Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 5 tôn giáo được công nhận tư cách pháp nhân gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Baha’I, với tổng số tín đồ trên địa bàn tỉnh là gần 500 nghìn người, chiếm 29% dân số toàn tỉnh. Riêng đạo Công giáo có hơn 160 nghìn giáo dân, trong đó có 116 chức sắc, 435 chức việc và 136 nữ tu; có 101 tổ chức tôn giáo trực thuộc và 84 cơ sở thờ tự.
Thi đua phát triển kinh tế
Phát huy truyền thống đoàn kết, với phương châm “kính Chúa, yêu nước", "sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào Công giáo trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp nhau làm giàu, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, cách làm tốt và nhiều tấm gương tiêu biểu trong lao động, sản xuất. Trong đó, đặc biệt là các HTX, tổ hợp tác đã góp phần giúp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
![]() |
Đồng bào Công giáo ở Gia Lai đã trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tập thể, HTX. |
Trong lĩnh vực nông nghiệp, có một số HTX điển hình có đông đồng bào Công giáo, như: HTX nông nghiệp Chư A Thai, huyện Phú Thiện đang xây dựng thương hiệu gạo Phú Thiện; HTX nông nghiệp Thảo Nguyên sở hữu sản phẩm OCOP cao Đinh lăng 3 sao năm 2019, sản phẩm hạt Mắc ca sấy Phố núi 3 sao năm 2020...
HTX nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang, huyện Đak Đoa đã xây dựng những sản phẩm chủ lực: Tiêu hữu cơ Lệ Chí chứng nhận theo tiêu chuẩn của Mỹ (USDA) và Châu Âu (EU); tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen và tiêu muối một nắng, Măng le Lệ Chí, Cà phê Đak Yang. HTX đã đăng ký thương hiệu độc quyền tiêu Lệ Chí và Đak Yang có logo và hình ảnh; mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc của VNPT… Mỗi năm, HTX tham gia hơn 20 hội chợ, sự kiện kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước. Thực hiện quảng cáo Tiêu Lệ Chí trên kênh online: web, Facebook, Zalo…; Chương trình Nông nghiệp sạch VTV1, Đài Phát thanh - Truyền hình Gia Lai…, đặc biệt là 4 sản phẩm hồ tiêu đạt sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh và sản phẩm cà phê Đak Yang phân hạng đánh giá OCOP 3 sao…
HTX vận tải cơ khí và dịch vụ Diên Hồng hoạt động đa dạng, có hiệu quả, ngoài ngành nghề hoạt động chính là vận chuyển hành khách, hàng hóa, còn hoạt động ở các lĩnh vực khác như kinh doanh phụ tùng ô tô, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện vận tải.
Ngoài ra, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đã và đang trở thành một kênh huy động vốn và cho vay hiệu quả ở khu vực nông thôn, góp phần hỗ trợ thành viên phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo và tạo cho thành viên quen dần với dịch vụ tài chính ngân hàng, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Tạo niềm tin với bà con Công Giáo
HTX nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake, huyện Phú Thiện) ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ. Thời gian qua, HTX đã từng bước hình thành việc sản xuất gắn liền với chuỗi giá trị.
Theo đó, liên kết các hộ thành viên sản xuất những bộ giống lúa tốt, chất lượng gạo ngon, mang hương vị đặc trưng. Để sản phẩm đồng bộ về chất lượng, HTX đã cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho các hộ thành viên. Hàng năm, HTX tổ chức thu mua trên 200 tấn lúa chất lượng, đạt tiêu chuẩn để chế biến gạo đưa ra thị trường.
Anh Phạm Ngọc Nghĩa, Giám đốc HTX chia sẻ, ban đầu, để vận động được bà con tham gia sản xuất trong HTX gặp rất nhiều khó khăn. Bà con Công giáo có nhiều điểm khác biệt từ suy nghĩ cho đến giờ giấc sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày.
Ví dụ, người trẻ xứ đạo thường đi lễ nhà thờ vào các buổi tối, còn người già lại đi lễ vào các buổi sáng sớm. Bởi vậy, khi khách đặt hàng trùng vào giờ bà con đi lễ nhà thờ thì sẽ không có sản phẩm để cung cấp.
Chính vì thế, vào những ngày lễ của bà con Công giáo, anh Nghĩa thường phải thông báo trước cho khách hàng. Ngoài ra, bà con Công giáo rất ít khi giao lưu, tiếp xúc với người ngoài. Bởi vậy, muốn họ tin tưởng và làm theo thì cần phải gây dựng được niềm tin trong họ.
Không chỉ giúp bà con phát triển sản xuất, mà trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, anh Nghĩa cũng là tấm gương sáng, là người tiên phong trong các phong trào để bà con noi theo.
Đặc biệt phải kể đến là việc vận động bà con Công giáo hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời, anh Nghĩa còn đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, giúp bà con hiểu được vai trò và lợi ích của việc làm đường giao thông trong phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống cho người dân. Nhờ đó mà bà con Công giáo đều đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó, trong các cuộc họp ở địa phương, anh Nghĩa thường xuyên tuyên truyền và tích cực vận động bà con giáo dân thực hiện tốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Theo lãnh đạo xã Ia Ake, trong những năm qua, bà con Công giáo trên địa bàn xã luôn thực hiện tốt đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong đó có anh Nghĩa.
![]() |
Các HTX, tổ hợp tác đã góp phần giúp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn, đặc biệt là địa bàn có đông đồng bào Công giáo sinh sống. |
Trong suốt quá trình thành lập HTX, anh Nghĩa luôn là người năng động và làm tốt vai trò của mình, xây dựng thành công thương hiệu “Gạo Phú Thiện” của HTX Nông nghiệp Chư A Thai hiện đã được bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh, mỗi năm HTX cung cấp 300-400 tấn gạo chất lượng cao ra thị trường. Hiện nay, sản phẩm Gạo Phú Thiện của HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Từ đó, tạo điều kiện cho bà con nông dân, trong đó có đồng bào Công giáo có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập.
Đồng bào Công giáo đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
Hiện, toàn tỉnh Gia Lai có gần 400 HTX với gần 19 nghìn thành viên. Các HTX hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, còn lại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp; giao thông-vận tải; xây dựng; thương mại và quỹ tín dụng nhân dân.
Một trong những nét nổi bật là các HTX nông nghiệp đã chủ động liên kết với người dân và các doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương.
Ngoài các mô hình HTX, thì Gia Lai cũng xuất hiện nhiều giáo dân Công giáo phát triển kinh tế giỏi, vươn lên từ khó khăn. Tiêu biểu như ông Hnhrao, giáo dân tiêu biểu làng Kon Rơng Dram (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa). Từ chỗ thoát nghèo, đến nay, gia đình ông hiện có 6 sào lúa ruộng, 2 ha keo lao, 4 con trâu và 10 con heo thịt.
Ngoài ra, ông còn phối hợp với Công ty Hoàng Kim Tây Nguyên vận động và hướng dẫn 30 hộ dân tại làng trồng 30 ha keo lai, hiện cây đang sinh trưởng và phát triển tốt đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ dân trên địa bàn.
Tương tự, ông Ra Lan Yơk, Trưởng ban chức việc giáo xứ Phao Lô, xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê) cũng có thu nhập 170 triệu đồng/năm từ diện tích 1 ha cà phê, 4 sào lúa nước, 3 sào mỳ (sắn)…
Cùng với việc phát triển kinh tế - xã hội, đồng bào Công giáo trên toàn tỉnh Gia Lai cũng thực hiện rất tốt các phong trào như Phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; Phong trào đoàn kết xây dựng trật tự xã hội; Phong trào đoàn kết đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục-y tế; Phong trào đoàn kết bảo vệ môi trường; Phong trào đoàn kết thực hiện chương trình dân số; Phong trào đoàn kết thực hiện nghĩa vụ công dân; Phong trào đoàn kết đẹp trong bác ái yêu thương; Phong trào đoàn kết đẹp trong nếp sống đạo.
Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới, với vai trò và uy tín của mình, các vị chức sắc, chức việc, tu sĩ và đồng bào Công giáo sẽ tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kêu gọi đồng bào Công giáo nêu cao tinh thần trách nhiệm công dân, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phấn đấu ngày càng có nhiều gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, đồng bào Công giáo tiếp tục vận động nhau sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa, yêu nước”, thực hiện đường hướng của Giáo hội “sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và chỉ dẫn của Giáo hoàng “người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng tỉnh Gia Lai.
Minh Thành