Xã Đắk Pék nằm ở trung tâm huyện Đăk Glei, diện tích tự nhiên trên 9.000ha, có 7 dân tộc sinh sống phân bổ tại 11 thôn. Toàn xã có 2.337 hộ với 8.883 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80% dân số trên toàn xã và đa phần theo đạo Tin lành.
Giúp nhau phát triển kinh tế
Ở thôn Đăk Trấp (xã Đắk Pék) có 128 hộ với 464 nhân khẩu, phần lớn là dân tộc thiểu số và 100% người dân theo đạo Tin lành. Các hộ ở đây đa phần đều có mức sống từ trung bình trở lên, số hộ nghèo đang ngày càng được kéo giảm.
Nhờ bà con tín hữu Tin lành giúp nhau phát triển kinh tế nên bộ mặt nông thôn ở Đắk Pek ngày càng khởi sắc. |
Anh A Nhơn – Thôn trưởng Đăk Trấp, phấn khởi chia sẻ: Giáo dân trong thôn luôn đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế nên đời sống của bà con được cải thiện hơn trước rất nhiều. Đường làng ngõ xóm được bê tông hóa 100%.
Còn ở thôn Pêng Siêl (xã Đăk Pét) cũng là nơi tập trung đông bà con dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành. Là một thôn thuần nông với 100% dân số sản xuất nông nghiệp, những năm gần đây, bà con tín hữu trong thôn đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại giống mới vào trồng trọt kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản nên đời sống người dân nơi đây ngày càng khấm khá hơn.
Ông A Tiên, Trưởng thôn Pêng Siêl, cho biết toàn thôn hiện có 171 hộ với 687 khẩu, trong đó, hầu hết là người dân tộc Giẻ Triêng và bà con đều theo đạo Tin lành. Trong những năm qua, với sự giúp đỡ của Nhà nước và sự phấn đấu vươn lên của chính bản thân các gia đình nên đời sống được nâng cao.
Theo ông A Tiên, đến nay hộ nghèo của thôn đã giảm rõ rệt và các hộ dân, bà con tín hữu Tin lành trong thôn đều chăm lo làm ăn, có ý thức tự vươn lên trong cuộc sống.
Hàng tuần, bà con thôn Pêng Siêl đến nhà nguyện trong thôn để sinh hoạt tôn giáo. Tại đây, các tín hữu, nhất là thanh niên, được mục sư quan tâm khuyên nhủ phải chăm lo làm ăn, không uống rượu, chấp hành luật lệ giao thông để bảo vệ tính mạng, tài sản…
Trong những năm gần đây, bà con tín hữu thôn Pêng Siêl luôn tạo điều kiện để con em được học hành đến nơi đến chốn, giữ gìn vệ sinh trong thôn, chấp hành tốt mọi chủ trương của chính quyền địa phương, tích cực phát triển kinh tế, giảm nghèo…
Sát cánh cùng HTX
Riêng tại xóm đạo Tin lành Đăk Ven ở thôn Đăk Ven (xã Đắk Pék), các con đường trong nội thôn cũng đã được bà con góp tiền, góp công xây dựng nên. Ông A Ngan - một tín hữu cho biết: Bà con luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Sát cánh cùng HTX trồng cây dược liệu giúp nâng cao đời sống bà con dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở Đắk Pek. |
“Chúng tôi tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nhất là thực hiện tốt lời răn dạy của Chúa “yêu nước, thương dân”, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, ông A Ngan nói.
Mục sư A Miêu – Hội trưởng Chi hội Tin lành thôn Đăk Ven chia sẻ: Thôn Đăk Ven có 550 tín hữu và hầu hết đều theo lời răn dạy của Đức Chúa trời, tuyệt đối tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, luôn đồng hành cùng cấp ủy và chính quyền trong sự nghiệp xây dựng địa phương ngày càng phát triển.
Theo nhận xét của bà Cao Thị Bình - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc xã Đắk Pék, phần lớn bà con tín hữu trên địa bàn xã đều có ý thức, trách nhiệm trong việc chăm lo đời sống kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái nên người, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương…
Bên cạnh đó, hoạt động phát triển kinh tế hợp tác cũng có sự tham gia nhiệt tình của bà con tín hữu Tin lành ở Đắk Pék. Trong đó phải kể đến HTX Thương mại và dịch vụ huyện Đăk Glei, ở thôn 14A (xã Đăk Pek) được thành lập vào tháng 5/2021 với 8 thành viên ban đầu (trong đó, có 2 thành viên là người dân tộc Giẻ Triêng).
Với mục đích xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dược liệu của địa phương, HTX đã liên kết với 20 hộ dân tộc Xơ Đăng tại xã Mường Hoong và Ngọc Linh trồng cây sâm dây, với diện tích khoảng 20 ha. Sản phẩm của các hộ làm ra được HTX thu mua theo giá thị trường.
Hiện tại, HTX chế biến ra hơn 10 sản phẩm, gồm: Sâm dây khô, rượu sâm dây, cao sâm dây, mứt sâm dây, măng khô, thịt heo gác bếp…
Khi thành lập HTX, thuận lợi đầu tiên là HTX chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, không sợ bị thiếu hụt, không sợ kém chất lượng. Bên cạnh đó, sản phẩm của HTX cũng được các cơ quan, ban, ngành của huyện, tỉnh tạo điều kiện giới thiệu sản phẩm và mang đi quảng bá ở các nơi. Vì thế, các sản phẩm của HTX đã được tiêu thụ tại nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi tháng, HTX đạt doanh thu hơn 200 triệu đồng.
Ông Ngô Quang Quyết, Chủ tịch HĐQT HTX Thương mại và dịch vụ Đăk Glei, cho biết, sản phẩm cao sâm dây Ngọc Linh của HTX đã sản xuất và bán ra thị trường hơn 2 năm nay. Với nguồn nguyên liệu sâm dây ổn định, HTX đã đầu tư 1 máy sấy và 2 nồi nấu cao với kinh phí trên 150 triệu đồng, đồng thời, thiết kế bao bì, giới thiệu, trưng bày và bán trên các sàn giao dịch điện tử, các hội chợ, cửa hàng sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng ở các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Chung sức xây dựng xã nông thôn mới nâng cao
Theo ông Quyết, hiện tại bên HTX đang có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây là những sản phẩm có chứng chỉ của các cơ quan và được sản xuất tại Đăk Glei.
Với sự phát triển của HTX và chăm lo làm ăn kinh tế của bà con dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành đã góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới ở xã Đắk Pék.
Bộ mặt của huyện biên giới Đăk Glei ngày càng khang trang nhờ có sự chung sức của bà con dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành ở xã Đắk Pék. |
Khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đắk Pék gặp không ít khó khăn do điểm xuất phát thấp, mặt bằng dân trí không đồng đều, kinh tế còn thấp, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao (năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 30%), nguồn vốn đầu tư của Nhà nước chưa thể đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương.
Nhưng vài năm trở lại đây, bằng sự quyết tâm của chính quyền và người dân, bà con tín hữu, xã Đắk Pék đã xây dựng nhà văn hóa thôn; đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, chỉnh trang nhà ở dân cư; xây mới và nâng cấp 21,55 km đường giao thông; xây mới trụ sở UBND xã; sân thể thao xã; cơ sở vật chất các trường học và trạm y tế được đầu tư xây dựng khang trang...Tỷ lệ hộ nghèo cũng được kéo giảm nhanh, đến năm 2020 chỉ còn 7%.
Nhờ đó, cách đây 4 năm, xã Đắk Pék đã được tỉnh Kon Tum công nhận đạt chuẩn quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2019. Hiện nay xã đang nỗ lực để tiến tới đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Ngoài sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh, huyện, địa phương trong xây dựng nông thôn mới, xã Đăk Pék tích cực vận động nhân dân, bà con tín hữu đóng góp ngày công và hiến đất, hoa màu để xây dựng giao thông nông thôn, đường nội đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn…Tính đến tháng 2/2023, về kết quả xã nông thôn mới nâng cao, xã Đắk Pék đã đạt 12/19 tiêu chí.
Có thể khẳng định, thành công trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới của xã có sự đóng góp quan trọng của bà con dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành. Đây là thành quả đáng ghi nhận, là nền tảng vững chắc để xã Đắk Pék hoàn thành các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
Thanh Loan