Đắk Nông và Kon Tum phát triển cây cà phê: Nhìn từ khu vực HTX trong vùng đồng bào DTTS
Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của khu vực Tây Nguyên nói chung, hai tỉnh Kon Tum và Đắk Nông nói riêng. Trong thời gian qua, hai tỉnh này đã triển khai thực hiện nhiều chính sách phát triển cây cà phê, trong đó vai trò của các HTX trồng cà phê trong vùng đồng bào DTTS được xem là một “đòn bẩy” quan trọng để nhân rộng diện tích và sản lượng cây cà phê.
Khu vực Tây Nguyên có hơn 603.000 ha diện tích trồng cây cà phê, chiếm 1/3 diện tích cà phê của cả nước. Cây cà phê gắn bó với người nông dân ở đây nhiều năm qua. Đồng bào DTTS nơi đây coi cây cà phê là "cây thoát nghèo", làm bộ mặt nông thôn Tây Nguyên nói chung và hai tỉnh Đắk Nông và Kon Tum khởi sắc.
Cà phê là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam nói chung và của hai tỉnh Kon Tum và Đắk Nông nói riêng. XK cà phê đã tạo ra nguồn thu nhập chính cho người dân các huyện sinh sống trên địa bàn có lợi thế phát triển cà phê, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trồng cà phê chè tại hai tỉnh trên.
Với mục tiêu hướng đến phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp ứng dụng cao, công nghiệp chế biến, tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ sản phẩm chủ lực cà phê như: Phát triển cà phê xứ lạnh tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông; thành lập vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Hà để phát triển cà phê vối; tái canh cây trồng cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng giống cà phê cao sản có tính ưu việt hơn…
Theo đó, để hỗ trợ cho sản phẩm chủ lực cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê phát triển, các ngành, địa phương đã phối hợp xây dựng chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà cà phê huyện Đăk Hà”; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cà phê xứ lạnh Kon Tum”; mở các lớp tập huấn chuyển giao các mô hình trồng trọt, xây dựng các mô hình trình diễn, ứng dụng giống cây trồng đi đôi biện pháp thâm canh tăng năng suất (giống cà phê chè TN2, F5TN1 có năng suất tăng từ 1,5-2 tấn/ha cà phê nhân so với cà phê catimor)…
Với những chính sách, giải pháp đúng đắn, cụ thể, kịp thời, sản phẩm chủ lực cà phê của tỉnh đã phát triển đúng định hướng, tăng nhanh về diện tích và sản lượng, chất lượng sản phẩm cũng ngày càng được nâng cao. Diện tích, sản lượng cà phê tăng mạnh qua từng năm, vượt 40% diện tích (25.211/18.000ha) và 30,4% sản lượng (52.172/40.000 tấn).
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng sản xuất chuyên canh cà phê Robusta ở huyện Đăk Hà chiếm khoảng 45% diện tích cà phê và chiếm 54% diện tích cà phê Robusta của cả tỉnh; vùng chuyên canh cà phê Arabica tại các xã vùng Đông Trường Sơn (các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) với diện tích khoảng 4.034 ha; đồng thời mở rộng diện tích trồng mới cây cà phê chè thông qua Đề án phát triển cây cà phê xứ lạnh (tại các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông) là 1.453 ha với sự tham gia của 5.939 hộ dân.
Đến nay trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được khoảng 1.800 ha, chủ yếu diện tích cà phê xứ lạnh. Cây phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ canh tác. Bà con xem đây là cây thoát nghèo vì mang lại năng suất cao hơn rất nhiều so việc trồng mì và các loại cây khác trước đây.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 6 hợp tác xã và 2 công ty tham gia phát triển sản xuất cà phê vối, trong đó có một số đơn vị đã xây dựng quy trình sản xuất cà phê vối được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn UTZ (cà phê sạch), 4C (Bộ quy tắc chung cho Cộng đồng Cà phê)...
Như ở Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ Sáu Nhung, HTX này đã xây dựng được quy trình sản xuất, chế biến cà phê hạt rang, cà phê bột, tinh cà phê và các sản phẩm từ tinh cà phê đạt tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ông Nguyễn Tri Sáu- Giám đốc Hợp tác xã, việc hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận là cơ sở để cây cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê phát triển bền vững, đưa thương hiệu cà phê Kon Tum vươn xa.
Còn tại tỉnh Đắk Nông, đã triển khai nhiều chương trình phát triển cà phê theo hướng bền vững, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần nâng cao thu nhập cho nhiều hộ đồng bào DTTS trồng cà phê.
Toàn tỉnh hiện có 130.000 ha cà phê, sản lượng trên 320.000 tấn, đứng thứ 3 ở Tây Nguyên, chỉ sau tỉnh Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đây là loại cây trồng chủ lực của tỉnh, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm cho đồng bào DTTS.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái, nhằm phát triển bền vững ngành cà phê, Đắk Nông đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới triển khai Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT), với nguồn vốn hơn 260 tỷ đồng trong giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2018, Đắk Nông đã triển khai hỗ trợ 20 mô hình tái canh và xây dựng 40 mô hình trình diễn sản xuất cà phê bền vững tại các huyện: Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk G’long, Krông Nô và thị xã Gia Nghĩa. Bình quân mỗi mô hình tái canh có diện tích 1 héc ta, kinh phí hỗ trợ hơn 40 triệu đồng.
Bên cạnh các chương trình, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, Đắk Nông cũng khuyến khích các hộ đồng bào DTTS đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp, HTX sản xuất cà phê theo các bộ tiêu chuẩn quốc tế. Khi tham gia liên kết, đồng bào được hưởng nhiều lợi ích như: hỗ trợ giống tốt, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và chế biến bảo quản cà phê… Đến nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 ha cà phê liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế, tập trung nhiều ở Đắk R’lấp, Đắk Song, Đắk Mil với khoảng 15.000 hộ tham gia. Sau khi tham gia liên kết, năng suất cà phê được nâng lên rõ rệt, trung bình đạt từ 3 – 4 tấn/ ha, tỷ lệ trái chín chiếm từ 85 – 90%, chi phí đầu vào giảm bình quân 15%…
Để đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng khắt khe của thị trường và người tiêu dùng, Đắk Nông sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái canh cây cà phê; hướng dẫn đồng bào thực hiện các bước chăm sóc, bón phân sau tái canh để cây sinh trưởng, phát triển tốt; chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê; đồng thời tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, từ đó nâng cao hơn nữa giá trị cây cà phê ở Đắk Nông.
Tỉnh Đăk Nông cũng đã ban hành kế hoạch phát triển cà phê đặc sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo đó, Đắk Nông định hướng xây dựng, phát triển khoảng 2.000 ha cà phê đặc sản, tạo tiền đề để phát triển bền vững ngành cà phê, vốn có diện tích, sản lượng đứng thứ ba cả nước.
Để thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển cây cà phê, cả Đắk Nông và Kon Tum đều đề cao vai trò của khu vực KTTT, HTX. Đặc biệt, cây cà phê chủ yếu nằm ở khu vực đồng bào DTTS nên việc vận động bà con thành lập các HTX trồng và chế biến cà phê xuất khẩu được xem là một khâu then chốt để đảm bảo các mục tiêu đề ra.
Tại Kon Tum, theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 210 THT, 195 HTX, tăng 161 HTX so với thời điểm 31/12/2001 với 9.733 thành viên, tăng 6.983 thành viên so với thời điểm 31/12/2001. Tổng nguồn vốn hoạt động của HTX trên tất cả các lĩnh vực là 275.000 triệu đồng, doanh thu bình quân khoảng 1.500 triệu đồng/HTX/năm, lợi nhuận bình quân khoảng 272 triệu đồng/HTX/năm; thu nhập bình quân của thành viên khoảng 47 triệu đồng/người/năm; thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong HTX đạt 41 triệu đồng/người/năm.
Trên địa bàn tỉnh đã hình thành 6 hợp tác xã và 2 công ty tham gia phát triển sản xuất cà phê vối, trong đó có một số đơn vị đã xây dựng quy trình sản xuất cà phê vối được cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn UTZ (cà phê sạch), 4C (Bộ quy tắc chung cho Cộng đồng Cà phê).
Chẳng hạn như Hợp tác xã Nông nghiệp Dịch vụ Thế hệ mới Đăk Mar được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10 năm 2019, gồm 13 thành viên là hội viên nông dân trên địa bàn xã, với tổng diện tích gần 160 héc ta cà phê đang trong chu kỳ kinh doanh. HTX được thành lập với mục tiêu liên kết, đồng hành và hỗ trợ các hội viên nông dân sản xuất cà phê theo hướng hàng hóa, gắn với chế biến, tiêu thụ. Qua hơn 2 năm thành lập, HTX đã phát huy tốt vai trò trong việc tập hợp, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con nông dân.
Được hỗ trợ cây giống, chuyển giao, hướng dẫn các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, thu nhập của nhiều hội viên nông dân tăng cao so với phương thức sản xuất truyền thống trên cùng một diện tích canh tác.
Đến nay, toàn tỉnh Đắk Nông đã phát triển được 230 hợp tác xã, với hơn 18.000 thành viên. Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Nông, các hợp tác xã đã chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật hợp tác xã 2012 đều có bước chuyển biến mới, ngày càng mở rộng và phát triển, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Năm 2021, doanh thu trung bình của các hợp tác xã ở Đắk Nông đạt gần 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 4000 lao động với mức thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người.
Trong những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân về vai trò, lợi ích của việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực cà phê, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 20 HTX đã hướng tới sản xuất theo chuỗi giá trị.
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã có nhiều HTX thành công trong việc sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị. Tiêu biểu như HTX Công bằng thương mại Thuận An (Đắk Mil) đã liên kết chặt chẽ với các công ty xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồng và thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất cà phê chất lượng cao.
Các HTX ở Đắk Mil, Đắk R’lấp, Krông Nô… cũng đã chú trọng tới sản xuất cà phê theo chuỗi. Các HTX hoạt động theo chuỗi đều bao tiêu sản phẩm và có sự liên kết với nhà nông - nhà nước - nhà doanh nghiệp - ngân hàng. Hiện nay, Liên minh HTX đang khảo sát để chọn các HTX đủ điều kiện hỗ trợ sản xuất chuỗi giá trị, trong đó có hỗ trợ về xây dựng nhà xưởng chế biến, nhà kho, trang thiết bị và xúc tiến thương mại. Cà phê chọn là một trong những cây trồng chủ lực của Đắk Nông. Vì vậy, Liên minh HTX “tiếp sức” cho các HTX đẩy mạnh sản xuất cà phê theo chuỗi giá trị sẽ góp phần phát triển vùng nguyên liệu cà phê ổn định bền vững, nâng cao chất lượng, đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng.
Ngành nông nghiệp dự kiến xây dựng thêm vùng nguyên liệu cà phê ở 2 tỉnh Đắk Nông và Kon Tum, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên lên 19.700ha.
Tại Hội nghị triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022 - 2025 gần đây, ngành nông nghiệp đã có những ý kiến đóng góp để xây dựng, đầu tư chiều sâu cho ngành hàng cà phê Tây Nguyên bứt phá.
Theo đó, hiện nay, vùng Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) có tổng diện tích cà phê khoảng 639.000 ha (chiếm tỷ lệ 92% so với cả nước), năng suất 28,5 tấn/ha (cao gấp 1,1 lần so với cả nước), sản lượng khoảng 1.669.000 tấn (chiếm tỷ lệ 95% so với cả nước).
Diện tích thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê ở Tây Nguyên mới chỉ là 11.200ha, tập trung ở Gia Lai và Đắk Lắk, chiếm 1,7% diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên.
Tuy nhiên, ngành hàng cà phê Tây Nguyên còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro và thiếu bền vững. Chẳng hạn, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê dưới dạng sản phẩm nhân xô, loại hàng hóa mà các nước nhập khẩu chỉ xem là nguyên liệu thô.
Chuỗi cung ứng cà phê còn phải qua nhiều khâu trung gian, chi phí logistics ngày càng cao, giá trị thặng dư từ hạt cà phê mang lại cho người nông dân trực tiếp sản xuất cà phê vốn nhỏ lẻ, manh mún lại càng khó khăn.
Sản phẩm cà phê được chế biến sâu còn nhiều hạn chế do vậy giá cà phê nhân xuất khẩu cũng như giá trị gia tăng thấp…
Mặc dù là nước đứng thứ hai về sản lượng xuất khẩu cà phê trên thế giới sau Brazil nhưng thị trường sản phẩm cà phê cao cấp vẫn chưa nhắc đến Việt Nam. Nguyên nhân là do không có nhiều doanh nghiệp, HTX hướng đến sản xuất cà phê chất lượng cao tại Việt Nam.
Hiện nay, trong Đề án thí điểm phát triển vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn, đã có 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk tham gia thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cà phê trên địa bàn 2 tỉnh với tổng diện tích 11.200 ha.
Tuy nhiên, quy mô diện tích thí điểm này là quá ít so với tổng diện tích cà phê trên địa bàn Tây Nguyên.
Do đó, để nâng cao chất lượng ngành hàng cà phê Tây Nguyên, việc mở rộng Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê thêm 2 tỉnh Đắk Nông (2.000ha) và Kon Tum (6.500ha) là rất cần thiết.