Chính sách tín dụng ưu đãi góp phần nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Nhờ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã nhân rộng mô trồng cây cà phê, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các thành viên HTX.
Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26-4-2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 (giai đoạn 1 từ năm 2021-2025) đang mở ra cơ hội hỗ trợ, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước.
Thuận An là xã biên giới của huyện Đắk Mil thuộc vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh Đăk Nông - nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Được sự hỗ trợ từ tín dụng chính sách cho thành viên người DTTS cộng với kinh phí hỗ trợ từ Dự án Ailen, năm 2012, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Thuận An đã thành lập HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An.
Mô hình sản xuất cà phê sạch của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân địa phương.
Đến nay, HTX đã phát triển lên 62 thành viên, đa số là người DTTS, qua quá trình hoạt động đến nay, HTX đã có 125 ha diện tích cà phê và hồ tiêu đạt chứng nhận Fairtrade (Hiệp hội Thương mại công bằng toàn cầu), sản lượng đăng ký 416.8 tấn/vụ, trong đó có 49 ha tiêu, với sản lượng 147 tấn/vụ.
Anh Đỗ Hoàng Yên, ở Thuận An cho biết, gia đình có diện tích 2 ha cà phê liên kết sản xuất cùng HTX theo tiêu chuẩn của Fairtrade với sản lượng đăng ký 6 tấn mỗi vụ. Liên kết với HTX, gia đình được hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Đồng thời, HTX đứng ra nhận ủy thác tín dụng chính sách cho thành viên và được chuyển giao kỹ thuật sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade, đã góp phần đưa năng suất cà phê của các thành viên HTX đạt trung bình từ 3-5 tấn/ha.
Những nỗ lực không ngừng của HTX đã xây dựng được thương hiệu cà phê Công Bằng Thuận An; giải quyết việc làm thường xuyên cho các hộ thành viên và bà con đồng bào dân tộc; mang lại thu nhập và cải thiện đời sống; từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo cho bà con đồng bào dân tộc tại vùng Tây Nguyên.
Hiện nay, vùng đồng bào DTTS và miền núi có số lượng HTX không nhiều, quy mô lại nhỏ. Đây là vấn đề cần có giải pháp để các HTX thực sự “bà đỡ” cho người dân, thúc đẩy kinh tế vùng phát triển.
Vai trò, hoạt động của HTX là cầu nối quy tụ, tập hợp những người sản xuất vào HTX, đưa ra mô hình sản xuất và tạo ra sản phẩm có quy mô lớn hơn; đồng thời làm cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường và cung ứng các dịch vụ đầu vào cho người sản xuất. Thông qua việc thành lập và hoạt động của HTX góp phần khai thác, phát huy lợi thế kinh tế của từng vùng miền, địa phương; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi hình thức sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Bên cạnh tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động, các HTX vùng DTTS và miền núi đã tích tụ, tập trung được hàng triệu héc ta đất để sản xuất quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đây là xu thế đúng đắn trong bối cảnh nước ta đang tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, góp phần nâng cao giá trị của nông sản, đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Theo số liệu thống kê của Liên minh HTX Việt Nam, hiện nay, vùng DTTS và miền núi có 11.558 HTX, chiếm 42,4% tổng số HTX của cả nước, 35 liên hiệp HTX, 61.471 tổ hợp tác; số HTX hoạt động hiệu quả đạt 53%. Hầu hết HTX trong vùng đã chuyển đổi, tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012; các HTX thành lập từ năm 2013 đến nay đều mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ, chuyển biến tích cực về quy mô, năng lực quản trị; có 601 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị (chiếm 30% số HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị của cả nước), thu hút 3,7 triệu thành viên, tạo 1,1 triệu việc làm, giảm nghèo, ổn định chính trị - xã hội.
Trong thời gian qua, KTTT, HTX có những đóng góp trong xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi như tạo việc làm, tăng thu nhập cho thành viên và người lao động; thay đổi nhận thức và tập quán sản xuất; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tay nghề cho thành viên và người lao động; tập trung ruộng đất; liên kết giữa các HTX, giữa HTX với các doanh nghiệp để sản xuất gắn với chuỗi giá trị; góp phần phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, giữ gìn bản sắc dân tộc vùng DTTS và miền núi; Góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Như vậy, phát triển KTTT, HTX có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới vùng DTTS và miền núi.