Không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng đang “đau đầu” về tính pháp lý của tiền ảo. Trong khi đó, ở Việt Nam, dù không công nhận tiền ảo như một đồng tiền đích thực nhưng giao dịch, mua bán vẫn diễn ra rầm rộ, thậm chí biến tướng sang nhiều lĩnh vực khác nhau.
Giá trị vốn hóa 96,11 tỷ USD
Tại cuộc hội thảo về cách mạng công nghiệp 4.0 tác động như thế nào tới ngành tài chính – ngân hàng, vấn đề tiền ảo một lần nữa được đặt ra.
Tính đến ngày 22/10, đồng Bitcoin đã lập đỉnh 5.800 USD/coin, thậm chí có thời điểm tăng lên 6.050,2 USD/coin, tăng gần 6 lần so với đầu năm và trở thành đồng tiền có mức tăng kỷ lục trong các kênh đầu tư tài chính.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 24/10, giá Bitcoin giảm khoảng 200 USD so với phiên ngày 22, nhưng vẫn neo ở mức cao 5.765,11 USD/coin.
Hiện tại, giá trị vốn hóa của thị trường tiền ảo thế giới đã đạt tới 164 tỷ USD (Bitcoin chiếm hơn 50%, đạt ngưỡng 96,11 tỷ USD và mức cung là 16.641.688 đồng), tăng gần 10 tỷ USD chỉ trong một tháng.
Theo giới phân tích, nguyên nhân là do nguồn cung Bitcoin hạn hẹp nhưng mức cầu càng tăng, đẩy giá trị mỗi Bitcoin lên tới hàng nghìn USD. Nếu như giá trị đồng USD trong cả năm vừa rồi không có nhiều thay đổi thì đồng Bitcoin đã tăng đến cả chục phần trăm.
Sự tăng giá quá sốc của Bitcoin khiến nhiều chuyên gia tài chính cảnh báo về xu hướng của đồng tiền này.
Ông Nguyễn Ái Việt, Viện trưởng Viện Công nghệ Thông tin, (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng cần phải theo dõi thận trọng tiền mã hóa. Khi tiền mã hóa, tiền ảo đang là xu hướng trên thế giới và khi chưa có chính sách quản lý chung, phù hợp nên tiền mã hóa có thể là công cụ rửa tiền và phạm tội.
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia tỏ ra lo lắng khi tháng 9 vừa qua, Dubai chính thức cho phép mua nhà bằng tiền ảo Bitcoin.
Một dự án bất động sản có tổng giá trị đầu tư 325 triệu USD đã được khởi công tại Dubai, đơn vị phát triển cho phép người mua nhà được thanh toán bằng Bitcoin. Căn hộ một phòng ngủ của dự án sẽ được khởi bán với mức giá 30 Bitcoin, tương đương 133.918 USD.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, động thái trên của Dubai như “chất xúc tác” khiến đồng tiền ảo Bitcoin đang ngày càng thu hút sự chú ý của giới đầu tư và là một trong những nguyên nhân khiến giá tăng mạnh.
Trước tình hình trên, ông Vũ Thành Nam, Giám đốc công nghệ của CMCSoft (Tập đoàn CMC), đưa ra nhận định rằng đồng tiền ảo Bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác sẽ buộc Ngân hàng Trung ương các nước phải thay đổi cách thức điều hành chính sách tiền tệ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa và tác động mạnh mẽ đến hầu khắp các lĩnh vực của nền kinh tế.
Trong đó, sự xuất hiện của đồng tiền điện tử, tiền ảo đã tạo ra nhiều cơ hội, thách thức trong việc kiểm soát dòng tiền, rủi ro phát sinh trong thanh toán và an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, nhất là trước xu hướng các hoạt động tài chính ứng dụng công nghệ của các tổ chức không phải là ngân hàng (non-bank) đang phát triển rất mạnh.
Hiện nay, tới 82% các ngân hàng trung ương trên thế giới mong muốn ứng dụng công nghệ blockchain trong việc kiểm soát tiền ảo, tiền mã hóa; 55% các ngân hàng ứng dụng blockchain (nền tảng công nghệ chuỗi khối) trong lĩnh vực thanh toán…
Nghiên cứu blockchain
Đại diện NHNN cho biết, sự phức tạp và khó khăn trong quản lý tiền ảo là “bài toán” khó của các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách.
Dẫn kết quả khảo sát của trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học Cambrigde (Anh), NHNN cho biết, hiện nay, tới 82% các ngân hàng trung ương trên thế giới mong muốn ứng dụng công nghệ blockchain trong việc kiểm soát tiền ảo, tiền mã hóa; 55% các ngân hàng ứng dụng blockchain (nền tảng công nghệ chuỗi khối) trong lĩnh vực thanh toán…
“Bản thân NHNN Việt Nam luôn khẳng định không thừa nhận tiền ảo. Bitcoin, cũng như các loại tiền ảo tương tự khác, không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trước xu hướng mới, để xây dựng khung pháp lý quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo, tiền điện tử, Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) của NHNN đang tập trung nghiên cứu về blockchain”, ông Dũng cho hay.
Với ngân hàng, công nghệ blockchain có thể thay đổi toàn bộ cách thức hoạt động ngân hàng truyền thống, nhất là hoạt động chuyển tiền, cho vay, huy động, công nghệ định danh khách hàng…
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Fintech (NHNN), cho biết, áp dụng công nghệ blockchain đang là xu hướng của các ngân hàng, các fintech trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, chưa có tổ chức tín dụng nào công bố áp dụng công nghệ này, song một số ngân hàng đã và đang bắt đầu nghiên cứu và sẽ ứng dụng công nghệ này trong tương lai gần.
Trước làn sóng công nghệ số đang phát triển rất nhanh, một số nước đã bắt đầu coi Bitcoin không còn là tiền ảo, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) đã bắt đầu nghiên cứu và sáng tạo những sản phẩm liên quan đến lĩnh vực này.
Vì vậy, việc sớm ban hành quy chế quản lý để ngăn chặn sự biến tướng và giao dịch ngầm là cấp thiết. Bởi vì, nếu điều này xảy ra, việc quản lý sẽ càng khó khăn hơn.
Huyền Anh