèo; lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương và là nền tảng phát huy nội lực, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Vai trò trụ cột của kinh tế hợp tác
Để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại bản nghèo xã Hương Liên, chính quyền địa phương xác định không thể thiếu vai trò trụ cột của kinh tế hợp tác để đoàn kết, tập hợp người dân tham gia.
Năm 2016, Tổ hợp tác môi trường xã Hương Liên được thành lập, ban đầu chỉ có 7 thành viên. Đến nay, Tổ hợp tác đã thu hút thêm hàng chục thành viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cùng tham gia. Bà Trần Thị Hường, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết: "Xã Hương Liên phấn đấu hoàn thành 3 tiêu chí xây dựng NTM, trong đó tiêu chí môi trường là một tiêu chí khó thực hiện với điều kiện thực tiễn tại địa bàn xã. Vì vậy, vai trò hoạt động của Tổ hợp tác môi trường là hết sức quan trọng".
Tương tự, trong phong trào xây dựng NTM ở vùng dân tộc thiểu số xã Hương Trạch, lãnh đạo xã cho biết, nhận thấy xã có tiềm năng và lợi thế về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là về trồng cây ăn quả, chính quyền đã hỗ trợ giúp bà con thu được những kết quả nhất định: từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã có hơn 1.000 hộ trồng mới bưởi Phúc Trạch, cam các loại với tổng diện tích khoảng 170ha để được hưởng chính sách của tỉnh, huyện và đưa Hương Trạch trở thành xã có số lượng hộ dân hấp thụ được chính sách hỗ trợ về trồng mới bưởi Phúc Trạch, cam các loại nhiều nhất trong toàn huyện.
Để thu hút người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã cùng tham gia chuyển đổi cây trồng, chính quyền địa phương đã thành lập mới 25 tổ hợp tác trồng bưởi Phúc Trạch trên địa bàn xã. Ông Cao Song Giang, dân tộc Mường, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Trạch cho biết: "Hầu hết vườn của các thành viên trong tổ hợp tác đã có nhiều thay đổi rõ rệt, cơ bản không còn vườn hoang mà thay vào đó là những vườn trái cây trĩu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn xã; thu nhập từ bưởi Phúc Trạch của xã tăng từ 29 tỷ đồng trong năm 2015 lên 44 tỷ đồng trong năm 2020".
Thành công từ mô hình tổ hợp tác, đến nay, xã Hương Trạch tập hợp các cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập mới 2 HTX trên địa bàn gồm HTX Quản lý môi trường, HTX Mật ong Hương Bưởi.
Không chỉ có huyện Hương Khê, một số huyện nghèo tại tỉnh Hà Tĩnh cũng đang dần "thay da đổi thịt" nhờ các chính sách xoá đói giảm nghèo.
![]() |
Những năm gần đây, Hà Tĩnh có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. |
Ông Lê Trọng Hải, Giám đốc HTX sản xuất nấm Quang Trung, xã Bình An, huyện Lộc Hà chia sẻ: "Năm 2005, tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Sau khi được tham gia lớp tập huấn về quy trình sản xuất cây nấm do Sở KH&CN Hà Tĩnh phối hợp với Viện Di truyền học Trung ương tổ chức ở huyện Thạch Hà, tôi đã xác định được hướng làm ăn cho riêng mình. Từ những kiến thức ban đầu học được, năm 2007, tôi dồn toàn bộ vốn liếng mở xưởng sản xuất nấm rộng 70m2, vận động bà con thành lập HTX sản xuất nấm Quang Trung với số thành viên ban đầu là 10 người".
Hiện nay, cơ sở sản xuất nấm của ông Hải có diện tích hơn 2.000 m2, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường 0,5 tấn nấm linh chi khô, gần 10 tấn nấm mộc nhĩ khô và 25 tấn nấm sò tươi, đạt doanh thu gần 2 tỷ đồng.
Ông Đặng Hồng Thuận, Chủ tịch UBND xã Bình An nhận xét: "Ông Lê Trọng Hải là người dám nghĩ dám làm, có tinh thần, quyết tâm cao dám chịu rủi ro thực hiện ước mơ làm giàu trên chính quê hương của mình".
Đáng chú ý, HTX sản xuất nấm Quang Trung không chỉ giúp gia đình các thành viên có cuộc sống khấm khá mà còn giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho nhiều bà con nông dân tại địa phương. Hiện nay, đã có một số hộ dân trong xã học tập theo mô hình trồng nấm của HTX, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế, giúp xóa đói giảm nghèo.
Thực tiễn cho thấy, nếu phát huy được vai trò của kinh tế hợp tác sẽ là một trong những động lực góp phần đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.
Hoàng Hà
Bài 2: Đi lên cùng nông thôn mới