Bức tranh kinh tế hợp tác, HTX trong 6 tháng đầu năm 2020
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong bối cảnh Covid-19 gây tác động tiêu cực đang giúp nhiều HTX, tổ hợp tác đứng vững, đảm bảo đời sống cho thành viên, tạo nên bức tranh nhiều màu sáng trong toàn khu vực kinh tế hợp tác.
Sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong bối cảnh Covid-19 gây tác động tiêu cực đang giúp nhiều HTX, tổ hợp tác đứng vững, đảm bảo đời sống cho thành viên, người lao động tạo nên bức tranh nhiều màu sáng trong toàn khu vực kinh tế hợp tác.
Tính đến tháng 6/2020, cả nước có 91 Liên hiệp HTX; 120.811 THT và 25.282 HTX, tăng 2.002 HTX so với cùng kỳ năm 2019. Tổng vốn điều lệ đạt trên 36,6 nghìn tỷ đồng, trung bình 1.434 tỷ đồng/ HTX; tổng giá trị tài sản đạt trên 181,74 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2% so với năm 2019.
Đáng nói, dù khó khăn nhưng doanh thu bình quân vẫn đạt 1,7 tỷ đồng/HTX, cho dù giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân đạt 185 triệu đồng/ HTX, thu nhập thành viên, người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số HTX sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đạt 58%.
Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Mặc dù dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài, với sự nỗ lực của toàn hệ thống Liên minh HTX Việt Nam, khu vực KTHT, HTX đã tiếp tục phát triển về quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động, công tác thu hút, phát triển và phục vụ lợi ích thành viên HTX vẫn được chú trọng. Sáu tháng đầu năm, cả nước thành lập mới 752 HTX, 10 liên hiệp HTX, gần 6 nghìn THT, đạt 60% chỉ tiêu kế hoạch năm 2020”.
Bức tranh của khu vực KTHT, HTX càng trở lên sáng sủa hơn khi mà số lượng HTX trong cả nước đã đạt được là trên 1.700 HTX. Đặc biệt, số HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghệ cao đã tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó có 1.147 HTX nông nghiệp phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao giá trị nông sản, phát triển kinh tế hộ thành viên.
Cũng cần phải nói thêm, trong số những HTX đó đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả điển hình như HTX lâm nghiệp công nghệ cao tỉnh Phú Yên, HTX bò sữa Evergrowth tỉnh Sóc Trăng; HTX thanh long Tầm Vu ở Long An; HTX xoài La Ngà ở Định Quán, Đồng Nai ...
Dù vậy, những ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn đang đeo bám khu vực này. Xác định những khó khăn sẽ không thể hết trong "một sớm, một chiều". Bởi vậy, Ban Chấp hành Liên minh HTX Việt Nam đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020.
Cụ thể, lãnh đạo VCA và các thành viên sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và hệ thống chính trị về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới và lợi ích của KTHT, HTX mang lại cho thành viên, gắn với nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng, khó khăn vướng mắc của các thành viên; tư vấn, hỗ trợ HTX sau dịch bệnh Covid-19.
Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị số 70-KL/TW ngày 09/3/2020 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTHT.
Xây dựng Chương trình hỗ trợ phát triển KTHT giai đoạn 2021-2025 về chính sách về thuế, tín dụng, huy động vốn, ưu đãi tiền cho thuê đất... đối với HTX, liên hiệp HTX.
Các đơn vị HTX, THT tại các tỉnh, thành cũng thể hiện sự quyết tâm, chung sức, đồng lòng cùng với VCA, quyết tâm đưa khu vực KTHT, HTX vượt qua khó khăn để cùng nhau đạt được những mục tiêu mới.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, ông Đàm Văn Độ, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, cho hay dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền địa phương, của Liên minh HTX Việt Nam, 6 tháng đầu năm KTHT, HTX giữ vững ổn định bắt đầu trên đà phát triển. Sản xuất được duy trì, các mặt hàng chủ lực vẫn được luân chuyển đến tay người tiêu dùng.
“Để thúc đẩy KTHT, HTX phát triển, trước hết là phải xây dựng được thương hiệu, nhãn mác, xây dựng vùng sản xuất ổn định. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam, của cấp uỷ, chính quyền địa phương về kỹ thuật, vốn và kết nối cung cầu để đưa sản phẩm hàng hoá đến với các địa phương trong nước và ra nước ngoài”, ông Độ mong muốn.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Xuân Trường, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Nam cho biết, KTHT, HTX tại địa phương đã từng bước vượt qua khó khăn và hình thành nên chuỗi giá trị, có nhiều triển vọng mở rộng vùng sản xuất. KTHT, HTX dần trở thành thành phần kinh tế phát triển ổn định, đóng góp chung vào phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
“Từ sự chỉ đạo của Liên Liên minh HTX Việt Nam, chúng tôi sẽ báo cáo với cấp uỷ, Chính quyền tỉnh Hà Nam để triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, từng bước đưa KTHT, HTX đạt được thành quả tốt nhất trong thời gian từ nay đến cuối năm”, ông Trường khẳng định.
Rõ ràng, hành trình vì một khu vực KTHT, HTX phát triển là một quá trình dài và con đường phía trước vẫn đầy chông gai, thử thách. Nhưng với một quyết tâm, nỗ lực mới chắc chắn VCA và các thành viên sẽ cùng vượt qua, cùng đưa khu vực KTHT, HTX phát triển bền vững và có những chuyển mình mạnh mẽ.
Gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, nhiều hợp tác xã (HTX) đã tìm những giải pháp vượt khó, đảm bảo đời sống cho các thành viên. Bên cạnh sự nỗ lực, khu vực HTX mong muốn có sự đồng hành, sát cánh của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương.
Giống như nhiều địa phương trên cả nước, dịch Covid-19 vừa qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Giang, cho biết tỉnh Hà Giang có hơn 700 HTX đang hoạt động. 6 tháng đầu năm 2020, tỉnh thành lập mới 25 HTX.
Ông Hưng chia sẻ: Khó khăn nhất của HTX là kết nối lại chuỗi sản phẩm của mình. Do có thời gian bị gián đoạn, phải từ nay đến cuối năm mới kết nối hoàn chỉnh vào chuỗi như trước khi xảy ra dịch. Tuy nhiên, dịch Covid-19 vừa qua đã tác động tới hoạt động của nhiều HTX.
Khảo sát của Liên minh từ tháng 2 - 4/2020 có 103 HTX có sản phẩm sản xuất nông nghiệp, 25 HTX có hoạt động vận tải chịu ảnh hưởng tiêu cực. Tổng số thiệt hại là 45 tỷ đồng; trên 400 lao động bị mất việc, giãn việc.
Trước tình hình khó khăn trên, ông Hưng cho biết, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã tự nỗ lực để vượt khó. Hơn 100 HTX có sản phẩm hàng hoá, trong đó có 6-7 HTX có sản phẩm OCOP 3-5 sao đã phát triển mạng lưới bán hàng online. "Các HTX bán hàng online, vận chuyển sản phẩm chè, mật ong, dược liệu... đến tận tay khách hàng", ông Hưng thông tin.
Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm (Tiền Giang), cho biết Rạch Gầm là đơn vị cung ứng dịch vụ nên chuyện bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, "cái khó ló cái khôn", trong thời gian bị tác động của dịch bệnh Covid-19, HTX đảm đương vận chuyển 800.000 m3 nước ngọt cho người dân Tiền Giang chống hạn mặn.
"Chúng tôi luôn tìm thấy cơ hội trong khó khăn. Tuy nhiên, để có được cơ hội chắn chắn không hề dễ dàng, bản thân HTX phải nỗ lực. Để đảm đương được công việc vận chuyển nước ngọt, bản thân HTX không có đủ sà lan, vì vậy chúng tôi phải liên kết với các đơn vị khác mới có thể làm tốt điều này",
Ông TRẦN ĐỖ LIÊM - Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm
Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, khu vực HTX mong muốn có sự đồng hành, sát cánh của của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương.
Chủ tịch Liên minh HTX Hà Giang Nguyễn Tiến Hưng kiến nghị các bộ ngành, địa phương cần nhanh chóng giải quyết đơn giản hóa các quy trình thủ tục để đưa các chính sách, gói hỗ trợ về thuế, tín dụng, an sinh xã hội... của Chính phủ đến với từng HTX. Để thành viên HTX, HTX vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cụ thể, dịch Covid-19 ảnh hưởng, gây thiệt hại tới các HTX, nhiều lao động trong các HTX bị mất việc làm cần giải quyết nhanh chóng các thủ tục để những đối tượng này được hưởng hỗ trợ theo Quyết định 15 ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Các quỹ trong thẩm quyền gia hạn trả nợ đến hết năm 2020 để các HTX phục hồi sản xuất.
Đồng thời, theo ông Hưng, hiện nay, Liên minh HTX Việt Nam đang cùng phối hợp với các bộ, ngành Trung ương quy định hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển các HTX.
"Tôi kiến nghị cần phải đưa vào chỉ tiêu 63 tỉnh thành phố phải có 63 quỹ hỗ trợ phát triển HTX để nâng cao vai trò, vị thế của Liên minh HTX Việt Nam", ông Hưng đề xuất.
Về vấn đề này, ông Thái Phước Lộc, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh, kiến nghị Liên minh HTX Việt Nam sớm phối hợp Bộ Tài chính thống nhất quy định hoạt động của quỹ hỗ trợ phát triển HTX, sớm ban hành các văn bản hướng dẫn trong năm 2020.
Trước băn khoăn của đại diện Liên minh HTX các tỉnh, thành phố về quỹ hỗ trợ phát triển HTX, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh thông báo tin mừng tới các HTX.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Thịnh cho biết: “Sau 2 năm, Liên minh HTX Việt Nam tích cực làm việc, thậm chí "đấu tranh" bảo vệ quyền lợi của khu vực HTX. Qua 5 vòng bàn thảo, cơ bản nội dung Nghị định về quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã được Bộ Tài chính thống nhất. Hiện, Bộ Tư pháp đang thẩm định lần cuối, đi đến thống nhất lần cuối. Quỹ sẽ được cho vay vốn lưu động, trước đây chỉ đầu tư".
Đặc biệt, "các HTX được lấy tài sản hình thành sau đầu tư để thế chấp vay vốn. Dự kiến, trong thời gian ngắn từ 1 - 2 tháng tới, Nghị định này được ban hành", Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam thông tin.
Bài: Phạm Duy, Lê Thúy
Ảnh: Mạnh Lê, Freepik
Thiết kế: Hiến Nguyễn